Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 6,792
Ai cũng có thể mắc sai lầm trong công việc. Tuy nhiên, một số người lại thích đổ lỗi cho người khác. Để tránh bị đổ lỗi oan, bạn nên bảo vệ bản thân hết mức có thể. Không chỉ chuẩn bị trước bằng sự cẩn thận trong hồ sơ, giấy tờ, bạn còn phải có nhiều phương án đề phòng.
Khi bị đồng nghiệp chơi xấu và đổ lỗi, nếu không có bằng chứng thuyết phục hay sự tin tưởng từ cấp trên, bạn có thể dễ dàng rơi vào tình huống “tình ngay lý gian”. Vậy làm thế nào để tránh sập bẫy? Dưới đây là những gì bạn có thể làm để tránh bị đổ lỗi.
Lưu trữ bằng chứng
1. Giao tiếp bằng email
Lời nói gió bay – Trò chuyện trực tiếp hoặc qua điện thoại thường không để lại bằng chứng. Email là lựa chọn tốt hơn (bạn có thể dễ dàng in ra). Nên nếu được, hãy giao tiếp với sếp, đồng nghiệp và khách hàng bằng email. Ngoài ra, trao đổi công việc qua các công cụ chat như Skype, group Facebook… cũng là một cách lưu trữ nội dung cuộc trò chuyện hiệu quả.
Nếu buộc phải trò chuyện trực tiếp, bạn có thể gõ lại nội dung cuộc trò chuyện và gửi bản tóm tắt qua email cho những người cùng họp. Ghi âm cuộc nói chuyện cũng là một cách hay nếu đối phương không thấy phiền.
2. Yêu cầu ký tên khi nhận hàng
Bạn cần gửi đồ đến phòng ban khác hoặc tới khách hàng? Hãy đảm bảo người nhận ký tên khi nhận hàng. Điều này có vẻ hơi kỳ, nhưng sẽ có lúc rất cần thiết. Nhất là nếu món đồ đó là một bản hợp đồng, một sản phẩm số lượng hiếm.
3. Hỏi ý kiến cấp trên
Nếu bạn không biết cách triển khai một công việc nào đó, hãy nhờ cấp trên quyết định. Gửi email câu hỏi của bạn và lưu lại câu trả lời.
Nhiều người ngại ‘nhờ vả’ cấp trên vì muốn chứng tỏ khả năng của mình. Tuy nhiên, nếu bạn làm sai, bạn chắc chắn sẽ là người chịu trách nhiệm.
Ghi nhớ: Đừng hỏi một câu hỏi hai lần. Một khi cấp trên đã hướng dẫn bạn, hãy ghi nhớ chỉ dẫn của họ.
4. Thông báo cho khách hàng các nguy cơ
Bạn có thể bị đổ lỗi khi quyết định của khách hàng không đạt kết quả như ý. Dù họ là người đưa ra quyết định, họ sẽ đổ tại bạn không chỉ ra hết các rủi ro.
Vì vậy, hãy nói rõ trước toàn bộ các nguy cơ để khách hàng đưa ra quyết định với thông tin đầy đủ trong tay. Đồng thời, yêu cầu khách hàng ký vào đơn ghi rõ họ đã được thông báo về các rủi ro.
Xây dựng uy tín
1. Giữ thái độ tích cực
Bạn có thể tránh được những lời cáo buộc vô căn cứ nếu có uy tín vững chắc trong mắt sếp và đồng nghiệp. Bắt đầu xây dựng uy tín bằng cách duy trì thái độ tích cực. Đơn giản như việc luôn mỉm cười và chào hỏi mọi người trong công ty.
Ứng xử với đồng nghiệp khó tính một cách tế nhị. Cố gắng nhìn nhận vấn đề từ quan điểm của họ, điều này có thể xoa dịu căng thẳng và giúp bạn có cái nhìn khách quan.
2. Giúp đỡ có chọn lọc
Hầu hết mọi người sẽ trân trọng sự giúp đỡ của bạn khi họ bị deadline “đè”. Tuy nhiên, giúp đỡ quá nhiều có thể khiến mọi người nghĩ bạn quá rảnh và nghĩ sự tử tế đó là nghiễm nhiên
Chú ý xem đồng nghiệp có ‘nẫng tay trên’ công sức của bạn không. Nếu có, đừng giúp họ nữa. Ngược lại, nếu họ công nhận và cảm kích với sự giúp đỡ của bạn, bạn vẫn có thể tiếp tục giúp họ trong tương lai. Điều này cho thấy họ xứng đáng được hỗ trợ. Đây cũng là cách để bạn tạo dựng uy tín trong tập thể.
3. Giữ lời hứa
“Nói lời phải giữ lấy lời” - hoàn thành trách nhiệm và làm đúng những gì đã hứa sẽ giúp bạn nâng cao uy tín trong mắt người khác. Khi bạn trở thành một nhân viên đáng tin cậy, mọi người sẽ ít có khả năng đổ lỗi cho bạn hơn nếu sự cố xảy ra.
4. Thừa nhận lỗi sai của mình
Thành thật thừa nhận lỗi sai của bản thân sẽ giúp bạn xây dựng uy tín. Chối bỏ trách nhiệm cũng là một dạng nói dối. Thay vào đó, hãy dũng cảm nói “Tôi xin lỗi” và giải thích như sau:
- Bạn hiểu sự nghiêm trọng của sai lầm, ví dụ: “Tôi nhận ra sai lầm này khiến chúng ta mất uy tín với khách hàng”.
- Bạn biết sai lầm diễn ra như thế nào, ví dụ: “Tôi đang gói hàng để gửi cho khách thì Linh gọi và tôi bị sao nhãng”.
- Bạn đang cố gắng không tái phạm, ví dụ: “Để đảm bảo không lặp lại sai lầm tương tự, tôi sẽ sử dụng hộp thư thoại và không dùng điện thoại khi đang đóng gói đồ”.
5. Xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp trên mạng xã hội
Khi sử dụng mạng xã hội, hãy đảm bảo chúng phản ánh con người bạn một cách tích cực. Hãy cập nhật hồ sơ LinkedIn của bạn, xóa những nội dung nhạy cảm khỏi Twitter, Facebook, YouTube nếu có. Bạn có thể tự lên Google tìm thông tin của bản thân. Nếu trang đầu tiên của Google phản ánh con người bạn một cách tích cực, bạn đã đi đúng hướng.
Trong đấu trường công sở, việc người này đổ lỗi cho người khác hoàn toàn có thể xảy ra. Đừng ngây ngô và chủ quan khi nghĩ “chắc nó chừa mình ra”. Hãy chuẩn bị cho mình căn cứ vững chãi và tâm thế chủ động ngay từ hôm nay. Có vậy bạn mới có thể xử trí tình huống một cách thông minh và tinh tế nhất.
Source: CareerViet Vietnam
Please sign in to perform this function