|
Trường THPT bán công Gò Đen phải có cột tạm chống đỡ mới không sập.
|
Ở Long An, có những ngôi trường bị cơ quan kiểm định cảnh báo đã xuống cấp nghiêm trọng, rất không an toàn cho người sử dụng. Thế mà suốt 4 - 5 năm qua, những ngôi trường không biết sẽ đổ sập vào lúc nào vẫn hàng ngày tiếp đón hàng ngàn học sinh. Mỗi lần có mưa dông, ban giám hiệu (BGH) chỉ biết... run! Trong khi đó, ngân sách dành cho giáo dục của tỉnh lại được sử dụng vào việc khác, hoặc cũng xây trường, nhưng ở những nơi... không có học sinh (HS) (!).
Xem thường tính mạng hàng ngàn học sinh Năm 2003 đã xảy ra sự việc: Khi các HS lớp bảy 1 Trường THCS Trần Phú (phường 3, thị xã Tân An) vừa vào đến lớp thì một mảng bêtông nặng mấy chục ký bong khỏi mái hành lang rơi đúng vào chỗ các em vừa xếp hàng. Ngay sau đó, UBND thị xã Tân An đã chủ trì cuộc khảo sát Trường Trần Phú và nhận định không bảo đảm an toàn. Để có cơ sở khoa học hơn, UBND thị xã còn trưng cầu giám định từ cơ quan chuyên môn.
Sau 1 tháng đo đạc, khảo sát, ngày 7-1-2004, Trung tâm Kiểm định công trình xây dựng tỉnh Long An (gọi tắt TT Kiểm định) kết luận: Hầu hết các cấu kiện chịu lực chính của toà nhà 14 phòng (7 phòng tầng trệt, 7 phòng lầu) của Trường Trần Phú như cột, dầm, sàn đã hư hỏng nặng, không đảm bảo khả năng chịu tải công trình.
Công trình đã xuống cấp trầm trọng, phần lớn bêtông dầm bị ăn mòn, bong tróc, lộ cốt thép bị gỉ sét toàn bộ, tiết diện cốt thép chịu lực chỉ còn 30 - 50% và đang tiếp tục bị ôxy hoá nhanh... TT Kiểm định cảnh báo: Phải di dời ngay HS ra khỏi trường, cho tháo dỡ công trình.
Đùa với tử thần
|
Trường THCS Trần Phú vẫn có khoảng 700 HS hàng ngày ngồi học (ở tầng trệt).
|
Thế nhưng, những người có trách nhiệm đã "vận dụng" cho HS xuống học ở 7 phòng tầng trệt, còn dãy lầu dùng làm các phòng chức năng. Họ quan niệm rằng, nếu có sập thì chỉ tầng lầu mới nguy hiểm, còn dưới đất chắc không sao (!). Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Giám đốc TT Kiểm định, người trực tiếp kiểm định dãy nhà nói trên cách nay gần 5 năm - nói: "Khi sập, bao giờ người ở tầng trệt cũng chịu hậu quả thảm khốc nhất".
Ngày 1-10, chúng tôi đã có mặt tại Trường THCS Trần Phú. Cô Đặng Thị Hạnh - Hiệu trưởng trường - cho biết, mỗi khi trời mưa dông là cả ban giám hiệu và giáo viên (GV) đều run sợ, "van vái ông bà" đừng có chuyện gì xảy ra... Trưởng phòng GDĐT thị xã Tân An - ông Phạm Thanh Dân - cho biết, ngay sau khi TT Kiểm định cảnh báo nguy hiểm, phòng đã trình lên trên xin xây trường mới, nhưng thủ tục mới xong phần chọn vị trí và san nền, sớm lắm cũng phải 2 năm nữa mới có trường mới.
Cũng theo thầy Dân, cách đây 2 năm khi Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (cách Trường THCS Trần Phú khoảng 1km) có cơ sở mới, Phòng GDĐT thị xã định chuyển Trường Trần Phú đến cơ sở cũ (đã xuống cấp) của Trường Nguyễn Trung Trực. Thế nhưng, cùng lúc ấy, cơ sở của Trường THPT bán công Tân An (1 trệt, 2 lầu) cũng có nguy cơ bị sập nên sở đã ưu tiên cho trường này dời đến cơ sở cũ của trường Nguyễn Trung Trực.
Cùng hoàn cảnh với trường Trần Phú là Trường THCS Nhựt Tảo (phường 1, thị xã Tân An). Trường Nhựt Tảo có 2 cơ sở: Cơ sở 1 ở đường Cách Mạng Tháng Tám và cơ sở 2 ở đường Võ Công Tồn. Ơ mỗi nơi đều có ít nhất 1 lần mái trường bị đổ sụp khi dông gió, rất may là đều xảy ra vào ban đêm khi không có HS. Thầy Nguyễn Tất Lập - Hiệu trưởng trường - cho biết, cơ sở 2 của trường (dãy lầu 16 phòng) xuống cấp đến nỗi vào lúc tan học đứng trên tầng lầu cảm nhận được độ rung của toà nhà.
Năm học 2008-2009, ban giám hiệu cho HS dồn hết về cơ sở 1. Trong khi đó cơ sở 1 (nhà cấp 4) nhiều kết cấu gỗ đã mục gãy. May mắn là trường này đang xây dựng cơ sở mới, có khả năng kịp hoàn thành cho năm học 2009-2010. Trong khi đó, dãy lầu cơ sở 2 nói trên, hàng ngày vẫn có khoảng 500 HS người lớn (các lớp luyện thi và bổ túc văn hoá) vào đây, như thách thức với tử thần! (còn tiếp)