|
Bữa trưa của HS bán trú Trường THPT Lê Quý Đôn.
|
Nhiều trường không đủ cơ sở vật chất để tổ chức bán trú, trong khi học sinh phải học 2 buổi/ngày. Tình trạng này khiến cả học sinh và phụ huynh đều khổ. Không ít học sinh phải "lang thang" ngoài cổng trường với khao khát... buổi học chiều nhanh đến.
Phụ huynh đau đầu
Vì không đủ cơ sở vật chất nên Trường THCS Đoàn Thị Điểm không thể tổ chức lớp bán trú cho học sinh khối lớp 9. Do vậy, phụ huynh có con em học lớp 9 phải ngày 2 buổi đưa con đến trường. Và nhiều phụ huynh đã gặp không ít khó khăn.
Chị Huỳnh Mai Hoàng, nhà ở quận 10, kể về một ngày đưa đón con đi học: 6h sáng đưa con đến trường và đi làm. Dù công việc có bận rộn thế nào thì cũng phải đi đón con lúc 11h15. Hai mẹ con ăn vội vàng hộp cơm trưa và tranh thủ ngả lưng. Khoảng 13h, hai mẹ con lại lên đường. Và 4h30 chiều chị lại phải tất tả đi đón con.
Chị Hoàng than: "Ngày nào cũng như ngày nào. Mới có 3 tháng đưa đón con đi học mà tôi đã rất mệt mỏi. Công việc cơ quan cũng bị ảnh hưởng. Từ khi con vào học tới nay, tôi đã 3 lần bị sếp nhắc nhở vì công việc chưa giải quyết xong mà bỏ đi ra ngoài. Nhưng tôi không thể không đi đón con và cũng chưa tìm ra giải pháp nào hợp lý để bớt nhọc nhằn hơn".
Hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung (Gò Vấp) đều đi làm ở Biên Hoà, Đồng Nai, nên việc đón con tan học vào lúc 10h30 là điều không thể. Vì thế, từ đầu năm học tới nay, anh chị phải tốn mỗi tháng 400.000 tiền xe ôm đưa đón và tốn thêm 1,2 triệu đồng/tháng để thuê người giúp việc. Anh Trung cho biết: "Năm nay cháu mới học lớp 6, nên chưa thể tự mình đi học. Nhà trường lại không tổ chức bán trú cho học sinh khối 6 nên tôi đành phải chọn phương án này".
Chị Tuyết, vợ anh Trung nói thêm: "Giao con cho cô giúp việc và bác xe ôm chúng tôi không thật sự yên tâm. Ngày nào cũng vậy, cứ đến giờ cháu tan học, tôi phải tốn một cuộc điện thoại để nhắc bác xe ôm. Sau đó gọi về nhà kiểm tra xem con trai đã về đến nhà an toàn chưa. Rồi đến 12h45, tôi lại phải gọi điện về nhà để nhắc cô giúp việc chuẩn bị cho cháu đến trường. Đi làm mà không cảm thấy an tâm về việc học của con chút nào".
Chị Nguyễn Thị Phái, có con học chung lớp với con anh Trung, cũng luôn hồi hộp khi con tan trường. Chị nói: "Hai vợ chồng tôi đều làm công nhân, giờ giấc phải răm rắp theo quy định. Chúng tôi biết không thể đưa đón con đi học ngày 2 buổi nên đã thuê nhà gần trường con. Nhưng vẫn không thể yên tâm, vì trường học nằm ở trục đường lớn (Quang Trung, Gò Vấp), nhà ở đối diện trường. Chỉ sợ con bất cẩn khi qua đường".
Với chị Phái, mong muốn lớn nhất bây giờ là con được học bán trú mặc dù phải đóng thêm nhiều tiền. Chị cho biết: "Đóng thêm bao nhiêu cũng được, vợ chồng cố gắng tiết kiệm để con được an toàn. Ở trường học thì con chúng tôi được an toàn hơn. Không chỉ lo con sang đường bất cẩn mà tôi còn lo không biết buổi trưa con mình có ngoan ngoãn không, có bị người xấu dụ dỗ không...."
Học sinh "lang thang" Theo giới thiệu của Hà Trâm, con gái chị Hoàng, chúng tôi gặp các bạn học của Trâm vì nhà xa nên phải "lang thang". HS Nguyễn Q.T. ước ao: "Em chỉ muốn được học một trường gần nhà, buổi trưa được về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi để chiều có sức học tiếp. Chứ ngày nào cũng vậy thì mệt mỏi lắm".
Xong các tiết học buổi sáng, T. ra quán cơm gần trường ăn cơm và tìm chỗ nào đó để nghỉ ngơi chờ 13h30 vào học tiếp buổi chiều. T. nói: "Có hôm em ra nhà sách, có bữa thì ra nhà thờ gần đây ngồi cho mát, bữa thì em ngồi quán nước... Nhưng nói chung là không ở đâu bằng ở nhà cả. Và không buổi trưa nào em được nghỉ ngơi".
Theo T., trong lớp cũng có thêm nhiều bạn nhà ở xa như thế. Và có một số bạn học của T. chọn cách về ngủ ké nhà các bạn cùng lớp. Đầu năm học, T. cũng về nhà bạn nghỉ, nhưng "em thấy làm phiền bạn quá nên không về nhà bạn nữa".
Trưa 10/11, ghé ngang Trường Kim Đồng, chúng tôi bắt gặp cảnh hai mẹ con chị Trần Thị Kiểu đang ăn cơm hộp tại cổng trường. Chị nói: "Mấy hôm nay bà giúp việc về quê nên không ai chuẩn bị cơm trưa. Nếu chở con về nhà, chuẩn bị xong cơm trưa thì không kịp thời gian đi học buổi chiều. Vì thế, cả tuần nay hai mẹ con ăn cơm bụi. Ăn cơm xong, tôi chở con vào siêu thị gần đây, kiếm chỗ mát mát cho con ngồi nghỉ ngơi".
"Mong muốn lớn nhất của tôi lúc này là nhà trường có chỗ bán trú. Để con ở lại trong trường sẽ đỡ vất vả hơn. Trưa nắng mà phải ra đường, nhìn các cháu mồ hôi nhễ nhại, thương lắm!", chị Kiểu nói.
HS T.N.T.Nguyên, HS Tiểu học Đ.T.H là khách quen của quán Bò Bittet bên hông trường. Chị Hà Thị Duyên, chủ quán cho biết: "Từ đầu năm học tới nay, ngày nào cháu cũng tới ăn trưa và nghỉ tại quán. Ba mẹ cháu dặn chúng tôi là cứ bán cho cháu món gì mà cháu thích, chiều ba mẹ ghé trả tiền. Nhưng nhiều hôm thấy cháu vì mệt mỏi nên biếng ăn, tôi cũng thấy tội nghiệp”.
Theo chị Duyên, thỉnh thoảng cũng có vài học sinh ghé quán để ăn tạm bữa trưa và ngồi chờ cho đến giờ học buổi chiều. Nhưng Nguyên là khách hàng “thân thiết” của quán. Chị nói: "Nhìn các cháu lang thang ngoài đường suốt buổi trưa, tôi thấy không an tâm. Vì thế, tôi thường ngồi trò chuyện với các cháu hoặc giúp các cháu vệ sinh mặt mũi, tay chân trong khi chờ buổi học chiều".