Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 44,978
Đôi khi đang phỏng vấn cho một công việc mới, bạn có thể nhận được câu hỏi: "Bạn muốn thấy mình ở đâu sau 5 năm nữa?". Bạn khó có thể biết sự nghiệp của mình ra sao trong năm tới, chứ đừng nói đến 5 năm. Nếu bạn đang là một thực tập sinh marketing, 5 năm sau chắc hẳn bạn đang là một nhân viên marketing hay có thể lên đển vị trí manager. Nhưng suy nghĩ thật nghiêm túc và cẩn thận, có khi bạn cũng tìm ra câu trả lời ý nghĩa cho chính mình.
Mục tiêu sự nghiệp của bạn là gì? Nếu bạn chưa nghĩ nhiều đến tương lai, có lẽ bạn nên cân nhắc, vì biết đâu sẽ được hỏi đến khi đi phỏng vấn. Kể cả khi bạn biết, có thể bạn sẽ cần điều chỉnh câu trả lời cho phù hợp với từng công việc mà bạn ứng tuyển.
Điều mà các Nhà tuyển dụng muốn biết
Câu hỏi phỏng vấn này giúp các Nhà tuyển dụng và lãnh đạo công ty “linh cảm” được mục tiêu của bạn đồng nhất đến mức nào với mục tiêu của công ty. Nó cũng sẽ giúp họ tính toán khả năng bạn gắn bó lâu dài tại công ty hay sẽ rời đi sau 1 năm hay vài tháng (kể cả vì lý do nào đó mà bạn sẽ bước tiếp khá nhanh chóng, hãy giữ thông tin đó lại cho bản thân).
Cách trả lời câu hỏi “Bạn thấy bản thân ở đâu trong 5 năm tới?”
Các câu hỏi về tương lai có thể rất khó trả lời - câu trả lời cần trung thực, nhưng vẫn phải liên quan đến công việc và ngành. Ví dụ, đừng chia sẻ mục tiêu “5 năm nữa sẽ xuất bản tiểu thuyết” trong khi ứng tuyển cho vị trí kế toán.
Nhất là, ĐỪNG BAO GIỜ NÓI: Mục tiêu dài hạn của tôi là rời khỏi ngành này và tập trung hơn vào việc viết lách/ vẽ tranh... Hiện tôi đang thử sức và một số nhà xuất bản/ người giám tuyển tỏ ra quan tâm. Tôi hy vọng sẽ sớm được in sách/ tổ chức triển lãm.
Mặt khác, phản hồi quá ít hoặc mơ hồ lại khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn hời hợt với sự nghiệp và không phải là mảnh ghép phù hợp cho công ty, hoặc đang che giấu điều gì đó. Một số mẹo sau đây sẽ giúp bạn trả lời về bước tiếp theo trong sự nghiệp, trong khi vẫn cho thấy bạn hứng thú với công việc đang được phỏng vấn.
1. Vạch ra một con đường sự nghiệp
Hãy nghiên cứu một con đường dài lâu và có vẻ hợp lý xuất phát từ vị trí công việc mà bạn đang phỏng vấn. Thông thường mọi người sẽ ở vị trí đó bao lâu? Những bước tiếp theo trong 5 năm tới là gì?
Một số Nhà tuyển dụng sẽ chỉ rõ lộ trình sự nghiệp trong phần thông tin tuyển dụng. Tuy nhiên, bạn có thể cần hướng tiếp cận giàu kinh nghiệm từ tiền bối, gia đình, bạn bè hoặc những người chuyên nghiệp để có cái nhìn chính xác hơn.
