Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,396
Gần 3.000 người chết và bị thương nặng vì tai nạn lao động trong năm 2018 là con số đáng báo động, đặt ra yêu cầu siết chặt công tác bảo hộ lao động
"Thực trạng tai nạn lao động (TNLĐ) cho thấy nhiều doanh nghiệp (DN) chưa xem trọng công tác bảo hộ lao động (BHLĐ). Để giảm thiểu TNLĐ và bệnh nghề nghiệp (BNN), DN phải nhận diện được rủi ro và tìm biện pháp kiểm soát" - ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ TP HCM, đã phát biểu như vậy tại hội nghị chuyên đề "Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) tại nơi làm việc", do Cụm thi đua LĐLĐ 5 TP trực thuộc trung ương tổ chức mới đây tại TP HCM.
Doanh nghiệp che giấu tai nạn lao động
Trong năm 2018, cả nước đã xảy ra 7.997 vụ TNLĐ làm hơn 8.200 người bị tai nạn. TNLĐ đã làm 1.039 người chết, 1.939 người bị thương nặng, tăng so với năm 2017. Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ chủ yếu là do nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về BHLĐ của cả người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) chưa tốt, trong đó có 46,5% nguyên nhân do NSDLĐ. Cụ thể là không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện AT-VSLĐ hoặc huấn luyện không đầy đủ; thiết bị không bảo đảm AT-VSLĐ. Đối với NLĐ, có tới 18,42% số vụ là do vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động.
Theo các đại biểu, con số này vẫn chưa phải là tất cả bởi việc thống kê, khai báo, điều tra TNLĐ tại DN chưa được thường xuyên, nhất là ở các đơn vị không có Công đoàn (CĐ). Do sợ trách nhiệm, nhiều DN không thống kê, báo cáo TNLĐ, nhất là các vụ TNLĐ nhẹ. "Trong lĩnh vực xây dựng, nhiều nhà thầu thường sử dụng lao động với hình thức hợp đồng thời vụ hoặc theo công việc, NLĐ không được trích nộp BHXH, BHYT. Khi TNLĐ xảy ra, nhà thầu và người nhà nạn nhân thường thỏa thuận đền bù. Do NLĐ làm việc tự do nên việc đại diện bảo vệ quyền lợi cho họ cũng gặp nhiều khó khăn" - ông Đoàn Văn Dũng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Cần Thơ, phân tích.
BNN cũng là rủi ro tiềm ẩn đối với NLĐ. Bà Đinh Thanh Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, cho biết trách nhiệm theo dõi, khám và điều trị BNN cho NLĐ là của NSDLĐ. Thế nhưng, rất ít DN coi trọng vấn đề này, do vậy trong quá trình làm việc, nếu thấy sức khỏe suy giảm thì NLĐ tự nghỉ việc hoặc tìm kiếm một công việc phù hợp. "Đối với các đơn vị sử dụng đông lao động, chi phí khám sức khỏe định kỳ khá lớn, do vậy việc hỗ trợ NLĐ khám sức khỏe 1 lần/năm đã khó nên ở một số ngành nghề đặc thù việc khám sức khỏe phải được tiến hành mỗi 6 tháng. Điều này dẫn đến tình trạng DN cho NLĐ khám sức khỏe đối phó với chi phí thấp nhất có thể để lách luật. Với chi phí khoảng 150.000 đồng/người/lần khám thì không thể phát hiện NLĐ bị bệnh gì. NLĐ không biết tình trạng sức khỏe của mình ra sao thì làm sao phòng ngừa?" - bà Hà cho hay.
Công nhân Công ty CP Sài Gòn Food làm vệ sinh trước khi vào ca. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Vì an toàn và sức khỏe người lao động
Thảo luận về công tác phòng ngừa TNLĐ, nhiều đại biểu nhất trí CĐ và DN phải chủ động nhận diện các rủi ro về TNLĐ, BNN để có thể kiểm soát, ngăn chặn, đồng thời phải làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho NLĐ.
Ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ TP Hà Nội, cho rằng việc tuyên truyền về AT-VSLĐ phải thật đơn giản, gần gũi với công việc của NLĐ để họ hiểu rõ nguy cơ về TNLĐ và từ đó thực hiện tốt các biện pháp tự bảo vệ khi làm việc. Bên cạnh đó, việc tổ chức mạng lưới an toàn, vệ sinh viên phải thực chất và tổ chức CĐ có trách nhiệm hướng dẫn cho đội ngũ này. "Cán bộ CĐ và cán bộ an toàn, vệ sinh viên có kiến thức sâu rộng về công tác BHLĐ còn rất hạn chế, do đó cần tăng cường tập huấn chuyên sâu kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ này để nâng cao năng lực giám sát, quản lý" - ông Dưỡng góp ý.
Theo các đại biểu, CĐ cũng phải tích cực và tham gia thực chất vào quá trình xử lý khi có TNLĐ xảy ra. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ TP Hải Phòng, cho rằng để bảo vệ NLĐ, CĐ phải tham gia ngay từ bước điều tra hiện trường, tránh tình trạng tham gia cho có bởi nhiều sự việc nếu chỉ nghe theo văn bản báo cáo thì chưa phản ánh đúng bản chất. Ông Khánh đơn cử vụ TNLĐ tại một đơn vị ở TP Hải Phòng gần đây. Báo cáo ban đầu là lỗi của NLĐ khi đi chuyển vào khu vực không được phép. Thế nhưng, qua trích xuất camera, LĐLĐ TP chỉ ra lỗi của DN khi bố trí hệ thống chiếu sáng chưa hợp lý khiến NLĐ không thể quan sát.
"Việc thực thi các quy định về BHLĐ ở nhiều nơi vẫn mang tính chất đối phó, chưa vì an toàn của NLĐ. Tuy nhiên, việc chế tài chưa được đúng mức. Do vậy, các cơ quan chức năng phải có các biện pháp cứng rắn để xử lý khi DN sai phạm chứ không thể chỉ hướng dẫn, thương lượng. Chỉ có như vậy, DN và NLĐ mới tuân thủ pháp luật để cùng nhau tạo môi trường làm việc an toàn".
Ông TRẦN ĐOÀN TRUNG, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM
THANH NGA
Nguồn: Theo nld.com.vn
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này