Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 17,206
Việc mở trường học dễ hay khó, quả thật tôi chưa khẳng định được. Riêng cá nhân tôi đã mất 6 tháng cho một kế hoạch mở trường học nhưng chưa biết bao giờ tới đích.
(Nguồn: Freepik)
Tọa lạc tại quận Ninh Kiều, trung tâm thành phố Cần Thơ, gia đình tôi có trên 2.000 m2 đất ở và vườn.
Với vị trí sát khu dân cư 91B, thuận tiện giao thông, gần trường Đại học Cần Thơ, bản thân từng dạy học hơn 10 năm lại có ngót 10 năm làm quản lý chuyên môn, tôi nung nấu mở một cơ sở dạy tin học kèm chỗ nội trú cho học viên.
Mong ước đi đến kế hoạch và đầu tháng 6/2008, tôi làm hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm sang thổ cư hoặc đất chuyên dùng 1.000 m2 để xây cơ sở học.
Ngoài mẫu đơn theo quy định (Mẫu số 11/ĐK), tôi soạn thêm một đơn kính gửi ngành chuyên môn và UBND quận Ninh Kiều, ghi rõ lý do.
Tôi mang hồ sơ đến UBND phường An Khánh để xác nhận. Một tuần sau, cán bộ nhà đất phường giải thích lý do không xác nhận và chuyển hồ sơ lên quận bởi chưa có tiền lệ xác nhận cho chuyển mục đích đất của hộ gia đình đến 1.000m2, chỉ có xác nhận kính chuyển về quận cho chuyển 150 m2.
Tôi trình bày, không xin chuyển mục đích đất để cất nhà ở mà để xây dựng cơ sở dạy học. Tôi nói cặn kẽ muốn “gãy lưỡi”, cán bộ nhà đất phường mới phán được một câu là trường hợp này sẽ hỏi ngành chuyên môn của quận, trả lời sau.
Tôi tìm đến Văn phòng Một cửa của quận, gặp trực tiếp Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai quận Ninh Kiều. Sau khi nghe tôi trình bày, ông Giám đốc bảo, cứ về rồi ông sẽ điện cho phường An Khánh xác nhận. Lòng vòng mất hơn 10 ngày, tôi có được xác nhận của UBND phường và mang hồ sơ nộp về Văn phòng Một cửa của quận vào ngày 21/6/2008.
Hẹn sau một tháng sẽ được nhận kết quả, đồng thời trong tuần lễ đầu tôi phải phối hợp với cán bộ của Văn phòng Đăng ký đất đai, cán bộ nhà đất địa phương hoàn thành đo vẽ kỹ thuật diện tích đất chuyển mục đích.
Trước hẹn nhận kết quả gần một tuần, tôi được Văn phòng Đăng ký Đất đai quận Ninh Kiều gửi thông báo rằng: Chỉ được chuyển mục đích 150 m2. Ngót 2 tháng trời, hồ sơ của tôi trở về điểm xuất phát.
Không bằng lòng với kết quả trên, tôi tiếp tục đi hỏi nhiều nơi, đủ các cơ quan liên quan ở quận Ninh Kiều, cuối cùng được hướng dẫn đến Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ.
Tại đây, tôi được Bộ phận Một cửa của Sở hướng dẫn làm hồ sơ xin cung cấp thông tin quy hoạch để xây dựng cơ sở tin học. Lại chạy lòng vòng mất thêm một tuần nữa tôi làm được “hồ sơ xin cung cấp thông tin quy hoạch”.
Nộp hồ sơ, 15 ngày sau, Sở Xây dựng cho biết vị trí đất của tôi được phép lập dự án để chuyển đổi mục đích, tuy nhiên việc cho phép xây dựng cơ sở dạy học do Sở Kế hoạch - Đầu tư phê duyệt.
Hí hửng thấy công việc đã chạy, tôi sang Sở KH-ĐT Cần Thơ. Cán bộ của Sở KH-ĐT hướng dẫn tôi phải làm dự án và để làm nhanh nên nhờ Công ty tư vấn về xây dựng viết giúp.
Tôi chạy tìm nơi viết dự án, cũng theo chỉ dẫn của một số cán bộ, và công ty tư vấn yêu cầu tôi cung cấp bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cùng những thông tin qui mô của cơ sở tin học và nhà ở sinh viên, đồng thời thông báo 10 ngày sau cho biết kết quả.
Đúng hẹn 10 ngày, tôi có mặt, được thông báo phải ký hợp đồng và nộp khoản chi phí gần 70 triệu đồng.
