Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 13,372
Sách giáo khoa, đồ dùng học tập tăng giá… Phụ huynh, nhất là với tầng lớp lao động thu nhập thấp và trung bình ở TP Hồ Chí Minh, đang lo sốt vó trước ngày khai trường của con em mình.
Nỗi lo của lao động thu nhập thấp
Bên cạnh việc tăng giá sách giáo khoa (SGK), giá các thiết bị giáo dục khác cũng tăng đồng loạt. Do nguyên liệu giấy tăng cao, giá tập vở học sinh đã tăng lên khoảng 15 - 20%, thậm chí có loại tăng lên gấp đôi.
Các loại bút viết chỉ tăng ở mức 5 - 10% nhưng bảng, thước kẻ, hộp bút… thì tăng lên từ 10 - 20%. Giá các loại cặp cũng tăng trong mức 10 -15%. Đối với những gia đình có từ 2 - 3 con cùng nhập học, nỗi lo về ngày khai giảng càng trở thành ám ảnh.
Chị Lê Thị Ba (đường Nguyễn Quỳ, quận 7, TP Hồ Chí Minh) có 3 con cùng nhập học trong năm nay. Trong khi đó, gia cảnh của chị lại hết sức khó khăn.
Bên cạnh niềm vui ngày khai trường của học sinh là gánh nặng đè lên đôi vai của những phụ huynh nghèo như chị Ba |
Chị đang là lao công tại chung cư An Hòa (quận 7), mỗi tháng thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Chồng chị là thương binh 1/4, chỉ ở nhà gói bánh kiếm thêm thu nhập. Chưa bước vào ngày nhập học nhưng chị đã chắc chắn sẽ phải khất lần tiền học phí của các con.
Nhiều năm nay, các con chị hầu như chưa được mặc một bộ đồ mới nào. Năm học này, khi nhà trường buộc phải mua đồng phục, chị lại oằn thêm nỗi lo.
Các con chị đều học bằng SGK cũ xin về. Nhưng năm nay, chi phí lại tăng lên khi giá tập vở tăng. Năm trước, giá vở rẻ nhất là 3.000 đồng/cuốn thì năm nay đã tăng lên 4.000 đồng/cuốn. Nhân lên 3 lần cho tập vở của một cấp học, cũng là một chi phí không nhỏ bên cạnh nhiều chi phí khác vào mùa nhập học.
Chị Nguyễn Thị Tươi có 3 con, đứa lớn năm nay học lớp 12, đứa kế lớp 10, đứa nhỏ thì học tiểu học. Chồng mất sớm, chị đi bán vé số, ngày nào nhiều lắm bán chỉ được khoảng 400 vé. Phải nuôi 3 đứa nhỏ đi học nên thu nhập từ bán vé số là không thấm vào đâu.
Tựu trường năm nay, vị chi chị đã chuẩn bị khoảng 1,5 triệu đồng để lo tiền học phí, mua sách vở, quần áo và đóng các khoản phụ thu khác cho con nhưng vẫn không đủ. Cũng may là gia đình chị ở trong diện xoá đói giảm nghèo nên được miễn một ít.
Chị kể: “Có bữa bệnh, mệt muốn xỉu nhưng cũng không dám nghỉ bán vì nếu nghỉ thì lấy tiền đâu cho tụi nhỏ ăn, lấy tiền đâu cho tụi nó đi học”…
Tìm mua SGK cũ
Niềm vui ngày khai trường của học sinh |
Chợ sách, truyện cũ duy nhất còn sót lại tại TP Hồ Chí Minh là tại Lê Thánh Tông (quận 5), những ngày vừa qua khá tấp nập. Ngoài những người yêu thích sách tìm đến lùng mua, số lượng phụ huynh đến đây cũng tăng lên đáng kể.
Chị Nguyễn Thị Nhạn cho biết: “Tôi và chồng đều đi bán đồ chơi, bong bóng dạo và có một con chuẩn bị vào THPT. Mặc dù cháu thi được điểm rất cao, vào trường công lập, ít phải lo nhiều về học phí, nhưng chuẩn bị nhiều thứ khác cho cháu vào trường cũng không phải ít.
