Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 5,159
(NLĐO) - Việc cho phép người lao động bảo lưu 50% tổng số thời gian đã đóng BHXH để tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội sẽ tạo điều kiện cho người lao động vẫn được hưởng các quyền lợi, chính sách an sinh xã hội như pháp luật quy định
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật su TP HCM, dựa trên tình hình xã hội và nhu cầu việc làm, sinh hoạt đời sống hiện nay, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nên ưu tiên áp dụng phương án 2 tại Điều 74 dự thảo Luật về Bảo hiểm xã hội 1 lần, theo đó cho phép người lao động có yêu cầu rút BHXH 01 lần thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM
Trên thực tế hiện nay vấn đề rút BHXH 1 lần đang phát sinh nhiều bất cập khiến cho nhiều người dân không thể hưởng đầy đủ các quyền lợi của mình, thậm chí có trường hợp bị mất quyền lợi mặc dù đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ đóng tiền. Qua dự thảo Luật, nhiều ý kiến của cử tri quan tâm đến quy định rút BHXH một lần và đưa ra căn cứ cho rằng quy định của Luật BHXH hiện nay cho phép rút 100% dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm, "lợi trước mắt nhưng hại lâu dài", việc sửa đổi thành cho phép rút 50% và để lại 50% là phương án ưu việt và có lợi hơn cho người lao động.
Theo đó, nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần thì khi đến tuổi nghỉ hưu mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu (có tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội không đủ 15 năm) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thì vẫn có thể được lựa chọn hưởng các quyền lợi bổ sung (hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính phần bảo lưu của mình trong thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến trước tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (75 tuổi); trong thời gian này được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế và nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng...). Nếu dự thảo Luật vẫn giữ nguyên và quy định theo phương án 1 là kế thừa quy định như hiện nay, tức người lao động chấp nhận không nhận trợ cấp hằng tháng để được nhận BHXH một lần thì sẽ đồng thời làm mất đi cơ hội được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.
Tôi cho rằng việc rút bảo hiểm xã hội một lần là quyền của người lao động. Tuy nhiên, trong tổng số tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội hiện hành, đối với trường hợp BHXH bắt buộc thì số tiền người sử dụng lao động đóng chiếm tới 2/3 (gồm 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất, 3% vào quỹ ốm đau, thai sản và 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), còn người lao động chỉ chiếm 1/3 nhưng vẫn được hưởng các quyền lợi, chính sách xã hội tương tự như người đóng BHXH tự nguyện. Điều này thể hiện nguyên tắc của pháp luật là tôn trọng và đề cao quyền lợi của người lao động, vì thế việc sửa đổi dự thảo Luật cho phép người lao động được rút một phần không quá 50% tổng thời gian đã đóng và bảo lưu phần còn lại cho người lao động tiếp tục đóng để được hưởng các chế độ BHXH mà pháp luật quy định là phù hợp với tinh thần của pháp luật, vừa bảo đảm được nguồn quỹ BHXH vừa đáp ứng được nhu cầu rút BHXH của người dân.
Bên cạnh đó, toàn quốc vừa qua đã phải hứng chịu trận đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và khiến cho kinh tế khó khăn, trì trệ, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp, công ty đã buộc phải cho thôi việc đối với hàng trăm ngàn người lao động, từ đó dẫn đến việc chạm ngưỡng mức cảnh báo khi đồng loạt người dân đi rút BHXH 01 lần để có thể trang trải cho cuộc sống, cho gia đình. Việc cho phép người lao động bảo lưu 50% tổng số thời gian đã đóng BHXH để tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội sẽ tạo điều kiện cho người lao động vẫn được hưởng các quyền lợi, chính sách an sinh xã hội như pháp luật quy định và phần nào hỗ trợ cho đời sống xã hội của người lao động có thể vực dậy trước khó khăn trước mắt.
Trên cơ sở đó có thể thấy, các chính sách và quy định về BHXH đã thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động, người lao động cũng cần có phải có trách nhiệm lại đối với xã hội, để tránh tình trạng như hiện nay là khi còn trẻ, còn khỏe, còn đủ sức lao động cần tạo thu nhập mà khi gặp trở ngại thì lại buộc phải chấp nhận sử dụng hết phần tích lũy BHXH khi rút BHXH 01 lần để trang trải cho cuộc sống, đến khi về già trắng tay lại trở thành gánh nặng cho xã hội, cho con cháu, người thân. Việc đảm bảo cho người lao động được tiếp tục tham gia đóng BHXH cũng phần nào khắc phục được tình trạng cắt giảm lao động của các doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao động cũng sẽ bớt lo ngại về hệ quả sau này mà tập trung vào công việc để tiếp tục tạo ra thu nhập cho đời sống, tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp và từ đó tạo nền tảng cho công cuộc phục hồi và phát triển thị trường kinh tế.
Source: Người lao động
Please sign in to perform this function