Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,262
Lựa chọn nghỉ việc để rút BHXH một lần, bên cạnh những lợi ích, người lao động cũng phải đối diện với nhiều rủi ro
Năm 2022, sau thời gian nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con, chị Trần Thị Kim, công nhân (CN) một công ty giày da tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai quyết định rút BHXH một lần để có vốn kinh doanh online. Sau 1 năm khởi nghiệp thất bại, chị đã quay trở lại nhà máy làm việc với mức lương chỉ bằng 1/2 so với trước đây.
Sau khi sinh con thứ 3 vào đầu năm 2021, do không có người phụ chăm con nên chị Kim đành từ bỏ công việc với mức lương 15 triệu đồng/tháng, chuyển sang bán hàng online tại nhà. Khi ấy, với khoản trợ cấp BHXH một lần hơn 150 triệu đồng, chị bỏ ra khoảng 90 triệu đồng để học livestream bán hàng, mua sắm thiết bị và nhập mỹ phẩm về bán.
Lúc đầu, việc buôn bán cũng thuận lợi do được bạn bè, đồng nghiệp cũ ủng hộ. Mỗi tháng, chị cũng kiếm được hơn 6 triệu đồng. Tuy nhiên, do chị nghỉ việc lâu, mối quan hệ ít dần nên buôn bán ngày càng ảm đạm. Sau gần một năm khởi nghiệp, chị chỉ thu lại 60 triệu đồng, chưa kể công sức bỏ ra.
Giữa năm 2023, chị quyết định gửi con đi nhà trẻ rồi xin vào làm CN ở công ty cũ, với mức lương gần 8 triệu đồng/tháng. Chị than thở: "Nhìn lại thời gian phấn đấu lên làm quản lý trước đây, tôi cảm thấy tiếc. Tính ra, sau khi nhận BHXH một lần, tôi cũng không làm được gì trong khi bản thân khó tiếp cận lương hưu bởi tôi đã 35 tuổi".
Người lao động đến tư vấn về hồ sơ rút BHXH một lần tại BHXH quận 12, TP HCM Ảnh: HUỲNH NHƯ
Chị Tô Thị Ngọc Hương, 38 tuổi, từng là CN tại một doanh nghiệp (DN) lớn ở quận Bình Tân, TP HCM - cũng tiếc nuối khi rút BHXH một lần. Cách đây một năm, công ty gặp khó khăn, đã vận động CN làm đơn xin thôi việc với mức bồi thường thỏa đáng.
Đúng lúc mẹ bệnh nặng, chị đã xin nghỉ việc để về quê chăm sóc, đồng thời dùng khoản tiền bồi thường để giúp mẹ trị bệnh. Chị cũng quyết định rút BHXH một lần (cho thời gian 15 năm đóng BHXH bắt buộc) để có một số vốn tích lũy. Khi ấy, lương căn bản của chị khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mẹ chị không qua khỏi sau 2 tháng điều trị.
Sau khi mẹ mất, chị trầy trật tìm việc nhưng mãi vẫn chưa ổn, gia đình phải sống nhờ vào khoản trợ cấp thất nghiệp (6,2 triệu đồng) của chị và đồng lương bấp bênh của chồng, trong khi hai con còn độ tuổi ăn học, phải ở trọ nên nhiều khi túng thiếu chị phải mượn tạm người thân. "Sau khi nhận BHXH một lần, tôi cũng đã dành một khoản để trả nợ. Nếu không nghỉ việc ở công ty cũ thì nay lương cơ bản của tôi đã trên 10 triệu đồng/tháng" - chị Hương nói.
Trước thông tin chính sách về điều kiện hưởng chế độ hưu trí, BHXH một lần sẽ có sự thay đổi khi Luật BHXH mới được Quốc hội thông qua, bà Lê Thị Mỹ Dung - lao công một trường tiểu học tại quận Bình Tân, TP HCM - cảm thấy bất an.
Bà Dung năm nay 57 tuổi, đã đóng BHXH được 17 năm 7 tháng, thu nhập mỗi tháng của bà chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Chồng chạy xe ba gác chở hàng thuê, công việc không ổn định nên thu nhập bấp bênh. Hai vợ chồng phải thuê trọ, nuôi con ăn học nên luôn trong cảnh túng quẫn.
Trước đây bà từng bị bệnh nan y, may mắn là phát hiện sớm nên điều trị kịp thời. 6 năm qua, bệnh chưa tái phát song bà Dung vẫn canh cánh nỗi lo. Do vậy, xin nghỉ việc để còn kịp rút "một cục" hay tiếp tục làm, đóng tiếp BHXH để hưởng lương hưu là điều khiến bà Dung băn khoăn. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc thiệt hơn, bà Dung quyết định hướng đến việc hưởng chế độ hưu trí.
Theo tính toán của bà Dung, nếu nghỉ việc để rút BHXH một lần thì nhiều khả năng sẽ không tìm được việc làm mới, phải sống dựa vào BHTN (chỉ bằng 60% mức lương hiện tại). Dù có nhận BHXH một lần thì chẳng bao lâu bà cũng sẽ tiêu hết vì không biết cách làm ăn. "Lúc đó, tôi sẽ không biết sống sao khi vừa không có thu nhập vừa không có BHYT nếu chẳng may bệnh tái phát" - bà Dung nói.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, thông tin thời gian qua có tình trạng DN thỏa thuận cho NLĐ nghỉ việc để rút BHXH sau đó nhận vào làm việc lại. Việc này khiến NLĐ sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro khi có khả năng DN không tiếp nhận lại hoặc tiếp nhận nhưng trả mức lương khởi điểm thấp.
Bên cạnh đó, trong thời gian chờ 12 tháng để hưởng BHXH một lần, NLĐ đi làm nhưng không được tham gia BHXH, BHYT, BHTN, dẫn đến khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp… sẽ không được hưởng quyền lợi. Do vậy, NLĐ cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định nghỉ việc để rút BHXH 1 lần.
Nguồn: Người lao động
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này