Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 17,096
Ngày cuối tuần mưa tầm tã, Giám đốc công ty Thiên Đức vẫn cắp sách đến lớp để nghe thầy Bernard Law giảng bài. Hôm nay, Thạc sĩ Bernard Law giảng môn học mới: Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence Quotient).
Nỗi niềm mang tên EQ
Hầu hết các học viên của thầy Bernard đều đang giữ cương vị lãnh đạo hoặc quản lý trong lĩnh vực kinh doanh. Đối với họ, EQ không phải là khái niệm "mới tinh". Nhiều người đã từng tham khảo sách, báo và tài liệu về EQ, nhưng với họ, chừng đó lý thuyết thôi thì chưa đủ. Vì thế họ tìm đến lớp học để cùng chia sẻ...
Giám đốc công ty Thiên Đức thừa nhận mình là người rất nóng tính, rất dễ nổi cáu mỗi khi căng thẳng. Những cơn nóng giận ấy đã anh làm mất đi cơ hội lắng nghe người khác. Mặc dù biết như vậy là không tốt, nhưng anh vẫn chưa tìm ra cách nào kiểm soát được thái độ tình cảm của mình".
Cũng có sự biểu hiện tính cách lúc cáu giận giống như trên là anh Phó Giám đốc một công ty Tư vấn Truyền thông. Và khi tham dự lớp học EQ này, anh Phó giám đốc nọ mới thấy rằng nóng tính không phải là vấn đề chỉ của riêng mình. Thực tế, chuyện nóng giận thiếu bình tĩnh như thế gần như ai cũng có thể mắc phải, nhất là các "sếp" - khi mà họ phải chịu áp lực quá lớn từ công việc và các mối quan hệ.
Trong khi đó, Giám đốc chi nhánh của một Ngân hàng lại vấp phải trở ngại khác. Chị có nhược điểm là khá nóng vội, nên muốn việc gì cũng được hoàn thành thật nhanh. Điều đó khiến chị luôn bực mình và căng thẳng khi mọi việc không diễn ra đúng như ý muốn.
Trái ngược với chị học viên trên, quản lý của công ty cung cấp các dịch vụ liên quan tới đào tạo - lại là người quá mềm mỏng. Việc bị lạm dụng khả năng lắng nghe đã khiến chị đôi khi "ngập lụt" trong các tâm sự của đồng nghiệp. Hệ quả là chị cảm thấy mệt mỏi và mất nhiều thời gian khi cần đưa ra những quyết định quan trọng...
Còn Hiệu trưởng của một trường trung học cơ sở lại mang đến lớp học một nỗi niềm liên quan tới vấn đề lớn của ngành giáo dục, đó là chất lượng học tập và giảng dạy. Chị trăn trở khi mà nhiều bậc phụ huynh cho rằng xảy ra hiện tượng các em học sinh bỏ học và lười học là do "chất lượng giảng dạy"... Chị quyết định đến lớp học Trí tuệ cảm xúc với mong muốn hiểu rõ hơn xúc cảm và cách phân loại xúc cảm của trẻ. Từ đó, chị hy vọng sẽ tìm ra phương pháp áp dụng cho phù hợp với từng kiểu học sinh.
Giải quyết nỗi khổ của sếp
Không ít người (không phải là lãnh đạo) cho rằng làm sếp là oai, là sướng, vì sếp có quyền "chỉ tay năm ngón", khi bực mình thì có quyền mắng mỏ, thậm chí quát tháo nhân viên. Còn nhân viên lại phải mất nhiều thời gian căng óc lên để "dự báo thời tiết" hoặc "nghe nhạc hiệu đoán chương trình" theo từng nếp co dãn trên khuôn mặt của sếp. Thế nhưng trên thực tế, có những nỗi (thống) khổ mà chỉ khi nào ai đó ngồi vào vị trí "sếp" mới thấu.
