Trong nội dung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia bảo hiểm xã hội, và đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội bằng 1 tháng tiền lương bình quân tính đóng bảo hiểm xã hội. Xung quanh đề xuất này, Báo Người lao động tiếp tục nhận được nhiều ý của độc giả góp ý về vấn đề này.
Theo bạn đọc Lê Thái Bình, đề xuất kiểu này là không nhân văn và sòng phẳng với người lao động. "Không thể vô cảm với người lao động như vậy được" – bạn đọc này thốt lên. Một bạn đọc cũng bày tỏ bức xúc không kém: "Tiền mồ hôi nước mắt phải trích đóng hàng tháng không được xem xét tính lãi mà tiền nhận lại còn tùy "hứng" của "người giữ tiền" cho mình, muốn trả khi nào và trả bao nhiêu thì trả. Thử cho người lao động và doanh nghiệp được lựa chọn giữa bảo hiểm xã hội và các gói bảo hiểm của các công ty bảo hiểm xem họ có chọn đóng bảo hiểm xã hội không? Đó là lý do vì sao người lao động và doanh nghiệp thường thống nhất với nhau chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương cơ bản bắt buộc, nếu chính sách bảo hiểm xã hội mà tốt thì số tiền người lao động và doanh nghiệp đóng vào sẽ còn nhiều hơn rất rất nhiều".
Tương tự, bạn đọc Vì Văn Thuyền viết: "Đề nghị tăng lương hưu giảm năm đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân thì chẳng ai muốn rút bảo hiểm xã hội cả vì đây là tiền để dành lúc về già không còn lao động được nữa. Đằng này còn đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu. Người lao động nặng nhọc không sống thọ lâu năm đâu mà còn đề nghị bớt xén của họ. Bạn đọc Liêu Hồng Hạnh chất vấn: Nếu lương hưu đủ sống thì ai rút làm gì?
Theo bạn đọc Thanh Thúy, người lao động trích từ lương đưa vào quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội quản lý vận hành để dòng tiền phát triển theo xu hướng lớn mạnh. "Tuy nhiên, gần đây việc điều chỉnh những quy định từ tăng tuổi về hưu và dự kiến cắt 50% chế độ giải quyết 1 lần đã gây không biết bao nhiêu âu lo cho người lao động. Rất mong sự quan tâm của nhà nước đến quyền lợi của người lao động chúng tôi" – bạn đọc này góp ý.
Bạn đọc Nguyễn Thanh Phong bày tỏ: "Một năm đóng bảo hiểm xã hội thì được hưởng 2 tháng lương bình quân sao không nâng mức hưởng lên 2,5 hoặc cao hơn để người lao động có cuộc sống tốt hơn khi về hưu. Nếu được như vậy tôi nghĩ rằng người lao động sẽ không rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ trừ trường hợp quá khó khăn". Bạn đọc Phuc Nguyen phân tích: "Nếu bảo hiểm xã hội là khoản đóng tự nguyện thì chắc chắn cả doanh nghiệp lẫn người lao động sẽ không tham gia. Quy định và đề xuất về bảo hiểm xã hội ngày càng tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và lấy đi quyền lợi của người lao động, đi ngược lại tôn chỉ và mục tiêu ban đầu của bảo hiểm xã hội là bảo vệ người lao động".
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho biết những quyền lợi đang có mà bị giảm đi thì đối tượng được thụ hưởng sẽ không đồng tình, bởi khi xây dựng chính sách thì phải tính toán trên cơ sở cân đối quỹ cũng như mức hưởng của người lao động căn cứ trên cơ sở đóng góp vào quỹ. Bà Ngân cho rằng khi thay đổi chính sách cần phải giải thích rõ ràng cho người đang thụ hưởng chính sách, vì sao thay đổi, ví dụ như căn cứ vào điều gì để cắt giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần? Vì lý do cân đối quỹ nên phải cắt giảm hay vì bảo vệ quyền lợi lâu dài của người lao động?. Trong bối cảnh người lao động đang khó khăn như hiện nay thì đề xuất giảm đó có hợp lý hay không?. "Việc giải thích đó phải tạo được sự đồng thuận của các bên trước khi ban hành chính sách" - bà Ngân nêu quan điểm. Theo bà Ngân, đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội 1 lần của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội không phải là giải pháp triệt để, căn cơ nhằm ngăn chặn tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần của người lao động, đồng thời cũng không giải quyết được tình trạng người lao động ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội.