Chúng tôi tìm đến Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân - một trong 3 trường chuẩn quốc gia đầu tiên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đúng vào ngày khai giảng. Vui mừng đón chào năm học mới, nhưng trong tâm trí các thầy cô lại trĩu nẵng một nỗi băn khoăn: liệu bao giờ trường mình mới đủ học sinh? Dẫu đã là mồng 05/9, nhưng ngoài dãy phòng học mới được đầu tư gồm 6 lớp đang được sử dụng, dãy phòng phía bên tay phải chúng tôi vẫn đóng cửa im ỉm, như là một câu trả lời cho cái vẻ hơi đìu hiu của ngôi trường, khác hẳn với không khí khai giảng tưng bừng náo nhiệt của các trường khác trên cùng địa bàn
Thầy Hà Văn Minh - hiệu trưởng nhà trường ngậm ngùi: trước đây trường Nguyễn Viết Xuân cũng là một ngôi trường tiểu học danh giá, có thời điểm đã trở nên quá tải đối với công tác tuyển sinh khu vực ven biển này. Vào thời điểm được công nhận là Trường chuẩn quốc gia (1997), trường quá tải, giáo viên thiếu, cơ sở vật chất không đáp ứng kịp, thiết bị học tập thiếu… nên Phòng Giáo dục và Ủy ban Nhân dân phường Xuân Hà đã có kiến nghị lên cấp trên để xin tách.
Kết quả là một ngôi trường mới ra đời mang tên Hà Huy Tập. Nhưng lại bắt đầu từ đây xuất hiện hiện tượng số học sinh của trường Nguyễn Viết Xuân ngày càng giảm đi. Mà nguyên nhân đầu tiên chính là việc ngôi trường mới được xây dựng bài bản hơn, hiện đại và khang trang hơn. Nhưng vài năm trở lại đây, đó không còn là hiện tượng nữa, mà đã trở thành ồ ạt, và dễ dẫn đến nguy cơ “vỡ” trường...
Qua tìm hiểu của chúng tôi, cái nguy cơ “vỡ” trường đó xuất phát từ việc quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị và làm đường giao thông. Khi xây dựng đường Lê Độ nối dài, đường Nguyễn Tất Thành, trường Nguyễn Viết Xuân tuy có một vị trí mặt tiền, nhưng phường Xuân Hà qua 2 lần giải tỏa lại bị “mất” đến gần 1 vạn nhân khẩu, kéo theo đó là không ít học sinh các cấp cũng “chạy” theo bố mẹ đến địa bàn khác.
Trong khi các trường tiểu học Trưng Vương, Phù Đổng cách đó vài kilômét tình trạng lại quá tải, không còn hồ sơ bán để tuyển sinh đầu vào thì ngược lại, trường Nguyễn Viết Xuân không tìm được học sinh, mặc dù ngay từ đầu tháng 5/2007, nhà trường đã vận động giáo viên đến các tổ dân phố, phối hợp với chính quyền, các đoàn thể, xuống từng gia đình có các em đang độ tuổi đến trường (6-14 tuổi) để vận động, phát miễn phí hồ sơ, "mời" các em đến lớp.
Đến thời điểm này, nhà trường cũng mới tuyển được 27 em vào lớp 1, trong khi nếu theo đúng địa bàn tuyển sinh thì năm nay số học sinh lớp 1 là 55 em. Có một điều đáng nói là 28 em còn lại đó đã “đầu quân” cho trường tiểu học Hà Huy Tập, nằm ngay trên địa bàn tuyển sinh của trường Nguyễn Viết xuân và cũng chỉ cách trường này có…500 mét.
Nếu ở các trường tiểu học khác tại Đà Nẵng, phụ huynh phải khó khăn, đua nhau "chạy" trường "chạy" lớp cho con, thì tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân đang diễn ra quy trình trái ngược: Nhà trường đang "mời" học sinh để có lớp.
Bởi vậy, mới có chuyện thầy cô giáo của trường Nguyễn Viết Xuân đã phải quên đi những ngày nghỉ hè để xuống từng nhà dân vận động, tìm học sinh đến trường. Việc làm này không khác mấy so với những giáo viên vùng cao, vùng sâu đặc biệt khó khăn. Mặc dù quy mô trường hiện nay có thể đáp ứng cho 14 lớp học các cấp thì hiện tại chỉ có 7 lớp với hơn 160 học sinh.
Trước tình hình đó, Phòng Giáo dục, Ủy ban Nhân dân phường Xuân Hà và quận Thanh Khê đã có nhiều biện pháp giải quyết để nhằm “kéo” học sinh đến với trường như: đầu tư xây mới dãy phòng học khang trang, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua dàn máy vi tính hiện đại... với tổng kinh phí đầu tư chỉ riêng cho năm học 2007-2008 tới đã gần 1 tỉ đồng.
Cũng trong nỗ lực đó, Phòng GD-ĐT quận Thanh Khê đã ra văn bản, gửi các trường thuộc diện quản lý của mình, "khuyến cáo" không được nhận học sinh ngoài tuyến. Bằng điều khoản quy định tuyển sinh theo tuyến phân định (trong thông báo số 420, ngày 21/5/2007 của Phòng GDĐT quận Thanh Khê) đã một phần nào đó hạn chế quyền lựa chọn trường học của phụ huynh cho con em.
Thầy Hà Văn Minh cho biết thêm: trường Nguyễn Viết Xuân đang chịu thiệt đủ bề, nằm kẹt giữa trường Hà Huy Tập cách 500 mét đi vào trong, lại cũng cách trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh của phường Tam Thuận (cũng địa bàn quận Thanh Khê) khoảng 500 mét đi lên phía trên.
Không phải là một trường của miền núi khó khăn, của vùng sâu vùng xa, lại nằm ở một vị trí “đắc địa” của thành phố, nhưng thực tế đã và đang diễn ra tại trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân là một nghịch lý khó có thể chấp nhận được. Đây là một bài toán mà các cấp ngành có liên quan phải sớm tìm ra câu trả lời.