![](https://images.kiemviec.com/tintuc/career/uploads/Ca_CT(4).jpg) |
Lao động Việt Nam trước giờ xuất ngoại
|
Tổ chức Lao động quốc tế dự báo, năm 2009 toàn thế giới sẽ giảm khoảng 210 triệu chỗ làm, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo, dịch vụ. Đây là tác động tất yếu của khủng hoảng kinh tế toàn cầu mà Việt Nam khó nằm ngoài vòng xoáy.
Xuất khẩu 85 nghìn lao động trong năm 2008
Theo báo cáo của Cục quản lý lao động ngoài nước tại Hội nghị việc làm và xuất khẩu lao động toàn quốc diễn ra ngày 15/12, mặc dù trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước nhưng chúng ta vẫn hình thành được hệ thống thị trường XKLĐ phong phú và đa dạng, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng đều hàng năm.
Từ năm 2006-2008, trung bình mỗi năm ta đưa được khoảng 83.000 lao động (cụ thể năm 2006 là 78.855 người, năm 2007: 85.000 người và năm 2008 dự kiến trên 85.000 người), chiếm khoảng 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm, chất lượng lao động đã từng bước được cải thiện.
Hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau. Hàng năm, người lao động gửi về nước khoảng 1,6-2 tỷ USD.
Đáng chú ý là số tiền người lao động gửi về cho gia đình trong năm 2006 gần bằng hoặc cao hơn thu ngân sách của một số địa phương. Điển hình như Nghệ An là 690 tỷ đồng, Thanh Hoá 650 tỷ đồng, Thái Bình 638 tỷ đồng, Phú Thọ 600 tỷ đồng, Bắc Giang 577 tỷ đồng, Hưng Yên: 240 tỷ đồng, Tuyên Quang 163 tỷ đồng.
Rủi ro không chỉ đến từ khủng hoảng...
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT Công ty AIC cho biết, tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người lao động. Mặc dù lương cơ bản của người lao động ở nhiều nơi vẫn giữ nguyên nhưng do ít việc hơn, giờ làm thêm bị cắt giảm, nên thông thường người lao động bị giảm khoảng 1/3 thu nhập hàng tháng.
Hay như ở Hàn Quốc, một thị trường mơ ước của lao động với thu nhập bình quân 1.500 USD/tháng, từ giữa năm 2008, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, tiền nội tệ Hàn Quốc mất giá, nên thu nhập của người lao động giảm nhiều nếu quy đổi ra đô la Mỹ. Tại Đài Loan, nhiều lao động Việt Nam cũng bị rơi vào tình trạng thiếu việc làm, giảm thu nhập…
Không chỉ bị tác động từ yếu tố khách quan là cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng đang gặp không ít rủi ro mà nguyên nhân lại do chính lao động gây nên. Điển hình là ở Qatar có một số lao động tay nghề thấp, ý thức chưa cao, một số lao động có điều kiện ăn ở và thu nhập chưa tốt nên đã có các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm hợp đồng như đình công, đánh nhau, trộm cắp… nên phía Qatar đang thực hiện một số biện pháp hạn chế nhận lao động Việt Nam.
Tại thị trường CH Séc thì gặp rắc rối khác. Từ đầu năm 2008 đến nay, do thủ tục xin visa lao động tại ĐSQ CH Séc ở Hà Nội rất khó khăn và có nhiều tiêu cực nên Bộ LĐTB-XH đã chỉ đạo không tuyển lao động mới đi CH Séc. Mặt khác, có trên 10.000 người Việt sang CH Séc theo visa kinh doanh hoặc các hình thức khác. Tuy nhiên, khi sang đến nơi thì phần lớn số này lại chuyển sang lao động. Số công dân này đã phải chịu chi phí rất lớn để sang CH Séc, lại không có tay nghề, ngoại ngữ nên công việc không ổn định, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, tham gia vào những việc làm tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người Việt Nam.
Sẽ giảm khoảng 210 triệu việc làm toàn cầu
Trong việc tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài, vai trò của các doanh nghiệp đối với chất lượng nguồn lao động là không nhỏ. Trong khi đó, vấn đề tranh giành lao động từ phía các doanh nghiệp vẫn xảy ra. Ông Hồ Tất Thắng, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Nghệ An đã thẳng thắn chỉ ra trước hội nghị: “Doanh nghiệp có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh trong việc tranh giành lao động như chi trả phí không chính thức với chính quyền xã để lấy lao động”.
Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Trần Thanh Hoà nhận định: “Các doanh nghiệp XKLĐ phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít đầu tư vốn và cán bộ cho XKLĐ nên hoạt động chưa hiệu quả. Một số doanh nghiệp còn vi phạm các quy định của pháp luật dẫn đến bị xử lý. Cụ thể là từ năm 2003 đến nay đã thu hồi giấy phép của 26 doanh nghiệp, tạm đình chỉ giấy phép của 6 doanh nghiệp và đình chỉ cung ứng lao động theo hợp đồng của 101 lượt doanh nghiệp”.
Theo dự báo của các chuyên gia, cuộc khủng hoảng tài chính sẽ dẫn đến khủng hoảng việc làm. Tổ chức Lao động quốc tế dự báo năm 2009 toàn thế giới sẽ giảm khoảng 210 triệu chỗ làm việc, đặc biệt là các công việc trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo, dịch vụ. Điều đáng nói đây lại là những lĩnh vực lao động ta có thế mạnh.
Một bất lợi nữa đã tồn tại từ nhiều năm nay đó là lao động của ta còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp. Bởi vậy, để thực hiện mục tiêu từ năm 2010 trở đi, hàng năm đưa đi được trên 100 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài trong đó có 70-80% là lao động đã qua đào tạo thì cần phải nỗ lực rất nhiều.
Lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, cần tập trung triển khai Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ban hành các quy định và hình thức công khai hoá các thông tin liên quan đến XKLĐ, tăng cường quản lý nhà nước về XKLĐ, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Cục cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đào tạo nghề cho lao động xuất khẩu cũng như tăng các chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.