Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 15,696
Nghề nghiệp giữ vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc sống, khi bạn quyết định thay đổi công việc đồng nghĩa với việc bạn phải thay đổi môi trường, thay đổi tính cách. Chính vì vậy hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi “di cư”, tránh những sai lầm không đáng có.
Thay đổi vì đó là công việc đang “hot”
Một công việc đang “hot” và được nhiều người săn đón nhưng chưa chắc bạn đã là người phù hợp. Khi một công việc không phù hợp với tính cách và năng lực của bạn thì bạn sẽ không thể làm tốt được. Chạy đua theo những nghề “hot” và không quan tâm đến việc nó có phù hợp với mình hay không giống như việc bạn đi một đôi giày quá chặt hoặc quá rộng, nó sẽ khiến bạn khó chịu và mất tự tin. Hơn nữa, những công việc “thị trường” nóng lên nhanh nhưng hạ nhiệt cũng nhanh. Nếu bạn chỉ lo chạy theo phong trào chắc chắn bạn sẽ không đủ sức và bị bỏ lại phía sau là điều dễ xảy ra.
Thay đổi vì lương cao
Đừng để đồng tiền chi phối quá nhiều đến những quyết định của bạn trong cuộc sống, đặc biệt là trong công việc. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận giá trị của đồng tiền, tuy nhiên dù bạn có kiếm được nhiều tiền nhưng bạn không thấy vui vẻ, không thấy yêu công việc hiện tại thì bạn cũng sẽ không cảm thấy hạnh phúc. Nghề nghiệp cũng giống như một ngôi nhà theo bạn suốt cả cuộc đời, bạn phải yêu, phải thấy hợp bạn mới có thể sống với nó lâu dài. Chính vì vậy đừng thay đổi công việc chỉ vì cái lợi trước mắt, hãy suy nghĩ xem công việc đó có thực sự dành cho bạn hay không.
Thay đổi theo cảm hứng
Nhiều người thay đổi công việc là theo cảm hứng cá nhân. Đó có thể do sự bốc đồng hoặc tâm lý “cả thèm chóng chán”. Họ thường chọn các công việc trái ngành, không đúng với đam mê và sở thích. “Không gì tồi tệ hơn việc bạn quyết định ra đi mà không có sự xem xét kỹ lưỡng. Và cũng không có gì tồi tệ hơn việc bạn tìm kiếm một công việc không những nằm ngoài chuyên môn mà còn không đúng với sở thích của mình. Nếu bạn vẫn muốn thay đổi thì đó sẽ là một quyết định sai lầm”, chuyên gia nghề nghiệp Barbara Reinhold chia sẻ.
Thay đổi để tích thêm kinh nghiệm
Đó sẽ là một ý kiến hay nếu như bạn là một sinh viên đang ngồi trên giảng đường, bạn có thể thử sức ở nhiều lĩnh vực và sau đó quyết định hướng đi đúng nhất cho riêng mình. Nhưng với những người khác đó có thể sẽ là sai lầm. Không dễ gì để “săn” được một công việc ưng ý và phù hợp. Công việc đó chính là mảnh đất để bạn cày cấy những kinh nghiệm chuyên sâu. Không cần thiết phải chơi trò mạo hiểm với “cần câu cơm” của mình như vậy. Nếu bạn mạo hiểm rất có thể cần câu của bạn sẽ bị đứt và như vậy kết quả cho sự mạo hiểm đó sẽ là con số không.
Thay đổi vì thấy bạn của mình gặt hái được nhiều thành công
Một sai lầm nữa mà nhiều người mắc phải trong công việc đó là tâm lý a dua. Thấy bạn của mình làm tốt ở lĩnh vực này, công việc kia là thay đổi những mong mình cũng thu được những kết quả giống như người ấy. Nhưng bạn không nghĩ rằng, năng lực và tính cách của hai người là hoàn toàn khác nhau, bạn có thể làm tốt ở công việc này nhưng chưa chắc đã xuất sắc ở công việc kia. Đôi khi sự nông nổi cũng khiến bạn phải trả giá đắt cho việc “làm thử” của mình.
Thay đổi vì bất hòa với đồng nghiệp (với sếp)
Môi trường công sở là một môi trường phức tạp với nhiều mâu thuẫn đan xen (quan hệ giữa các đồng nghiệp và quan hệ với các sếp). Tuy nhiên, nếu bạn quyết định từ bỏ công việc lý tưởng hiện tại chỉ vì những mâu thuẩn nhỏ nhặt thì thật không đáng chút nào. Thay vì tức giận, buồn bực hãy học cách chấp nhận nó và khéo léo “chiều” nó. Bạn cũng nên tìm hiểu xem mâu thuẫn bắt đầu từ đâu và nghĩ hướng giải quyết. Chiều lòng “sếp” và giữ thái độ “chuẩn” với đồng nghiệp (tôn trọng, bình đẳng, hòa đồng, thân thiện..) còn là đòn bẩy giúp bạn tạo liên minh cho riêng mình và thăng tiến nhanh trong công việc.
Source: Theo Dân Trí
Please sign in to perform this function