Ví dụ, nếu bạn là một y tá ứng tuyển tại bệnh viện, mục tiêu của bạn là một ngày nào đó chuyển sang làm quản lý. Bạn nên tìm hiểu trước về mặt tổ chức xem liệu y tá có thể phấn đấu lên vai trò Điều dưỡng trưởng được không. Bạn nên tìm thông tin trên internet của các Điều dưỡng trưởng đang làm việc tại bệnh viện xem họ có phấn đấu từ vị trí y tá của bệnh viện không. Và thổ lộ trong khi trả lời phỏng vấn: “Tôi đang tiếp tục phát triển các kỹ năng điều dưỡng của mình. Tôi cũng nhận thấy rằng có nhiều y tá đã chuyển sang làm Điều dưỡng trưởng tại bệnh viện, và đó là điều mà tôi đặt ra như một phần trong kế hoạch 5 năm”...
2. Thảo luận về sở thích của bạn đối với công việc này
Việc nhấn mạnh sự chuyên chú của bạn trong việc làm chủ công việc ban đầu trước khi có bước đi tiếp theo rất quan trọng. Nếu ngay từ đầu bạn đã có vẻ hời hợt với các nhiệm vụ cơ bản, Nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi về động lực làm việc của bạn.
Dù sao, người quản lý vẫn cần một người đảm nhận tốt công việc đó trong ít nhất 1 hoặc 2 năm. Bạn nên khéo léo cho thấy mong muốn và sự chuẩn bị của bạn cho vị trí này.
Ví dụ: “Một trong những điều khiến tôi quan tâm công việc này là cơ hội được làm nhiều vai trò. Là trợ lý kinh doanh bất động sản, tôi vẫn học hỏi được kỹ năng chăm sóc khách hàng cũng như có cơ hội áp dụng kỹ năng chỉnh sửa ảnh khi chăm sóc fanpage công ty. Tôi cũng rất vui khi được tìm hiểu thêm về công việc kinh doanh từ các đại lý thành công nhất”.
3. Nếu không có con đường sự nghiệp rõ ràng?
Không phải công việc nào cũng có thể trở thành bước đệm để leo lên những vị trí cao hơn trong thời gian 5 năm. Hãy chuyển hướng nói về việc phát triển nghiệp vụ theo chiều sâu, nhất là với các nghề như tư vấn, bán hàng, tổ chức sự kiện, giảng dạy và lập trình máy tính.
Thành thạo như một chuyên gia cũng là một mục tiêu khiến bạn trở nên vượt trội. Ví dụ, khi phỏng vấn cho một công việc bán hàng, bạn có thể nói: “Trong vòng 5 năm, tôi muốn được công nhận là một chuyên gia về ngành hàng này, duy trì và phát triển chặt chẽ mạng lưới khách hàng, mở rộng đáng kể cơ sở đại lý trong vùng và có thể nắm trong tay một số khách hàng lớn trong nước”.
4. Nêu mục tiêu của bạn dưới dạng kết quả
Một cách khác là: Nêu rõ mục tiêu về thành tích mà bạn mong muốn đạt được. Ví dụ: một giáo viên muốn trở thành giáo viên giỏi cấp thành phố, đồng thời cải thiện đáng kể tỷ lệ học sinh thành tích cao thông qua các phương pháp giảng dạy sáng tạo.
Tất nhiên, với một câu trả lời dạng này, bạn cần chia sẻ một số ví dụ về phương án thực hiện.
5. Tiến lên nấc thang nghề nghiệp
Có một số công việc mà việc dự kiến chuyển đổi sau một vài năm là hợp lý. Ví dụ: chuyên viên phân tích đầu tư tài chính; trợ lý nghiên cứu khoa học; trợ giảng…
Trong những trường hợp này, bạn có thể vẽ ra những mục tiêu rộng hơn, nhưng vẫn phải chỉ ra công việc hiện tại có ý nghĩa như thế nào, những kỹ năng, sở thích của bạn sẽ đóng góp ra sao cho công ty trong tương lai xa.
Hy vọng những gợi ý trên không chỉ giúp bạn hồi đáp trơn tru cho câu hỏi khó này, mà còn giúp bạn định hình cho lộ trình sự nghiệp của chính mình.
Nguồn hình: Freepik
Source: CareerViet Vietnam
Please sign in to perform this function