|
Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hóc Môn) đang được thi công để đưa vào sử dụng đầu năm học 2008-2009
|
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến mùa tựu trường. Tại TPHCM, bên cạnh niềm vui của thầy trò ở những công trình kịp đưa vào sử dụng trong năm học mới, ở một số nơi vẫn còn nỗi ngậm ngùi điệp khúc “có trò, không có trường”.
“Tan băng” một số công trình Trời hè oi nồng, các công nhân ở công trình Trường Tiểu học (TH) Nguyễn Văn Trỗi (phường 9, quận 4) đang tất bật làm việc để trường hoàn thành vào đúng dịp tựu trường năm nay. Với thiết kế hiện đại, quy mô 40 phòng học, trường có tổng kinh phí đầu tư hơn 75 tỷ đồng, trong đó tiền đền bù, giải tỏa chiếm một phần đáng kể.
Theo cô Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, trường đưa vào hoạt động góp phần giải tỏa áp lực HS trên địa bàn. Ngoài tuyển 315 HS của phường 8, phường 9, TH Nguyễn Văn Trỗi còn thu nhận HS của Trường TH Đặng Trần Côn và HS cấp 1 của trường cấp 1, 2 Chi Lăng. Như vậy, TH Đặng Trần Côn sẽ được “giải phóng” để chuẩn bị xây, còn trường Chi Lăng sẽ tách cấp 1 thành trường cấp 2. Sau nhiều năm ì ạch vì vướng khâu giải tỏa, đền bù, Trường TH Nguyễn Văn Trỗi sắp hoàn thành, góp thêm một nốt nhạc vui trong bản giao hưởng xây dựng cơ sở vật trường học nhiều năm qua vốn đã có quá nhiều nốt “trầm”.
Một số công trình “đóng băng” trong nhiều năm đã “tan băng”, được đưa vào phục vụ kịp thời năm học mới. Thầy trò Trường Trung học phổ thông (THPT) Nguyễn Hữu Tiến, Hóc Môn sau 3 năm ăn nhờ, ở đậu cũng sắp có trường của mình. Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 11 (40,6 tỷ đồng) cũng đang chạy đua cùng với thời gian hoàn tất 30 phòng học kịp đón tiếng trống ngày khai trường; dù rằng, các phòng chức năng của trường đến tận tháng 12-2008 mới xong; dù rằng, HS phải “học chay” nhưng có phòng còn hơn cảnh “tầm gửi” mượn trường. Ngay cả công trình Trường Hiệp Bình, Thủ Đức “nổi tiếng” kéo dài 5 năm qua chỉ xây được bức tường, cỏ dại mọc đầy sân cũng đã có chút rục rịch. Công trình được UBND TPHCM duyệt điều chỉnh dự án lần 2, tổng vốn đầu tư điều chỉnh là 56,4 tỷ đồng. Dự kiến công trình tái khởi công vào tháng 9 – 2008 và hoàn thành vào năm 2010.
89 dự án chuẩn bị đầu tư bị giãn tiến độ Chúng tôi trở lại Trường TH Vĩnh Lộc B, Bình Chánh sau sự cố “trẻ lớp 1 không được ra lớp” (Báo SGGP đã có bài phản ánh), số HS lớp 1 của trường từ 181 em đã tăng lên 324 HS, trong khi HS lớp 5 tốt nghiệp chỉ có 197 em. Đầu ra, đầu vào “chênh” nhau như thế, “bố trí HS học một buổi đã khó, phòng đâu mà làm buổi thứ 2”, ông Đỗ Văn Vọi, Hiệu trưởng Trường TH Vĩnh Lộc B, cho biết. Trường xuống cấp nhiều năm, mùa mưa thì dột, mùa nắng lại nóng nhưng dự án xây trường có từ nhiều năm trước đến nay vẫn chưa khởi động.
Nhiều phòng học chật chội phải kê thêm bàn, ghế cho số HS ngày càng nhiều. Sĩ số chuẩn bậc tiểu học nhiều nơi đang thực hiện 35 HS/lớp, đối với Trường TH Vĩnh Lộc B, đó chỉ là con số …. trong mơ. Bình quân lớp 1 có 42 HS, lớp 3 lên đến 52 em. Trường cố gắng lắm mới giãn được sĩ số HS lớp 5 xuống còn 46 - 47 HS/lớp để tập trung chất lượng cho HS cuối cấp.
Tuy nhiên, số phận của Trường TH Vĩnh Lộc B còn đỡ bi đát hơn nhiều công trình trường học vừa khởi công nhưng do biến động giá phải ngưng lại. Trường Khánh Hội A đã được tháo dỡ từ năm học trước, thầy trò phải học tạm trường lân cận, nhưng trường mới chưa kịp khởi công trong năm nay thì bị đình lại do tăng giá. Trường THPT Tây Thạnh đã có quyết định thành lập 3 năm nay, nhưng chỉ mới xong phần thiết kế.
Ông Lê Văn Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh đang lo lắng không biết công trình xây trường có nằm trong số 89 dự án chuẩn bị đầu tư bị giãn tiến độ. 1.500 HS của trường phải phân ra học ở hai cơ sở cách xa nhau 10 cây số. HS lớp 12 học ở THCS Tân Thới Hòa, HS lớp 10, 11 mượn 5 phòng của THCS Lê Lợi và cải tạo sân bóng của Trường Lê Lợi thành phòng học. HS lớp 12 sắp ra trường vẫn không biết hình dạng của ngôi trường mình. Tương tự, Trường THPT chuyên TDTT Nguyễn Thị Định mang tiếng là chuyên TDTT nhưng chưa có các phòng chuyên môn cho HS năng khiếu tập luyện vì giai đoạn 2 của trường chưa biết đến bao giờ mới khởi công.
Trong tình hình lạm phát, các dự án TH Lam Sơn (Gò Vấp), THCS Sông Đà (Phú Nhuận), TH Phước Long (quận 9), TH Nguyễn Huệ (quận 4), THPT An Phú (quận 2)… có nguy cơ vẫn tiếp tục nằm trên giấy.
Năm học 2008 – 2009, ngành GD-ĐT sẽ đưa vào sử dụng 37 trường học mới với 566 phòng học. Trong đó bậc mầm non có 14 trường (122 phòng), bậc tiểu học có 12 trường (273 phòng), bậc THCS có 9 trường (105 phòng), bậc THPT có 2 trường (66 phòng). Hầu hết các trường mới xây nằm ở vùng ven, ngoại thành như quận 2, quận 7, quận 9, quận 11, Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè … Tổng ngân sách đầu tư cho các công trình trường học năm 2008 là 496,8 tỷ đồng, ngoài ngân sách của TP là 365,7 tỷ còn có nguồn vốn của các cá nhân và tổ chức chiếm một phần đáng kể (69,9 tỷ đồng). |