Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,061
Sau khi lương tối thiểu vùng tăng từ ngày 1-7, nhiều doanh nghiệp tại TP HCM và Đồng Nai vẫn giữ 7% phụ cấp tay nghề cho người lao động đã qua đào tạo
Đầu tháng 7-2024, hàng trăm công nhân (CN) tại Công ty TNHH Thái Sơn S.P (quận Bình Thạnh, TP HCM) rất phấn chấn khi ban giám đốc quyết định tăng lương cho toàn bộ người lao động (NLĐ) với mức từ 300.000 đồng/người/tháng trở lên và giữ nguyên 7% phụ cấp tay nghề cho những trường hợp đã qua đào tạo. Sau khi điều chỉnh, mức lương tối thiểu (LTT) của CN làm công việc đơn giản nhất tại công ty là 5,3 triệu đồng/người/tháng.
Theo bà Châu Thị Ngọc Liên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thái Sơn S.P, sau khi Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu vùng, Công đoàn và Ban Giám đốc đã tiến hành thương lượng và đạt được sự đồng thuận về việc nâng lương cho người lao động.
Theo đó, ngoài việc áp dụng mức tăng 300.000 đồng/tháng (cao hơn mức điều chỉnh của Chính phủ) cho lao động phổ thông chưa có tay nghề, công ty còn giữ nguyên 7% phụ cấp cho CN có tay nghề hoặc đảm nhận các công việc bắt buộc đã qua đào tạo như tài xế, thợ máy, thủ kho, thợ may. Với chính sách này, mức lương thấp áp dụng cho CN đã qua đào tạo là 5,574 triệu đồng/người/tháng. Cùng với các khoản phụ cấp, thưởng năng suất..., thu nhập hằng tháng của CN đạt từ 8-10 triệu đồng/người.
Công ty TNHH Giày Dona Standard Việt Nam (KCN Xuân Lộc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cũng vừa công bố tăng lương 280.000 - 919.000 đồng/người cho hàng chục ngàn lao động. Mức tăng tùy vị trí, bậc nghề của NLĐ. Từ ngày 1-7, mức LTT mà doanh nghiệp (DN) này áp dụng cho CN làm công việc đơn giản nhất là 5,62 triệu đồng/người/tháng. Đợt điều chỉnh LTT này cũng trùng đợt xét nâng bậc đợt 2 năm 2024 cho NLĐ. Do vậy, nhiều CN được tăng lương 2 lần với tổng mức tăng dao động từ 575.000 đến 2,597 triệu đồng/người.
CN Nguyễn Thị Thu Thảo cho biết: "Tôi làm việc tại Công ty Giày Dona Standard Việt Nam mới hơn 1 năm nhưng đây là lần thứ 3 được điều chỉnh tiền lương, mức tăng lần này là 422.000 đồng. Sau khi tăng, mức lương của tôi đạt hơn 9 triệu đồng/tháng. Do công ty đóng BHXH cho NLĐ trên tổng thu nhập nên CN được hưởng các chế độ BHXH khá cao".
Tại Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (KCN Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP HCM), từ ngày 1-7, CN cũng được tăng lương 280.000 đồng/người/tháng. Sau khi điều chỉnh, mức lương thấp nhất tại DN là 5,3 triệu đồng, chưa kể các khoản phụ cấp (khoảng 2,5 triệu đồng). Để khuyến khích CN nâng cao tay nghề, ngoài việc giữ 7% phụ cấp, DN còn tăng lương và nâng bậc cho những CN nỗ lực nâng cao tay nghề.
Người lao động Công ty CP Đại Đồng Tiến phấn khởi làm việc khi chính sách tiền lương, đãi ngộ ổn định. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Tại Công ty CP Đại Đồng Tiến (quận 5, TP HCM), hơn 400 lao động rất phấn khởi khi được tăng lương 300.000 đồng/người/tháng. Hiện mức lương thấp nhất của CN là 5.308.000 đồng/người/tháng.
Không chỉ giữ nguyên 7% phụ cấp tay nghề đối với CN đã qua đào tạo, Công ty CP Đại Đồng Tiến còn duy trì các khoản phụ cấp: cơm giữa ca (520.000 đồng), thâm niên (từ 100.000 đến 2 triệu đồng/người/tháng)... Tùy tính chất công việc, NLĐ còn nhận được phụ cấp đi lại (500.000 đến 1 triệu đồng/người/tháng), điện thoại (200.000 đến 1 triệu đồng/tháng). Hiện nay, thu nhập bình quân của NLĐ tại công ty là 10 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, tại Công ty TNHH CNS Amura Precision (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), mức lương thấp nhất của người lao động là 5.777.000 đồng/tháng. Bà Nguyễn Hoàng Phượng Linh, Giám đốc Nhân sự của công ty, cho biết tất cả người lao động, bất kể vị trí hay tay nghề, đều được đào tạo lại theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Vì thế, công ty vẫn giữ 7% cho NLĐ. Từ ngày 1-7, công ty không nâng lương cho tất cả NLĐ mà chỉ xét nâng 10% cho NLĐ mới ký HĐLĐ. "Tại Khu Công nghệ cao, việc cạnh tranh lao động rất gay gắt, vì thế DN phải trả mức lương hợp lý để giữ chân NLĐ. Công ty luôn tạo điều kiện để NLĐ có mức thu nhập có thể sống được" - bà Linh nhấn mạnh.
Theo ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao), việc giữ lại 7% phụ cấp tay nghề giúp tạo động lực làm việc cho CN, góp phần tăng năng suất lao động và ổn định nguồn nhân lực. "Trong bối cảnh tuyển dụng CN có tay nghề gặp khó, việc DN ổn định chính sách tiền lương, đãi ngộ giúp tạo ra một môi trường làm việc công bằng, động viên NLĐ phấn đấu nâng cao tay nghề" - ông Hồng nhìn nhận.
Nguồn: Người lao động