Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 12,886
Không sinh ra trong một gia đình giàu có, không được học hành và đào tạo đến nơi đến chốn để trở thành doanh nhân, thế nhưng sau hơn 30 năm lăn lộn kinh doanh, Amancio Ortega được coi là doanh nhân thành công nhất của Tây Ban Nha.
Với tổng tài sản 10,3 tỉ USD, Amancio Ortega là người giàu nhất Tây Ban Nha. Từ nhiều năm nay, tên ông luôn có mặt trong danh sách 30 người giàu nhất thế giới. Ông đang là chủ sở hữu tập đoàn Inditex, một trong 3 tập đoàn sản xuất và kinh doanh hàng may mặc lớn nhất thế giới hiện nay.
Từ một doanh nghiệp gia đình của Amancio Ortega, Inditex đã trở thành một tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực hàng quần áo. Inditex hiện có trụ sở tại thành phố Arteixo ở vùng Galicien của Tây Ban Nha và đã có mặt tại gần 50 nước với trên 1.600 cửa hàng. Inditex tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục ngay cả trong nhiều giai đoạn khủng hoảng và trì trệ của nền kinh tế.
Doanh số bán hàng của hãng năm qua lên tới trên 4 tỉ euro, tương đương gần 5 tỉ USD làm bất ngờ các đối thủ cạnh tranh. Hai nhà sản xuất hàng may mặc lớn nhất thế giới là Gap và Hennes & Mauritz cảm thấy vị trí số 1 và số 2 của mình đang bị đe doạ thực sự bởi tập đoàn Inditex.
Hiện Ortega đang có trong tay rất nhiều thương hiệu quần áo nổi tiếng châu Âu như Pull & Bear, Massimo Dutti, Bershka, Kiddys, hay Class, Stradivarius. Thế nhưng thương hiệu nổi tiếng nhất làm nên tên tuổi của Amancio Ortega và Inditex lại là Zara. Doanh số của các sản phẩm mang tên Zara chiếm tới gần một nửa tổng doanh số của cả tập đoàn.
Bắt đầu từ chân sai vặt
Amancio Ortega sinh ra trong một gia đình lao động nghèo và ngay từ trẻ đã phải đi làm tại một cửa hàng dệt may và tạp hóa nhỏ mang tên La Maja tại thành phố cảng Coruna. Khi đó Amancio chưa biết gì về may mặc hay quần áo. Nói đúng hơn lúc đó ông chưa được học nghề gì và chỉ biết sẵn sàng làm mọi thứ để có tiền. Và thế là chàng trai Amancio trở thành chân sai vặt của cửa hàng La Maja.
Dường như Amancio hài lòng với chân sai vặt và vẫn chẳng hề quan tâm đến nghề may mặc. Mọi sự chỉ thay đổi khi anh trai của Amancio lấy con gái của người chủ cửa hàng, còn Amancio đem lòng yêu mến một cô thợ may tại đây. Với bản tính lanh lợi và chăm chỉ, Amancio đã nhanh chóng có được những kiến thức cơ bản của nghề, đồng thời ý thức tự lập kinh doanh cũng cứ lớn dần theo thời gian.
Đầu những năm 1970, với sự trợ giúp đắc lực của chị dâu và vợ là hai thợ may lành nghề, Amancio Ortega đã có một xưởng may tư nhân nhỏ, nhận may quần áo theo đơn đặt hàng và sản xuất quần áo may sẵn. Gia đình Amancio vừa thiết kế, vừa may và vừa bán các sản phẩm của mình.
Năm 1975, Ortega lần đầu tiên cho ra đời một cửa hàng quần áo model riêng mang tên Zara. Lúc đó không ai nghĩ rằng Zara về sau là một thương hiệu quần áo model phụ nữ hàng đầu ở châu Âu. Bản thân giá của thương hiệu này đã đem lại cho Ortega hàng chục, thậm chí cả trăm triệu USD.
Đẹp, rẻ và hợp mốt
Đó chính là các yếu tố dẫn đến sự thành công kỳ diệu của Zara cũng như nhiều thương hiệu khác của Inditex. Thế nhưng để làm được điều đó thì không phải dễ chút nào. Amancio Ortega là Chủ tịch của tập đoàn với 32.000 nhân viên nhưng ông vẫn có thói quen điều hành như một công ty gia đình với phong cách giản dị và cần mẫn.
Mô hình kinh doanh của Inditex là một mô hình trọn gói và khép kín từ khảo sát, thiết kế, sản xuất cho đến bán lẻ trực tiếp. Ortega luôn tự kiểm tra tất cả các khâu, công đoạn thiết kế, sản xuất và bán hàng. Mô hình kinh doanh này đã góp phần đáng kể để Ortega có thể loại bỏ các chi phí trung gian khác, giảm giá thành sản phẩm. Các nhà kinh doanh may mặc quốc tế đến nay vẫn vừa khâm phục, vừa phần nào coi Amancio Ortega là "lập dị", thậm chí là "bảo thủ" khi ông không chuyển các cơ sở sản xuất của mình sang các nước châu Á để giảm giá thành.
