|
Sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
|
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh:
Ngày 10/12, Đại học quốc gia (ĐHQG) TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức hội thảo Cải tiến tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tại ĐHQG TP Hồ Chí Minh.
Nhiều đại biểu đánh giá, việc đào tạo tiến sĩ tại ĐHQG TP Hồ Chí Minh vẫn có những điều chưa ổn và cần phải cải tiến nhiều hơn nữa.
Quá ít tiến sĩ! Theo báo cáo của Ban Đại học và Sau Đại học (ĐHQG TP Hồ Chí Minh), tại đây hiện có 6 cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ (ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH KHXH&NV, ĐH Công nghệ thông tin, Viện Môi trường & Tài nguyên, Khoa Kinh tế) với 91 chuyên ngành tiến sĩ ở các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, khoa học Xã hội và Nhân văn, Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Quản lý và Môi trường. Quy mô đào tạo tiến sĩ của ĐHQG TP Hồ Chí Minh hiện nay là 416 nghiên cứu sinh, chỉ tiêu hàng năm là 110 NCS.
Mặc dù quy mô đào tạo tiến sĩ ngày càng phát triển cả về chất lượng và số lượng, ĐHQG TP Hồ Chí Minh vẫn thừa nhận nhiều hạn chế. Đầu tiên là trong Quy chế riêng về đào tạo sau đại học, việc đào tạo tiến sĩ chưa phát huy hết những lợi thế của mô hình ĐHQG TP Hồ Chí Minh, nên thời gian qua vẫn chưa có những thành tựu mang tính đột phá.
Số lượng NCS học theo hình thức không tập trung chiếm số lượng lớn (trên 94%) là một hạn chế lớn vì theo thống kê, chỉ có 9% số NCS đảm bảo được quy định về thời gian đào tạo, phần lớn NCS đều không thể hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn.
Phát biểu về vấn đề này, GS. Phạm Phụ cho rằng:
“ĐHQG TP Hồ Chí Minh muốn nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ nhưng theo báo cáo, năm 2008, ĐHQG TP Hồ Chí Minh có 154 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 85. Trong số này lại chỉ cấp bằng được có 37 NCS. Như vậy làm sao đảm bảo đủ chất lượng. Trong khi đó, với vai trò của ĐHQG TP Hồ Chí Minh, tối thiểu mỗi năm phải cung cấp khoảng 200 tiến sĩ. Số lượng 37 hiện nay là quá ít”.
Góp ý về vấn đề đào tạo tiến sĩ nói chung, GS.TSKH Lê Huy Bá - Viện KHCN&QLMT trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh - chỉ rõ:
“Về số lượng, trong thời gian gần đây, chúng ta đã đào tạo được khá nhiều tiến sĩ, nhưng chất lượng thì còn là một vấn đề nhức nhối. Theo quy định, đào tạo tiến sĩ gồm hai hệ: có và chưa có bằng thạc sĩ, nhưng hiện nay hầu như không tuyển sinh được hệ chưa có bằng thạc sĩ.
Thi tuyển vào, hầu hết thí sinh trượt Toán và Ngoại ngữ, còn chuyên ngành, vì số lượng thí sinh đăng ký khá ít, nên các thầy nương tay. Các bộ môn cũng rất ít biết các NCS đăng ký vào rồi thì làm gì, ở đâu cả.
Bên cạnh đó, chuyện giảng dạy ở lớp cho NCS ít khi được thực hiện, đội ngũ thầy giáo còn nhiều chuyện để bàn, hầu hết không đủ điều kiện cho các NCS học tập… Bởi thế, hiện nay có khoảng 60 - 65% luận án NCS có chất lượng là còn thấp quá.
Sẽ đề xuất sửa đổi quy chế của Bộ GD&ĐT PGS.TS Phan Thanh Bình - Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh - nhìn nhận:
“Chúng tôi sẽ có ý kiến đề xuất sửa chữa quy chế tuyển sinh tiến sĩ của Bộ GD&ĐT và ĐH Quốc gia. Theo đó, phải đổi mới một cách mạnh mẽ hơn đối với công tác đào tạo tiến sĩ. Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định cơ chế xét tuyển chứ không có thi đầu vào cho chương trình đào tạo tiến sĩ, và ĐH Quốc gia cũng nhanh chóng thực hiện và tìm ra những quy định thích hợp”.
Cũng theo PGS.TS Phan Thanh Bình, phải đẩy mạnh cơ chế liên thông từ ĐH, thạc sĩ lên thẳng tiến sĩ để nâng cao chất lượng, chuyển từ hình thức không tập trung sang bán tập trung và đích cuối cùng là tập trung.
ĐHQG TP Hồ Chí Minh cũng sẽ khuyến khích giáo viên hướng dẫn tìm các nguồn kinh phí giúp đỡ NCS chứ không trông đợi nhiều vào cơ chế vì kinh phí hiện nay dành cho NCS là không đủ.
Đây cũng chính là những phương hướng sắp tới của ĐHQG TP Hồ Chí Minh, sau khi có nhiều đề xuất, giải pháp mà các trung tâm đào tạo đưa ra.
Đơn cử, các giải pháp như: thay đổi quy trình tuyển chọn NCS theo hướng xét tuyển (ĐH Bách khoa), đầu tư thỏa đáng cho nhân lực (ĐH Khoa học tự nhiên), tiếp tục mở chuyên ngành mới, thay thế các chuyên ngành đã bão hòa (ĐH KHXH&NV), nên xét tuyển hơn là thi tuyển theo tiêu chuẩn (có công trình NCKH, đề cương luận án tiến sĩ khả thi, sáng tạo, có ngoại ngữ phù hợp yêu cầu (Khoa Kinh tế)…