Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,401
Năm nay công ty tôi chỉ cho nghỉ tết 07 ngày từ 29 âm đến mùng 5 tết. Vì quê tôi ở xa nên muốn tranh thủ về ăn tết sớm với gia đình. Vì vậy, tôi muốn biết theo quy định pháp luật thì có cách nào để được nghỉ tết sớm hơn nhưng vẫn được hưởng nguyên lương không? Làm sao để kéo dài thời gian nghỉ tết?
Căn cứ theo Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định về ngày phép năm của người lao động như sau:
Nghỉ hằng năm
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
5. Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.
6. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
7. Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì sẽ có từ 12 - 16 ngày phép năm tùy từng trường hợp.
Trường hợp làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ phép năm sẽ tính theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc. (Ví dụ: làm việc được đủ 05 tháng thì sẽ có 05 ngày phép năm).
Đồng thời, cũng theo quy định nêu trên thì người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ phép năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
Do đó, để có thể nghỉ Tết Âm lịch sớm hơn mà vẫn được hưởng nguyên lương thì bạn có thể sử dụng ngày phép năm của mình. Tuy nhiên, cần lưu ý để có thể nghỉ gộp nhiều ngày phép năm thì bạn cần phải thỏa thuận và được sự đồng ý từ công ty.
Cách 01: Sử dụng ngày phép năm
Như đã phân tích ở trên và theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động có thể sử dụng ngày phép năm của mình để xin nghỉ trước hoặc sau thời gian nghỉ Tết Âm lịch của công ty để có thể kéo dài thêm kỳ nghỉ Tết.
Trường hợp này, trong những ngày nghỉ Tết Âm lịch thêm thì người lao động vẫn sẽ được hưởng nguyên lương.
Cách 02: Xin nghỉ không hưởng lương
Căn cứ theo Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương như sau:
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Theo đó, để có thể kéo dài thời gian nghỉ Tết Âm lịch thì người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương trong thời gian trước hoặc sau Tết.
Như vậy, nếu muốn kéo dài thêm thời gian nghỉ Tết Âm lịch thì bạn có thể sử dụng ngày phép năm của mình hoặc thỏa thuận với công ty để nghỉ thêm nhưng không hưởng lương.
Người lao động chưa nghỉ hết ngày phép năm thì có được thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ không?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, khi thuộc một trong những trường hợp sau đây thì người lao động mới được thanh toán tiền lương cho những ngày phép năm chưa nghỉ:
- Người lao động thôi việc
- Người lao động bị mất việc làm
Như vậy, nếu người lao động vẫn làm việc tại công ty mà chưa nghỉ hết ngày phép năm thì công ty không bắt buộc phải thanh toán tiền lương những ngày phép chưa nghỉ hết này cho họ.
Việc có thanh toán tiền lương những ngày phép năm chưa nghỉ hết này hay không sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa công ty với người lao động và còn phụ thuộc vào từng quy chế, quy định riêng của mỗi công ty.
Source: Thư Viện Pháp Luật
Please sign in to perform this function