Đúng vậy, trên 50% sản phẩm của Inditex được sản xuất tại vùng Galicien của Tây Ban Nha và trên 40% được sản xuất tại Bồ Đào Nha. Số sản phẩm được sản xuất ngoài châu Âu chưa tới 10%. Đây là một con số thật khó tin trong khi gần như tất cả các nhà sản xuất hàng dệt may nổi tiếng châu Âu đều chuyển sang sản xuất tại châu Á hoặc ít nhất là châu Mỹ La Tinh. Tuy nhiên, Ortega chỉ duy trì các xưởng sản xuất ở những vùng tương đối kém phát triển ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để có được mặt bằng chi phí lương thấp.
Các thương hiệu quần áo của Inditex, đặc biệt là thương hiệu Zara đã chinh phục được số đông khách hàng, nhất là phụ nữ. Theo họ các sản phẩm của Inditex hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh bởi sự hợp lí giữa chất lượng và giá cả. Amancio Ortega đã làm ra những sản phẩm đẹp, hợp mốt nhưng lại rất vừa với túi tiền của số đông. Gần đây, Inditex chú trọng giới thanh thiếu niên như là một khối khách hàng tiềm năng quan trọng nhất.
Nhanh và linh hoạt là bí quyết thành công
Amancio Ortega quyết định việc thiết kế chỉ được thực hiện tại ngay đại bản doanh của tập đoàn ở vùng Galicien. Tại đây, Inditex có cả một trung tâm thiết kế mẫu với 250 nhà thiết kế. Mỗi ngày có tới hàng trăm mẫu mã mới được ra đời. Thời gian từ khi thiết kế mẫu mã xong đến khi có hàng bán rất ngắn, vẻn vẹn chỉ có 11 ngày.
Cứ hai lần mỗi tuần, hệ thống các cửa hàng của Inditex lại được cung cấp hàng mới. Mỗi năm tập đoàn Inditex của Amancio Ortega đã tung ra trên 20.000 mẫu mã quần áo mới. Tính ra mỗi ngày có tới 60 mẫu mã quần áo được giới thiệu và bán cho khách hàng. Ông nói: "Nếu sản xuất tại châu Á thì cứ phải sau 6 tháng mới có thể thay đổi mẫu mã, còn tại Galicia chỉ cần chưa đầy 2 tuần".
Đa dạng, phong phú và thường xuyên thay đổi mẫu mã quần áo đã trở thành lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Inditex. Các đối thủ cạnh tranh đều phải mơ đến sức hấp dẫn của Zara và các thương hiệu khác của ông. Đa số khách hàng đều có cảm giác mất mát, thiếu hụt gì đó nếu như mỗi tuần không ghé qua các cửa hàng thời trang Zara một đến hai lần. Đây mới chính là giá trị thương hiệu vô cùng to lớn mà Amancio Ortega đã xây dựng nên.
Từ tháng 5/2001, Inditex chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán nên tốc độ tăng trưởng và giá trị thương hiệu của tập đoàn tăng lên vùn vụt. Lời tuyên bố tăng trưởng 20% mỗi năm của Ortega được thực hiện vượt xa một cách ngoạn mục. Kể cả năm 2002 là năm được coi là khủng hoảng của ngành dệt may thì Inditex cũng có được lợi nhuận ròng lên đến 438,1 triệu euro và tốc độ tăng trưởng 29%.
Mặc dù vậy, ông chủ 68 tuổi Amancio Ortega vẫn giữ được phong cách vốn có của mình. Ông không xuất hiện trước công chúng, không trả lời phỏng vấn, không lên truyền hình, không quảng cáo hay marketing rầm rộ nhưng vẫn luôn đề cao hình thức quảng cáo truyền miệng. Ông đã xây dựng được hàng triệu khách hàng trung thành và hài lòng với các sản phẩm của Inditex.
Nhưng Ortega lại không tiếc tiền để thuê các vị trí đẹp nhất dành cho hệ thống cửa hàng. Ngày nay, tại Paris hay London, người ta đều thấy các cửa hàng thời trang Zara hãnh diện bên cạnh các thương hiệu danh giá khác như Gucci, Versace hay Armenie. Chính chiến lược đó đã làm nâng giá trị và đánh bóng thêm thương hiệu cho các sản phẩm quần áo thời trang của ông.
Source: (Theo TBKTSG)
Please sign in to perform this function