Kịp trấn tĩnh trước số tiền quá lớn cho một cơ sở dạy học nhỏ bé, tôi hỏi xong bước này đã được phê duyệt chưa. Cán bộ viết dự án trả lời, còn phụ thuộc vào Sở KH-ĐT. Nếu Sở KH-ĐT phê duyệt, còn phải tiếp tục lập thiết kế xây dựng, xong thiết kế xây dựng sang Sở Tài nguyên - Môi trường làm thủ tục chuyển mục đích đất sử dụng.
Theo thông lệ, mỗi một loại quy trình suôn sẻ cũng mất cả tháng, tổng cộng thời gian (nếu suôn sẻ) thì 6 tháng nữa có thể mời gọi đấu thầu xây dựng công trình. “Còn trục trặc có khi cả năm chưa đâu vào đâu” - Anh cán bộ viết dự án cười xòa vẻ thông cảm với tôi.
Về nghĩa vụ tài chính, riêng khoản chuyển mục đích sử dụng 1.000 m2 đất phải nộp ngót tỷ bạc. Còn rất nhiều các khoản phí như phí dự án, phí thiết kế xây dựng…
(Nguồn: Freepik)
Chưa hết, theo quy mô công trình ở vị trí đất của tôi, tối thiểu phải xây dựng theo qui hoạch là 1 trệt 3 lầu. Hỏi thăm nữa lại biết Nhà nước và chính quyền địa phương chưa có định chế vay vốn ưu đãi, hoặc miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất cho việc xây dựng cơ sở giáo dục.
Như thế, phải tỷ phú mới có thể xây dựng được cơ sở dạy học nhỏ bé cỡ của tôi. Tôi là công chức, vợ là giáo viên, có 2 con đang học phổ thông. Vốn liếng chủ yếu là đất đai và có sẵn cái nghề dạy học, cũng có thể kêu gọi sự góp vốn nhưng không thể đủ nếu không có sự tiếp tay của ngân hàng. Kế hoạch mở cơ sở dạy học của tôi tạm dừng lại.
Có người khuyên tôi mở cơ sở giáo dục mầm non, loại hình này đang rất thiếu trước nhu cầu lớn của xã hội. Tôi lại đi khảo sát, thấy ở 2 quận trung tâm của thành phố Cần Thơ là Ninh Kiều và Bình Thủy có nhiều mô hình xã hội hóa giáo dục Mầm non. Các cơ sở giáo dục Mầm non ngoài công lập ở 2 quận này đang thu hút 60 - 70% các cháu đến trường. Tuy nhiên, chủ yếu là nhóm trẻ gia đình.
Tôi tìm hiểu được biết mở lớp dạy nhóm trẻ gia đình có thuận lợi là tận dụng cơ sở vật chất hiện có, nguồn nhân lực ngoài việc thuê mướn giáo viên còn tận dụng được lao động trong gia đình tham gia quản lý, hậu cần ăn uống… Nhờ vậy giảm được chi phí đáng kể.
Còn nếu lập trường phải xây dựng phòng lớp đủ tiêu chuẩn, hiệu trưởng phải tốt nghiệp Đại học hoặc Cao đẳng sư phạm mầm non, đội ngũ giáo viên cũng phải chuẩn hóa, ngoài ra còn phải có kế toán...
Nếu mở trường, phải thuê hiệu trưởng với lương và bảo hiểm xã hội từ 3 triệu đồng trở lên, thuê giáo viên với lương trên 1,5 triệu đồng mỗi người một tháng. Nói chung nếu mở trường sẽ phải chi nhiều khoản.
Anh Bình là chủ nhóm trẻ gia đình ở hẻm 1, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, cho biết: Nhóm trẻ do gia đình anh quản lý năm nay là năm thứ hai có 70 cháu, sau khi hạch toán bước đầu trừ hết các khoản chi phí có lãi chút ít, ngành giáo dục quận cứ khuyến khích phát triển thành trường nhưng không dám.
Anh nói: “Chưa ai mở trường được vay vốn ưu đãi, trong khi định chế nhóm trẻ còn dễ thở, định chế của trường nghe mà ngán. Thực tế hiện nay tâm huyết gì đi nữa thì trường cứ để Nhà nước làm, mình làm nhóm trẻ thôi”.
Sau mỗi kỳ nghỉ hè, nhóm trẻ gia đình có thêm cả chục ở Ninh Kiều và Bình Thủy nhưng trường mầm non tư thì chẳng có ai “đánh trống ghi tên”. Mơ ước xây trường mầm non của tôi tắt ngóm.
Tôi nhớ, Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về công tác xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao đã triển khai và thực hiện được hơn 3 năm.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Nguồn: Theo Tiền Phong
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này