|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đại biểu tại hành lang hội nghị
|
Ngày 24/11, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị giao ban lần I năm học 2008 – 2009 bao gồm 12 Sở GD&ĐT khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.
Mặc dù số liệu các tỉnh báo cáo chưa phản ánh tất cả thực tế nhưng qua đây cũng có thể thấy số lượng học sinh bỏ học tại ĐBSCL vẫn còn khá cao.
Càng học lên cao, càng dễ bỏ học Theo số liệu báo cáo về tỷ lệ học sinh bỏ học đầu năm học 2008 – 2009 tại các tỉnh ĐBSCL, học sinh bỏ học trong hè ở cấp THCS và THPT còn khá cao. Càng học lên cao, học sinh càng khó theo đuổi việc học.
Cụ thể, các tỉnh có tỷ lệ học sinh bỏ học còn cao ở cả 3 cấp học: Cà Mau (18,67%), An Giang (14,34%), Bạc Liêu (13,23%), Hậu Giang (10,19%)…
Những lý do học sinh các tỉnh ĐBSCL bỏ học vẫn là những lý do muôn thuở như trước: Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, gia đình không quan tâm cho con em học tập, học sinh nghỉ học để đi làm… Đặc biệt, tỷ lệ học sinh yếu kém không theo kịp chương trình của các tỉnh rất cao (chiếm đến 40%).
Ông Nguyễn Văn Quang – GĐ Sở GD&ĐT Vĩnh Long thừa nhận: “Căn cứ theo số liệu hàng năm, tỷ lệ học sinh bỏ học chiếm khoảng 6%, trong khi năm nay chỉ mới thống kê ở những tháng đầu năm, học sinh bỏ học đã chiếm 4,43%. Chắc chắn, đến cuối năm thống kê, con số này sẽ còn tăng lên nữa. Chúng tôi đã làm việc này rất quyết liệt nhưng vẫn không thể rút nhỏ lại con số này được!”.
Trước tình hình cấp bách, vẫn có một số tỉnh có những hành động quyết liệt để đối phó với tình hình học sinh bỏ học và đã đạt được những kết quả bước đầu. Không như một số địa phương chỉ có học sinh các hộ nghèo mới được miễn học phí, tại Đồng Tháp khoảng 60.000 học sinh thuộc các hộ cận nghèo cũng được miễn học phí.
Ông Nguyễn Hoàng Nhi (GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp) còn cho biết tất cả các xã, huyện ở tỉnh này đều tổ chức các “Tổ nhân dân khuyến học” để có thể nắm rõ tình hình bỏ học của học sinh tại địa phương. Những thành viên trong tổ chức này là những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, chịu trách nhiệm đôn đốc, thuyết phục nếu phát hiện các em bỏ học. Nhờ vậy, trong những tháng đầu năm, tỉnh đã vận động được đến 96% học sinh 5 tuổi đi học.
Trong các tỉnh ĐBSCL, Trà Vinh là tỉnh có những nỗ lực vượt bậc nhất. Nhiều năm trước, Trà Vinh là một trong những tỉnh “đội sổ” về số lượng học sinh nghỉ học do đặc thù tỉnh nghèo, có nhiều đồng bào dân tộc người KhMer.
Nhưng trong năm học 2008 – 2009, cả hệ thống chính trị - xã hội của tỉnh đều vào cuộc: Cấp ủy, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội khuyến học, Doanh nghiệp, phụ huynh học sinh… Mỗi người một nhiệm vụ và vào cuộc với quyết tâm rất cao. Đặc biệt, theo ông Triệu Văn Phấn – GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, mỗi xã còn thành lập “Ban phòng chống học sinh bỏ học” để làm tốt hơn công việc này.
Lớp học tạm còn tràn lan! Với tình hình kinh tế khó khăn của ĐBSCL, vấn đề kiên cố hóa trường lớp tại các trường ở địa bàn cũng là điểm nóng được các tỉnh nêu với lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Một thực tế khiến các Sở GD&ĐT hiện nay cực kỳ đau đầu là phòng học tạm thời, phòng học ca ba còn tồn tại rất nhiều.
Theo lộ trình của Bộ GD&ĐT, từ năm 2008 – 2012, sẽ hoàn thành mục tiêu kiên cố hóa trường lớp. Đây là một thách thức rất lớn cho ĐBSCL với đặc thù về kinh tế và địa hình của các tỉnh.
Theo Bản tổng hợp tình hình thực hiện đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008 – 2012, Bộ GD&ĐT đã duyệt tất cả 18.775 phòng học cho ĐBSCL. Ngân sách cấp cho ĐBSCL cũng là số tiền cao nhất so với các vùng khác.
Tuy vậy, đến ngày 15/10/2008, chỉ mới 1.633 phòng học được triển khai xây dựng và 2.817 phòng học đang làm thủ tục đầu tư xây dựng. Việc giải ngân kinh phí cũng chỉ mới được làm tốt tại An Giang, Tiền Giang và Sóc Trăng. Nếu triển khai với tiến độ này, rất khó để ĐBSCL có thể thực hiện được số lượng phòng học mà Bộ GD&ĐT đã giao để thực hiện nhiệm vụ kiên cố hóa trường lớp.
Theo đề án của Bộ GD&ĐT, T.Ư sẽ cấp một phần lớn vốn cho các tỉnh thực hiện việc kiên cố hóa trường lớp, còn lại là trách nhiệm của các địa phương (đa phần là tiền lấy từ nguồn thu Xổ số kiến thiết tỉnh). Tuy vậy, đa số Sở GD&ĐT đều than khó vì nguồn vốn từ T.Ư cấp bị chia lẻ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Kiên cố hóa trường lớp, Bộ sẽ có văn bản là ngoài nguồn vốn T.Ư, các Sở GD&ĐT còn cần rất nhiều nguồn vốn địa phương, yêu cầu các địa phương chú ý trong việc này”.