Người tìm việc đã quá quen thuộc với việc chuẩn bị CV, từ những mục cần có đến độ dài phù hợp. Nếu chú ý cập nhật thêm một số khuynh hướng mới về hồ sơ xin việc năm 2012, quá trình tìm việc của bạn sẽ hiệu quả hơn.
“Mục tiêu nghề nghiệp” đã hết thời?
Trước giờ, các ứng viên luôn được khuyên là nên thêm phần “Mục tiêu nghề nghiệp” vào đầu CV, nhưng theo xu hướng mới, điều này là không cần thiết. Thay vào đó, bạn chỉ cần nhắc đến vấn đề này bằng một câu ngắn gọn trong
thư xin việc (cover letter), quan trọng là phải nói rõ vị trí mà bạn đang ứng tuyển phù hợp như thế nào so với kế hoạch sự nghiệp tổng thể của bạn. CV và thư xin việc cần đi thẳng vào vấn đề bằng cách mở đầu với các thành tích trong công việc cũng như những tố chất cá nhân phù hợp với vị trí ứng tuyển.
Số liệu mạnh hơn “lời vàng”
Sử dụng
số liệu cụ thể và các chứng cứ cho thấy thành tích của bạn trong thời gian qua. Bạn nên ghi là “Tăng doanh số 35% thông qua chiến dịch tìm kiếm khách hàng” thay vì chỉ đại khái “Tăng doanh số trong khu vực tôi phụ trách”. Bạn không cần liệt kê quá nhiều công việc chung chung mà cần thể hiện sự sáng tạo khi mô tả những phần việc nằm trong trách nhiệm của mình, nhấn mạnh cách thức bạn đề ra ý tưởng mới cho sản phẩm – dịch vụ, quy trình, tăng tính hiệu quả cho công việc… Các nỗ lực trong công việc càng được quy ra thành số liệu cụ thể bao nhiêu thì bạn “định vị” càng tốt bấy nhiêu trong mắt nhà
tuyển dụng.
Đầu tư cho thư xin việc
Mặc dù một số nhà tuyển dụng cho rằng họ không mấy quan tâm đến thư xin việc vì đa phần các thư xin việc đều được “gọt giũa” quá khuôn mẫu, nhiều công ty khác lại khá chú ý đến phần này vì kinh nghiệm cho thấy các ứng viên ngày càng “lười” dành thời gian chăm chút cho thư xin việc, nhất là dùng cách viết và dẫn chứng phù hợp cho từng vị trí ứng tuyển cụ thể. Thật ra thư xin việc là cơ hội hoàn hảo để bạn tiếp thị kỹ năng của bản thân và làm nổi bật cá tính của mình trong mắt nhà tuyển dụng.
Do đó, khi viết xong một thư xin việc nào đó, đừng vội “rải” đều cho tất cả các công ty bạn muốn đầu quân. Hãy dành thêm ít phút để chỉnh sửa cho phù hợp với từng vị trí ứng tuyển khác nhau tại các công ty cụ thể, giải trình rõ kiến thức và kinh nghiệm hiện có của bạn sẽ đóng góp được gì cho công ty.
“Làm bạn” với “từ khóa”
Nhiều nhà tuyển dụng thường đặt
CV của ứng viên bên cạnh yêu cầu tuyển dụng để thử kiểm tra xem từ ngữ bạn sử dụng để nói về các kỹ năng của mình có giống như những từ khóa mô tả về “người tài” mà họ đang tìm kiếm hay không. Một số hệ thống tìm kiếm nhân sự cũng dựa trên các từ khóa để sàng lọc các ứng viên phù hợp. Do đó, bạn không cần dùng quá nhiều từ chuyên ngành hay sáo ngữ mà chỉ cần sử dụng lại những từ/cụm từ mà nhà tuyển dụng đã dùng trong yêu cầu tuyển dụng ở cả CV và thư xin việc của bạn là được.
“Làm bạn” với “từ khóa”
Thử nghiệm các hiệu ứng hình ảnh
Ngày càng có nhiều ứng viên sử dụng các phương thức hiện đại để minh họa cho quá trình làm việc trước đây. Chẳng hạn như trang web Visualize.me trang bị cho người sử dụng các công cụ cần thiết để trình bày thông tin trong CV một cách độc đáo và nổi bật nhất. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là bạn phải chọn một format dữ liệu quen thuộc để gửi đính kèm, sao cho các công ty dễ lưu lại trong hệ thống dữ liệu nhất.
Cẩn trọng nếu chọn video CV
Trong thời buổi thị trường lao động nhiều cạnh tranh, một số ứng viên thể sức sáng tạo không giới hạn để làm nổi bật tên tuổi mình trong mắt nhà tuyển dụng, chẳng hạn như làm CV theo kiểu video để các công ty dễ tìm kiếm khi google. Nếu chọn cách này, bạn cần lưu ý thể hiện rõ thực chất của mình, tức các kỹ năng mềm, trong video thay vì chỉ theo đuổi những kiểu thể hiện hào nhoáng bề ngoài.
Khai thác phương tiện truyền thông xã hội
Nếu bạn còn chưa biết sử dụng các phương tiện truyền thông để
quảng bá hình ảnh chính mình thì bạn rất dễ dàng bị “loại khỏi cuộc chơi”. Các nhà tuyển dụng không ngừng sử dụng các kênh khác nhau để đưa thông tin tuyển dụng đến ứng viên phù hợp, và bạn, với tư cách là ứng viên, cũng cần khai thác các kênh truyền thông xã hội sẵn có để nhanh chóng tiếp thị bản thân đến nhà tuyển dụng. Hãy sử dụng Twitter, Facebook và LinkedIn như là phương tiện để cập nhật các thông tin nghề nghiệp và liên kết với các đồng nghiệp hoặc người quen khác. Tuy nhiên, cần lưu ý giữ cho hồ sơ, hình ảnh trên mạng của bạn chuyên nghiệp và bảo mật một số thông tin nếu cần.