Ai cũng có lúc nóng tính, gắt gỏng, căng thẳng, mệt mỏi, lo âu... Nhưng với các sếp, tần suất và cường độ của các cảm xúc tiêu cực này ở mức cao hơn rất nhiều. Thủ phạm chính gây ra các cảm xúc trên chính là áp lực công việc và tác động của các mối quan hệ khác nhau. Những lí do khiến sếp nổi giận thì có cả ti tỉ, từ lí do to như con voi cho tới những chuyện lãng xẹt như con kiến... Sắp đến hạn bàn giao sản phẩm với khách hàng mà nhân viên lại "giở chứng" thì cơn thịnh nộ của sếp là điều khó tránh khỏi. Đàm phán không thành công, nhân viên lại làm hỏng máy móc, thử hỏi làm sao sếp có thể bình tĩnh ... Rồi chuyện sổ sách, giấy tờ, thuế má, lời lãi cho tới thua lỗ, rồi tiền lương, tiền thưởng … tất tật đều khiến sếp phải vò đầu bứt tóc... Hay như chuyện cô nhân viên tự dưng bù lu bù loa lên khóc cũng khiến sếp cáu kỉnh. Hoặc, anh nhân viên thường ngày mẫn cán hôm nay bỗng nhiên lại "bật lại" cũng làm sếp bị ức chế... Những lúc nào tự sếp (hoặc nhân viên) thành công trong việc ngăn được các cơn giận của sếp thì mọi việc lại ổn. Nhưng sức chịu đựng dẫu là của ai thì cũng có giới hạn nên nhiều khi bức xúc phải bùng ra.
Thực tế, cơn giận của sếp chỉ là nhất thời, nhưng dư âm "tàn phá" của nó mới để lại hậu quả lâu dài. Và nếu như sếp không cải thiện được "tính khí" của mình, hoặc tìm ra một cách "xả xì trét" hữu hiệu thì các nhân viên dù có "thiên thần" đến mấy cũng có lúc sẽ phải "nổi giận". Lúc đó, môi trường làm việc sẽ có nguy cơ trở thành một "bãi rác độc hại".
Để làm "trong lành" môi trường làm việc, thầy Bernard Law chia sẻ với các học viên - vốn là các sếp - một yếu tố quan trọng – có thể coi đó là một chiếc chìa khóa. Đó chính là cách vận dụng trí tuệ cảm xúc trong điều hành.
Muốn hiểu được trí tuệ cảm xúc, trước tiên phải hiểu được cảm xúc là gì. Theo định nghĩa, cảm xúc là tập hợp những phản ứng tự nhiên được bộ não phát ra một cách tự động để giúp cơ thể và tâm trí chuẩn bị hành động thích hợp khi cảm giác phát hiện ra điều gì đó đang xảy ra liên quan đến sự bình ổn của chúng ta. Nơi nào có con người, ở đó có sự vui tươi, hân hoan, cảm giác ấm cúng hay buồn rầu, chán nản, thậm chí thất vọng... Những cảm xúc đó tồn tại độc lập với hệ ý thức. Nơi nào có con người, nơi đó cảm xúc sẽ luôn luôn là một thành tố quan trọng trong tương tác của họ.
Trong khi đó, dù với quy mô lớn hay nhỏ thì một tổ chức cũng luôn bao gồm tất cả các thành viên - ở đây được hiểu là chính các nhân viên của sếp. Một tổ chức thành công hay thất bại đều do con người – hay nói cách khác là do nhân lực của chính tổ chức đó. Để hiệu quả trong công việc quản lý hay lãnh đạo, người đứng đầu (sếp) cần hiểu cách thức phản ứng trước những tình huống, và ảnh hưởng của phản ứng đó sẽ như thế nào đến những người cùng làm việc. Như vậy, áp dụng Trí tuệ cảm xúc (EQ) trong công việc giúp cho một tổ chức hoạt động hiệu quả hơn, tập trung hơn, sáng tạo hơn. Các mối quan hệ tương tác giữa các cá nhân theo đó sẽ trở nên tốt đẹp hơn, linh hoạt và thân thiện hơn.
Aristotle từng nói: "Ai cũng có thể trở nên cáu giận - điều này thật dễ dàng. Nhưng cáu giận với đúng người, đúng mức độ, đúng thời điểm và đúng cách thì chẳng dễ chút nào". Về bản chất, cảm xúc phát sinh ngoài ý thức nhưng nó lại định hướng cho hành vi của con người. Do đó, không thể thay đổi được cảm xúc của mỗi người, nhưng lại có thể "điều hướng" được nó, từ đó có thể thay đổi được hành vi. Như vậy, sử dụng EQ không có nghĩa là "điều khiển" mà là "quản lý" cảm xúc của mỗi người.
Thầy Bernard Law cho biết: "80-90% năng lực lãnh đạo được xây dựng từ EQ. Trên thực tế có thể chưa biết chính xác EQ quyết định bao nhiêu % thành công của mỗi người, nhưng trong bất kỳ công việc nào, thì ngoài những kiến thức chuyên môn, vẫn không thể nào thiếu EQ, và nếu không có EQ thì không thể thành công".
Source: Theo Lãnh Đạo
Please sign in to perform this function