Một trong những "sự cố" của kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay là rất nhiều thí sinh đã làm trọn 20 câu phần thi tự chọn của môn ngoại ngữ, trong khi đề thi chỉ yêu cầu thí sinh làm 10 câu.
Nguyên nhân của sự cố trên chính là việc đưa phần tự chọn vào đề thi trắc nghiệm khách quan (TNKQ) và hầu hết giảng viên tiếng Anh đều không đồng tình. Theo các giảng viên này, các đề thi chuẩn quốc tế như TOEFL của Mỹ, IELTS của Anh... hay trình độ tiến sĩ như GRE đều không có phần tự chọn. Hình thức một cuộc thi rất quan trọng, ở các cuộc thi chuẩn quốc tế thì hình thức các cuộc thi nêu trên được phổ biến rất chi tiết trong những sổ tay giới thiệu cho thí sinh biết trước khi dự thi nhiều ngày, không có trường hợp đến lúc mở đề thi mới biết thi theo hình thức gì.
Trả lời các câu hỏi của báo chí về sự cố này tại buổi họp báo chiều 10.7, Thứ trưởng Bành Tiến Long đã cho biết về hướng xử lý là: sẽ chấm tất cả 80 câu hỏi của đề thi trắc nghiệm. Ở phần tự chọn, thí sinh sẽ được chấm cả 20 câu, và sẽ ưu tiên tính điểm theo phần trả lời 10 câu hỏi nào cao điểm hơn sẽ được tính điểm phần đó.
Theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, ngay sau buổi họp báo này, những người có trách nhiệm trong Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT đã phải ngồi lại với nhau thảo luận về hướng xử lý trên. Có ý kiến cho rằng, về nguyên tắc, những em đã làm hết cả 20 câu phần tự chọn là đã làm sai đề. Những bài thi này chỉ được chấm phần thi bắt buộc (gồm 60) câu, còn phần tự chọn sẽ không được chấm... Nếu chấm cả 20 câu phần tự chọn sẽ đồng nghĩa với việc phải xử lý lại phần mềm máy chấm, vì đáp án phần mềm cho máy chấm đã được thiết kế theo đề thi. Như vậy, máy chấm chỉ đọc được 10 câu hỏi trắc nghiệm, chứ không đọc được cả hai phương án 20 câu. Nếu phần mềm máy chấm không xử lý được thì phương án mà Thứ trưởng Bành Tiến Long đưa ra không thể thực hiện được. Song ngay tối 10.7, vấn đề liên quan đến kỹ thuật đã được giải đáp: phần mềm máy chấm xử lý được, nhiều khả năng sẽ thực hiện theo phương án chấm hết phần tự chọn cho những thí sinh làm cả 20 câu.
Ngay khi Bộ GD-ĐT tuyên bố hướng xử lý đối với những bài thi nhầm phần tự chọn, nhiều ý kiến của giáo viên, phụ huynh và học sinh trực tiếp tham dự kỳ thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ đã có nhiều ý kiến khác nhau. Có thể chia làm ba hướng: một là ủng hộ cách chấm của Bộ đưa ra (phần đông là từ phụ huynh và các em làm đủ 80 câu); hai là không chấm vì sai yêu cầu đề thi và ba là một số ý kiến khác: chấm hết những bài làm 80 câu với thang điểm riêng, chấm hết nhưng chỉ lấy phần điểm thấp chứ không lấy điểm cao để "thí sinh làm đúng yêu cầu của đề thi không bị thiệt thòi"...
Thanh Niên đã chuyển hết các ý kiến phản hồi của bạn đọc đến những người có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Trao đổi với Thanh Niên chiều 11.7, một người có trách nhiệm trong Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT cho biết: "Trước hết phải khẳng định, sai của thí sinh là làm hết phần tự chọn trong khi yêu cầu của đề thi rất rõ ràng. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn xem xét chấm phần tự chọn cho những thí sinh làm hết 20 câu, vì nhiều em do vô tình làm hết cả 80 câu tuần tự từ trên xuống mà không đọc kỹ đầu bài. Trước khi đưa ra hướng xử lý tại buổi họp báo chiều ngày 10.7, Bộ đã trao đổi với nhiều trường ĐH về vấn đề này và nhiều trường đề xuất nên chọn giải pháp này để không thiệt thòi cho thí sinh. Ban đề thi của phần thi tự luận cũng quy định rõ: trong phần tự chọn, nếu thí sinh làm cả hai phần thì ưu tiên lấy phần nào cao điểm hơn. Thi trắc nghiệm cũng tương tự như đề tự luận, vì vậy Bộ đưa ra giải pháp chấm cả 20 câu và ưu tiên tính điểm phần nào cao điểm hơn. Bộ muốn có sự thống nhất trong cả đề thi trắc nghiệm và đề tự luận. Có ý kiến cho rằng với những bài làm hết phần tự chọn thì chấm hết từng bài rồi chia đôi điểm, nhưng làm cách này không ổn".
Trách nhiệm giải quyết sự cố này đang đặt lên vai Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Nguyễn An Ninh. Đáng lẽ ông Ninh sẽ có văn bản hướng dẫn các trường ĐH về cách chấm các bài thí sinh làm nhầm phần thi tự chọn, nhưng đến cuối giờ chiều qua ông Ninh vẫn chưa ký văn bản này.