Tiền đồng phục mắc hơn, trước khoảng 30.000 - 40.000 đồng/bộ thì này đã tăng lên khoảng 60.000 đồng/bộ. Ngay cả gửi xe đạp của cháu, trước 500 đồng/xe thì nay đã tăng lên 1.000 đồng/xe. Tôi không dám mua SGK mới, phải sang đây để mua sách cũ cho cháu”.
Trong năm học này, thống kê giá SGK cho thấy: SGK lớp 1 hiện ở mức 40.800 đồng/bộ, lớp 2: 38.900 đồng/bộ, lớp 3: 42.300 đồng/bộ, lớp 4: 66.100 đồng/bộ, lớp 5: 67.200 đồng/bộ, lớp 6: 83.500 đồng/bộ, lớp 7: 97.000 đồng/bộ, lớp 8: 105.500 đồng/bộ, lớp 9: 102.700 đồng/bộ.
Đối với lớp 10: sách chương trình chuẩn 88.900 đồng, sách chương trình nâng cao 113.400 đồng, sách dùng chung 23.900 đồng. Lớp 11: sách chương trình chuẩn 92.800 đồng, sách chương trình nâng cao 118.400 đồng, sách dùng chung 21.400 đồng…
Như vậy, chỉ tính riêng tiền mua SGK, dụng cụ học tập… lo cho con chuẩn bị bước vào năm học, các gia đình đã tốn khoảng 600.000đồng - 700.000đồng, chưa kể các khoản tiền phải đóng khi nhập học. Đối với người lao động có thu nhập thấp, nhất là công nhân, mức tiền này quả là quá lớn.
Lạm thu “linh tinh phí”
Tình trạng lạm thu tiền tại các trường ở TPHCM tuy đã không còn nóng như cách đây vài năm nhưng đôi khi, việc này lại được biến tướng thành nhiều cách, khiến phụ huynh hết sức bức xúc. Nhất là vào năm nay, khi giá cả tăng cao, tình trạng này càng bị phản đối dữ dội.
Nhiều phụ huynh có con em học tại trường THCS Đức Trí (quận 1) cho rằng, nhiều khoản thu tại trường trong các năm qua là không phù hợp, gây bức xúc trong phụ huynh. Những mức phí này đang có nhiều khả năng được lặp lại. Theo đó, các khoản tiền quỹ như quỹ trường không hề có biên nhận.
Dụng cụ học sinh không phải do phụ huynh mua cho các em mà nhà trường bắt buộc phải mua, sử dụng không hết, gây lãng phí. Đơn cử: 30 bìa bao tập, 6 phù hiệu trường, hàng loạt bìa nhựa đựng bài kiểm tra…
Mặc dù có chung một mức học phí và bảo hiểm nhưng không chỉ riêng trường Đức Trí, nhiều trường khác đều có “linh tinh phí” dù nhiều hay ít. Những thứ các trường bắt buộc học sinh đóng khi bước vào năm học mới các năm qua luôn bị phụ huynh than phiền như: vệ sinh phí, quỹ phụ huynh, nha khoa, giày dép, mũ nón, sổ liên lạc, phiếu xin phép… theo mẫu của trường. Không chỉ lạm thu vào đầu năm, những khoản này còn được thu quanh năm.
Trong thời điểm đầu năm học mới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Muốn làm giáo dục tốt, cần tăng các nguồn xã hội hóa giáo dục, nhưng các khoản thu này phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, sử dụng có hiệu quả, thiết thực, công khai. Vậy nên, năm nay, những khoản thu của trường sẽ được xem xét rất kỹ...”.
Hiện nay, vẫn chưa thấy văn bản nào của Sở GD&ĐT TPHCM đề cập đến việc chấn chỉnh lạm thu khi ngày nhập học đã gần kề.
Nguồn: Theo Tiền Phong
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này