Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 11,926
Oxford là một trong những đại học uy tín nhất của Anh và châu Âu với 900 năm lịch sử - nơi từng đào tạo 25 vị Thủ tướng Anh. Hiện nay, ngôi trường danh tiếng này đang có kế hoạch thực hiện một cuộc cải tổ nhằm đảm bảo cho Oxford luôn xứng đáng là một trong những đại học hàng đầu thế giới.
Khó khăn nghiêm trọng về tài chính
Cho đến nay Chính phủ Anh vẫn là nguồn cung cấp tài chính chủ yếu cho Oxford, với khoảng 350 triệu USD mỗi năm, tuy nhiên, nguồn ngân sách Nhà nước lâu nay thường không đáp ứng được những yêu cầu về chi phí cần thiết của một trường đại học lớn như Oxford.
Bởi vậy, hiện nay lương của một giáo sư giảng dạy tại Oxford mới đạt khoảng 88.000 USD/năm, chỉ bằng gần một nửa so với lương của một giáo sư giảng dạy tại Đại học Harvard của Mỹ, là 163.000 USD/năm. Sự lệ thuộc quá nhiều vào Nhà nước đã dẫn đến những hạn chế khác cho Oxford.
Khó khăn về tài chính đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, theo nghiên cứu của tổ chức OxCHEPS, chi phí đào tạo cho mỗi sinh viên ở Oxford chỉ bằng 1/3 chi phí đào tạo cho mỗi sinh viên ở Princeton và Harvard của Mỹ.
Tuy vậy, mỗi năm nhà trường vẫn bị lỗ từ 12.000 USD đến 14.000 USD chi phí đào tạo cho mỗi sinh viên Anh hoặc EU. Từ 8 năm qua, nguồn tài chính bù đắp lại sự thâm hụt này vẫn chủ yếu nhờ vào 419 triệu USD lợi nhuận của Nhà xuất bản Oxford University Press.
Nhiều giáo sư và nhà nghiên cứu cho rằng Đại học Oxford đã bị tụt hậu so với các trường đại học ở Mỹ như Harvard hay Học viện Công nghệ Massachusetts. Oxford thiếu sự tiến bộ trong nghiên cứu các ngành khoa học thực nghiệm đòi hỏi phải có nhiều phòng thí nghiệm lớn, hiện đại và đắt tiền hơn là những giảng đường đẹp đẽ, sang trọng như trước đây.
John Hood - Vị cứu tinh?
Trước tình hình trên, ban lãnh đạo Đại học Oxford đã chủ trương tăng cường thực hiện những chính sách nhằm tăng thêm nguồn thu tài chính cho trường. Để làm tốt điều này, Đại học Oxford đã cử Tiến sĩ John Hood, 53 tuổi, người New Zealand, từng trải qua nhiều cương vị lãnh đạo trong 18 năm công tác tại tập đoàn Fletcher Challenge, về nhận chức Hiệu phó của Đại học Oxford.
Trước đây khi còn làm Hiệu phó Đại học Auckland của New Zealand ông John Hood đã từng có công giúp đại học Auckland huy động thêm 500 triệu USD để xây dựng cơ sở vật chất.
Với tư duy của nhà kinh doanh, kết hợp với vai trò của một nhà giáo, Tiến sĩ John Hood đã đề xuất một kế hoạch cải tổ táo bạo nhằm tận dụng và khai thác danh tiếng hàng đầu trên thế giới của Đại học Oxford nhằm tạo ra một khoản thu 5 tỉ USD cho trường, đồng thời cải tạo cơ sở vật chất cũ kỹ của Đại học Oxford.
Được biết, trước khi Tiến sĩ John Hood nhận chức Hiệu phó, trong niên khóa 2003-2004, Đại học Oxford mới chỉ nhận được đóng góp của giới công nghiệp, thu lợi về sở hữu trí tuệ và hợp tác khác trong kinh doanh khoản thu về cho trường là 56 triệu USD.
Theo Tiến sĩ John Hood, một trong những việc đầu tiên mà Đại học Oxford cần phải làm là hiện đại hóa công tác điều hành để có cơ sở thuyết phục các nhà tài trợ lớn rằng đồng tiền của họ được sử dụng một cách có hiệu quả.
Để giúp mình hoàn thành các mục tiêu tài chính, Hiệu phó Hood đã mời thêm ông Jon Dellandrea, một nhà huy động vốn xuất sắc từ Đại học Toronto ở Canada, về làm Giám đốc phát triển đầu tiên của Oxford. Về cơ sở vật chất của trường, Tiến sĩ John Hood dự kiến sẽ xây dựng thêm một cơ sở cho các ngành học nhân văn trị giá 1,5 tỉ USD; một thư viện mới với 8 triệu đầu sách và một cơ sở bệnh viện bên cạnh nhà trường.
Hi vọng vào một tương lai sán lạn
Mặc dù kế hoạch cải tổ Đại học Oxford, mà trọng tâm là việc cải thiện nguồn thu về tài chính và tăng cường cơ sở vật chất của trường do Tiến sĩ John Hood phụ trách, vẫn còn đang ở giai đoạn ban đầu, nhưng những tín hiệu tích cực đã thấy rõ.
Nếu như trước đây, nhiều giáo sư của trường Oxford còn phản đối và cho rằng việc kết hợp giữa học thuật và kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến kết quả giảng dạy và đào tạo của trường, thì nay những ý kiến như vậy không còn nữa.
Giáo sư Anthony Smith của trường cho biết, Tiến sĩ John Hood đã biết cần phải đặt vị trí của Oxford ở đâu cho xứng với tầm vóc của trường. Tin rằng, kế hoạch cải tổ đại học Oxford của ban lãnh đạo trường sẽ đưa Oxford không những chỉ cạnh tranh được với Đại học Cambridge mà còn có thể sánh ngang với những Đại học hàng đầu của Mỹ như Yale, Harvard, Stanford về chất lượng giảng dạy và trình độ sinh viên.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Source: Theo Dân Trí
Please sign in to perform this function