|
Một lớp 7 ở trường THCS Lê Văn Tám (Khánh Vĩnh, Khánh Hoà) chỉ có 10 học sinh.
|
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học là kinh tế khó khăn và bệnh thành tích trong giáo dục.
Theo báo cáo giám sát toàn cầu giáo dục cho mọi người năm 2008 của UNESCO công bố chiều nay, 3/11 tại Hà Nội, Việt Nam có khoảng 1 triệu học sinh bỏ học.
“Số lượng trẻ bỏ học không ngừng tăng lên trong vòng 6 năm trở lại đây và trở thành vấn đề cấp bách tại khu vực Đông Á với cả thảy trên 3 triệu trẻ em không đến trường” - báo cáo nêu.
Tuy nhiên, số liệu này không đồng nhất với thống kê của Bộ GD&ĐT. Theo đó, tính đến ngày 31/3, 147.005 (trên tổng số 15.710.061 học sinh) bỏ học, chiếm 0,94%.
Phát biểu tại lễ công bố báo cáo trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Tình trạng học sinh bỏ học là đáng quan tâm nhưng không diễn ra ở tất cả các vùng tại Việt Nam. Học sinh bỏ học chủ yếu ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
“Chúng tôi đã thống kê, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bỏ học” - Ông Nguyễn Vinh Hiển nói. Thứ nhất là điều kiện kinh tế địa phương còn khó khăn, gia đình nghèo, các em phải đi học xa trong khi phương tiện đến trường thiếu, thậm chí nhiều học sinh thiếu ăn, thiếu mặc nên không thể đến trường.
“Nguyên nhân thứ hai là bệnh thành tích. Những năm qua, chúng ta đã đánh giá học sinh không đúng thực chất, nay đánh giá đúng, học sinh mất căn bản, học yếu khiến các em bỏ học” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho hay.
Theo ông Hiển, có nhiều giải pháp đã được nêu ra để khắc phục tình trạng này, trong đó, trước mắt là giúp đỡ trực tiếp học sinh yếu kém.
“Không chỉ riêng Bộ GD&ĐT, nhiều tổ chức, đoàn thể đã tham gia như quyên góp sách giáo khoa, quần áo, tài chính… đảm bảo học sinh đến trường đều có sách vở”. Thêm vào đó, các tổ chức chính trị xã hội cũng kết hợp với nhà trường phân công người giúp đỡ học sinh yếu kém.
Tuy nhiên, về lâu dài, phải phát triển kinh tế xã hội ở những vùng khó khăn.
Ngoài ra, “học phí cũng được Bộ GD&ĐT quan tâm. Theo đề án mới Bộ GD&ĐT trình với Chính phủ, học phí chỉ chiếm khoảng 6% thu nhập của người dân, còn lại là Nhà nước bù để đảm bảo cho tất cả học sinh đến trường”.
Báo cáo giám sát toàn cầu 2008 về giáo dục cho mọi người được một tổ chức độc lập có trụ sở tại Paris, thay mặt cho UNESCO thực hiện hằng năm.
Báo cáo này xác định tiến độ thực hiên 6 mục tiêu giáo dục cho mọi người được thông qua tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới ở Dakar, Senegal năm 2000.
Cũng theo báo cáo này, tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất về số trẻ em bỏ học là Việt Nam (1 triệu), Philippine (648.000), Myanma (487.000), Thái Lan (419.000) và Indonesia (414.000)... |