Năm nào cũng vậy, cứ Tết đến là các thầy cô giáo ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), nơi có đông đồng bào Mông và Khơ Mú sinh sống, lại thấy lo - lo các học sinh bỏ học... theo chồng.
Công tác ở huyện Kỳ Sơn hơn 25 năm, từng nhiều năm làm hiệu trưởng trường THCS Mường Lống và nay là hiệu trưởng trường THCS Nậm Cắn 1, thầy giáo Trần Đăng Hùng thường lo lắng khi mỗi mùa xuân đến.
Năm học trước, cô học trò Lỳ Y Mò (bản Trường Sơn) từng được giải nhì cấp huyện môn Địa và được chọn đi tham dự học sinh giỏi tỉnh nhưng sau kỳ nghỉ Tết đã xin nghỉ học. Không phải vì nhà nghèo, cũng không phải bố mẹ bắt nghỉ học, chỉ vì trong dịp đi chơi xuân, em và một cậu bạn đang học PTTH ở thị trấn phải lòng nhau và muốn làm đám cưới. Thầy cô và bạn bè phải động viên mãi Lỳ Y Mò mới theo học được hết lớp 9 và bỏ cơ hội được về Thành phố Vinh thi học sinh giỏi tỉnh.
Cũng trong năm học này, em Lầu Y Mị học sinh lớp 6 lấy chồng là cậu bạn đang học lớp 11 ở xã Tà Cạ. Thầy Hùng tâm sự: Thầy cô giáo chủ nhiệm và nhà trường cũng rất lo lắng nhưng đồng bào còn quá nhiều hủ tục. Trước đây, khi đồng bào Mông trồng cây thuốc phiện, năm nào Tết cũng được tổ chức to và kéo dài trong nhiều ngày.
Những năm ấy, sau Tết, học sinh bỏ học rất nhiều, một năm vài chục em là chuyện bình thường. Thầy cô giáo chủ yếu là người dưới xuôi nên càng không có điều kiện gần gũi, theo dõi, bảo ban.
Thầy giáo mang quân hàm xanh, Thượng uý Nguyễn Văn Dương, có 5 năm đóng quân tại đồn 531 xã Keng Đu (Kỳ Sơn) thì là ngần ấy thời gian thầy phải chứng kiến nhiều cô học trò xinh xắn, học lực khá từ bỏ ước mơ để... theo chồng.
Tết của đồng bào Mông có tên gọi là Nôpêchâu, bắt đầu vào tháng 12 và kéo dài trong vòng một tháng. Bà con dân tộc xem đây là sự kiện quan trọng nhất trong năm, riêng với các nam thanh nữ tú, tết với nhiều hoạt động sinh hoạt văn hoá như thổi kèn, ném còn, hát đối đáp là dịp để họ hẹn hò, giao duyên. Người Mông đặc biệt tôn trọng sự lựa chọn của con cái nên nam nữ nếu thích nhau, thuận tình nhau chỉ sau một cuộc đi chơi xuân cũng đã có thể nên vợ nên chồng.
Từ tuổi mười lăm đến mười bảy là lứa tuổi đẹp nhất để họ thành hôn. Vì thế không chỉ học sinh cuối cấp mà ở những trường có đông học sinh Mông học trò lớp 6, lớp 7 cũng đã có thể lấy chồng.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên là còn nhiều hủ tục tồn tại. Để khắc phục những hiện tượng trên nhiều giáo viên đã cố gắng học tiếng Mông, tìm hiểu kỹ phong tục tập quán người Mông để có thể hiểu và chia sẻ được tình cảm với các em.
Bên cạnh đó, các thầy cô giáo cũng thường xuyên lồng những kiến thức về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hoá gia đình trong các bài giảng để các em sớm có nhận thức về hôn nhân và gia đình.
Cô giáo Nguyễn Thị Loan, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A trường THCS Huồi Tụ chia sẻ kinh nghiệm: Với những em phát triển sớm, trong những ngày Tết, thầy cô giáo thường vận động các em trực Tết với nhà trường và khuyến khích các em vào các hoạt động tập thể…
Những năm gần đây, người Mông đã bắt đầu ăn Tết trùng với Tết cổ truyền của dân tộc Kinh nên đã phần nào hạn chế được tập tục ăn Tết dài ngày của người Mông. Và các thầy cô giáo cũng phần nào xoá được nỗi lo học sinh bỏ học ám ảnh khi Tết đến Xuân về.