Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,456
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách và lộ trình cải cách tiền lương sau khi Trung ương đã xem xét và có kết luận nội dung này.
Chiều 28.9, phát biểu bế mạc phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp đã hoàn thành 18 nhóm nội dung của chương trình phiên họp; trọng tâm là các nhóm nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến bằng văn bản đối với một số báo cáo khác. Trong đó trọng tâm toàn bộ phiên họp tháng này để cho ý kiến vào các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến với một số nội dung rất quan trọng.
Trong đó, phiên họp tháng 10 sẽ cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách và lộ trình cải cách tiền lương sau khi Trung ương đã xem xét và có kết luận nội dung này.
"Đây là nội dung quan trọng nhất phải chờ Trung ương họp xong thì chúng ta mới có căn cứ để xem xét, quyết định", Chủ tịch Quốc hội nói.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6.
Đồng thời cho ý kiến đối với báo cáo kết quả rà soát hệ thống văn bản pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết 101/2023/QH15. Đề nghị tổ công tác phối hợp với Chính phủ để có báo cáo thẩm tra sơ bộ về nội dung này.
Trong tháng 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương 2022; việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương 2021 đã bố trí cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ ưu tiên nhà ở cho người lao động còn dư.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là nội dung rất quan trọng liên quan đến phân bổ sử dụng dự phòng ngân sách với một số nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội, riêng số tiền tăng thu của ngân sách năm 2021 rất lớn, của ngân sách Trung ương là 196.000 tỉ đồng, trong đó dự kiến dành 78.000 tỉ đồng cho cải cách chính sách tiền lương, bổ sung 65.000 tỉ đồng cho các dự án đầu tư trọng điểm...
Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh, đây là nội dung rất quan trọng, các Ủy ban của Quốc hội phải phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện.
Tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ, thời gian qua, nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải bỏ việc vì lương thấp.
Để tạm thời bù đắp một phần thu nhập, đảm bảo đời sống cho người dân, ngày 1.7.2023, Chính phủ đã thực hiện điều chỉnh tiền lương cơ sở và đang thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương.
“Cải cách chính sách tiền lương là việc không thể không làm và sẽ có nhiều điểm mới, lộ trình bắt đầu từ việc bãi bỏ lương cơ sở. Đây là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm, bên cạnh việc bỏ lương cơ sở, Chính phủ sẽ thiết kế song song 5 bảng lương mới, gồm: bảng lương đối với lãnh đạo, cán bộ quản lý; bảng lương của đối tượng làm chuyên môn nghiệp vụ; bảng lương đối với lực lượng vũ trang...
Riêng lực lượng vũ trang có 3 bảng lương gồm mức lương cho sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp; quân nhân quốc phòng và quân nhân của lực lượng công an.
Nguồn: Lao Động
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này