Mỗi năm, số học sinh (HS), sinh viên (SV) Việt Nam được các nước cấp visa ngày một tăng. Có đến 70% du HS Việt Nam tiếp tục ở nước ngoài sau khi học xong để học lên cao hoặc làm việc. Dòng chảy tri thức “ra biển lớn” hay “trở về nguồn” xây dựng đất nước?
Ra đi không hẹn ngày về
“Trò: Em hứa sẽ trở về sau khi học xong.
Thầy: Có chắc không đó?
Trò: Dạ chắc như đinh đóng cột! Nếu em không về, thầy cứ phạt em đi”.
…
Thầy Nguyễn Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu TPHCM trầm ngâm nhớ lại lời hứa “sẽ trở về” của cậu học trò N.T.H, huy chương vàng tin học quốc tế trước khi qua Mỹ làm nghiên cứu sinh. Nhưng, hiện nay, N.T.H đã lập gia đình ở Mỹ và đường về trở nên xa thẳm. Khóa của N.T.H (1997-2000) cũng có gần 10 người đang làm việc và học ở Mỹ.
Đ.P, cựu HS THPT chuyên Lê Hồng Phong, được cấp học bổng tiến sĩ về ngành công nghệ truyền dẫn không dây. Tuy lập gia đình ở Việt Nam nhưng nghe đâu Đ.P cũng kiên quyết ở lại Mỹ để phát triển sự nghiệp, bởi ngành Đ.P đang học, ở Việt Nam không có điều kiện phát huy.
Những người giỏi thường không trở về sau khi kết thúc khóa học. Và mỗi năm, số HS, SV Việt Nam được các nước Hoa Kỳ, Canada, Úc… cấp visa ngày một tăng. HS trường chuyên được “săn đón” nhiều nhất, theo thống kê, mỗi năm THPT chuyên Lê Hồng Phong có 150 HS du học các nước, trong đó Singapore có khoảng 40 em.
THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng có khoảng 100 em. Trường Phổ thông năng khiếu có 40 em du học; riêng lớp chuyên Anh khóa 2007-2009, sau 3 năm, sĩ số từ 36 em “rơi rụng” còn 14 em. Tương tự, các trường Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai… cũng giảm dần sĩ số qua mỗi năm.
Du học Singapore đang trở thành một chọn lựa ưu tiên của HS VN. Bởi vì chất lượng đào tạo tốt, học phí thuộc loại rẻ, chỉ khoảng 10.000 SGD/năm. Nếu SV không xin được học bổng thì Chính phủ Singapore cho vay đến 80% để đóng học phí. 20% còn lại và tiền ăn ở, SV có thể mượn của trường. Số tiền vay trả trong vòng 20 năm, với lãi suất rất ưu đãi.
Bù lại, SV tốt nghiệp phải làm việc cho Singapore 3 năm. Với nhiều đợt tuyển sinh, cấp học bổng từ lớp 9 cho đến ĐH, nhiều người lo lắng cho rằng Singapore đang “vét” HS giỏi của VN ở các cấp.
Không chỉ có Singapore, các nước Canada, Úc cũng đã có chính sách khá cởi mở, học xong có thể ở lại làm việc, định cư. Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Canada tại Việt Nam, cho biết: Chính phủ cho phép du HS ở lại 3 năm sau khi tốt nghiệp và sau đó có thể xin định cư ở Canada.
Chưa có chiến lược giữ người tài
Nhìn số HS giảm dần qua các năm học, ông Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nói: “Tôi vui khi HS của mình được trường nước ngoài đón nhận”. Còn ông Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng THPT chuyên Lê Hồng Phong thì cho biết: Trước hết là buồn, mình tốn công, của đào tạo phần gốc, người khác đầu tư phần ngọn và sử dụng. Nếu tính 1 năm mất 20.000 USD/DHS, thì nguồn ngoại tệ đổ ra nước ngoài quá nhiều. Trong khi đó mình đang thiếu cả vốn lẫn con người. Nhưng nhìn thực tế, HS du học trở về nước mình không sử dụng được.
Trong hội nghị trường chuyên tổ chức năm ngoái, Sở GD-ĐT Đà Nẵng phác họa thực tế: Đà Nẵng cấp học bổng du học nước ngoài cho SV mấy năm qua. Nhưng khi lứa đầu tiên trở về, TP lúng túng không biết sắp xếp công việc cho những tinh hoa này như thế nào. Như vậy, nếu 10% trong số 60.000 DHS trở về đồng loạt thì sẽ ra sao? Chưa kể những người trở về một thời gian làm ở cơ quan nhà nước không thích hợp phải nhảy ra ngoài, chấp nhận bồi hoàn tiền đào tạo.
Tuy nhiên, không vì thế mà buông xuôi, không có chiến lược sử dụng nhân tài. Trước hết, theo ông Võ Anh Dũng, cần phải nâng cao chất lượng đào tạo trong nước, giảm ngoại tệ chảy ra nước ngoài. Đối với những DHS, chưa sử dụng được ngay lúc này thì phải có kế hoạch dùng sau này. Tức phải nắm được về mặt thông tin ai học ở ngành, trường, nước nào. Chẳng hạn, khi có một dự án cần chuyên gia tư vấn, qua Bộ GD-ĐT và đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta sẽ biết mời gọi người nào.
Hiện nay, ĐSQ Việt Nam chỉ quản lý số SV du học bằng ngân sách nhà nước (nhưng những trường hợp người học chuyển chỗ khác so với đăng ký ban đầu, ĐSQ cũng bó tay). Và mối liên hệ giữa DHS với ĐSQ cũng không sâu sắc, chỉ dựa trên quan hệ hành chính.
Không riêng Việt Nam, ngay cả các nước phát triển như Canada, Đức, Singapore… cũng bị thất thoát “chất xám” và đã có nhiều chính sách đãi ngộ để lôi kéo trí thức trở về. Còn Việt Nam, nhiều chuyên gia giáo dục lo lắng: Chúng ta đang sống trong tư duy lạc quan “người tài làm việc ở nơi khác chỉ là thiệt thòi trước mắt. Một thời gian sau, họ trở về làm việc và chúng ta được hưởng kinh nghiệm của họ”. Thế nhưng, nếu không có chiến lược giữ chân nhân tài thì đường về quê nhà của DHS vẫn ở thì tương lai.
Năm 2005 chỉ có 38.000 du HS Việt Nam thì nay, theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, con số này đã lên 60.000 người. Chưa có thống kê chính thức, nhưng ước tính của các chuyên gia, có khoảng 70% DHS Việt Nam tiếp tục ở nước ngoài sau khi học xong để học lên cao hoặc làm việc.