Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,459
“Những ngày vừa qua, Ban soạn thảo làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật, ban đêm vẫn còn làm chứ không chỉ ban ngày. Chúng tôi khẳng định làm với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị, bằng mọi cố gắng, khả năng ở mức cao nhất để tiếp thu, hoàn thiện Bộ luật”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/8.
Tiếp tục lắng nghe, lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật lao động (sửa đổi)
Tại phiên họp, hai vấn đề lớn của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được nhiều đại biểu cho ý kiến là mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ và điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.
Liên quan đến giờ làm thêm, theo Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội- cơ quan thẩm tra dự thảo Bộ luật, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, đồng thời trả tiền lương lũy tiến.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc kỹ điều này, vì việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, trình độ quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định sẽ hoàn thiện Bộ luật với quyết tâm chính trị cao nhất
Tại phiên họp các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên cân nhắc kỹ vấn đề tăng giờ làm thêm để phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe của người lao động Việt Nam. Trong đó, phải bảo đảm các nguyên tắc: phải có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động; áp dụng tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và bổ sung quy định khống chế giờ làm thêm tối đa theo tháng.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, trong bối cảnh hiện nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ ngày càng cao, trình độ ngày càng phát triển, trình độ của người lao động cũng tăng lên, quản lý doanh nghiệp tốt hơn…nên cân nhắc việc tăng thêm giờ làm.
“Tăng giờ làm là cần thiết, nhưng chỉ tăng khi có nhiệm vụ đột xuất, do nhà nước, doanh nghiệp phát động thi đua chẳng hạn nhưng phải có tính thời điểm và trong thời gian ngắn”- ông Đỗ Bá Tỵ nói.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, mặc dù tăng giờ làm là do nhu cầu của cả hai phía nhưng làm lợi cho giới chủ nhiều hơn vì giảm chi phí cho giới chủ, DN không phải tuyển thêm lao động, không phải đóng BHXH. Theo bà Hải, nếu có tăng giờ làm thêm thì phải có trần tối đa theo tuần và theo ngày thay vì theo tháng để không ảnh hưởng sức khỏe người lao động cũng như chất lượng lao động.
Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định theo phương án do Chính phủ trình quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.
Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về quy định nâng tuổi nghỉ hưu so với hiện hành và đề nghị làm rõ về việc quy định chênh lệch tuổi nghỉ hưu (2 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ; đồng thời cũng cho rằng việc quy định này sẽ dẫn đến nhiều tranh luận khác nhau giữa “tuổi nghỉ hưu” và “tuổi nghề”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ủng hộ phương án tăng tuổi nghỉ hưu
Bày tỏ ủng hộ chính sách mới này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề lớn đặt ra nhiều lần. Hiện nay có một số văn bản quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau và đã tăng hơn như tuổi nghỉ hưu trong ngành Viện Kiểm sát, Tòa án; tuổi nghỉ hưu một số chức danh như GS, PGS cũng từ 65– 67 tuổi.…Hay theo Luật Cán bộ công chức thì tuổi nghỉ hưu của cán bộ cao cấp như Bộ trưởng và tương đương trở lên cũng là 60 trở lên chứ không phải 55 – 60.
“Tuổi nghỉ hưu của người lao động nói chung phải có tầm nhìn dài hạn và tính đến yếu tố già hóa dân số trong tương lai gần, tính đến yếu tố cân bằng giới, thị trường lao động… Bây giờ chúng ta thể chế hóa cho phù hợp. Theo Chính phủ thì việc tăng có lộ trình chứ không phải tăng ngay. Tôi ủng hộ chính sách mới này”- ông Uông Chu Lưu nêu quan điểm.
Tiếp thu, hoàn thiện Bộ luật lao động với trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao nhất
Báo cáo thêm về những vấn đề các ủy viên UB Thường vụ Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đến thời điểm này, theo đánh giá của các chuyên gia từ tổ chức Lao động quốc tế (ILO), dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi đã thể hiện bước tiến rất dài của Việt Nam, hướng tới tiếp cận các vấn đề mới của thế giới.
Liên quan đến một số vấn đề cụ thể mà các đại biểu nêu như phương án quy định tính tiền lương làm thêm lũy tiến theo giờ, Bộ trưởng lý giải, sở dĩ đến nay chưa có báo cáo đánh giá tác động về việc này là vì chính sách chưa được áp dụng bao giờ, trên thế giới cũng mới chỉ có 2 quốc gia thực hiện việc tính lương làm thêm luỹ tiến theo giờ.
Về tổ chức bảo vệ người lao động, Bộ trưởng dẫn chứng 2 mô hình: một số nước thì “đóng cửa” hoàn toàn, một số nước lại “mở cửa ào ạt” khiến cùng lúc có rất nhiều tổ chức đại diện cho người lao động khác nhau cùng hoạt động. Riêng Việt Nam được ILO đánh giá là rất khéo léo khi đi theo con đường mở dần từng cánh cửa cho phù hợp với tình hình thực tế.
Liên quan đến nội dung quy định về đình công trong Dự thảo Bộ luật, theo Bộ trưởng, cần xác định đình công chỉ được xem là “vũ khí cuối cùng” khi việc thương lượng thoả ước lao động tập thể không đạt được chứ nếu không sẽ khó có thể kiểm soát được tình hình…
Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra Dự thảo Bộ luật
Bộ trưởng cho biết, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ luật, Bộ LĐ-TB&XH đang chỉ đạo bổ sung thêm vào hồ sơ dự án luật một số báo cáo như báo cáo về kết quả và tình hình đình công 10 năm qua, báo cáo về vấn đề vi phạm về giờ làm thêm, thời gian làm thêm, báo cáo về công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực lao động, việc làm… Bộ cũng đang cố gắng tập hợp để đến tháng 9 này xong được danh mục các ngành nghề độc hại để cùng Bộ Y tế thẩm định và công bố.
“Những ngày vừa qua, Ban soạn thảo làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật, ban đêm vẫn còn làm chứ không chỉ ban ngày. Chúng tôi khẳng định làm với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị, bằng mọi cố gắng, khả năng ở mức cao nhất để tiếp thu, hoàn thiện Bộ luật”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật cần được tiếp tục rà soát thêm; các cơ quan, trong đó có cơ quan soạn thảo dự luật, cần tiếp tục thiết kế quy định sao cho khả thi và có cơ sở để Chính phủ hướng dẫn trong thời gian tới. Đối với tiền lương, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp Bộ LĐ-TB&XH, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan để có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, gửi đến cơ quan chủ trì thẩm tra làm cơ sở quyết định phương án quy định cụ thể. Về việc trả lương làm thêm giờ, phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả bên sử dụng lao động. Bộ luật Lao động có tác động lớn hướng tới nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, đề cao trình độ kỹ thuật, cải tiến khoa học, chăm lo cải thiện chất lượng lao động, hướng tới nhân văn. “Về tuổi nghỉ hưu, đây là vấn đề lớn, đề nghị cần có những bước đi thận trọng, chắc chắn, cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng vì có những đối tượng chịu sự điều chỉnh qua nhiều quy định, cấp độ khác nhau”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói. |
CHÂU GIANG
Nguồn: Theo baodansinh.vn
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này