Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,167
Chế biến sản phẩm tại Công ty APT
Ngay từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta, nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương đã được ban hành kịp thời, giúp họ có thể phần nào vượt qua khó khăn và thích ứng với với đại dịch.
Ban hành kịp thời các gói hỗ trợ “nghìn tỷ”
Trong gần hai năm qua, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế - xã hội của nước ta, nhiều chính sách an sinh xã hội đã ban hành kịp thời. Sự ra đời của Nghị quyết số 42, đến Nghị quyết số 68, và mới đây nhất là Nghị quyết số 116 - những chính sách rất nhân văn - thể hiện sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, hỗ trợ người lao động, chung sức chung lòng cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Từ hàng loạt chính sách này, đa số người lao động có một chỗ dựa trong khó khăn. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ với người lao động, chung tay cùng vượt qua đại dịch. Các chính sách không chỉ hướng tới người lao động, mà còn bao phủ nhiều đối tượng yếu thế như người già, trẻ em mồ côi, người khuyết tật…
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, phương châm triển khai các chính sách hỗ trợ trên là “quyết liệt, nhanh chóng, đơn giản hóa về thủ tục để đến với người dân”. Bên cạnh đó, còn hàng loạt các chương trình khác như: tặng túi an sinh, hỗ trợ lương thực, thực phẩm….
Trong năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là gói hỗ trợ đầu tiên với kinh phí 62 nghìn tỷ đồng, đã thực hiện được hơn 33 nghìn tỷ đồng cho gần 14,5 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Cụ thể, tính đến tháng 5/2021, hơn 13,1 triệu người dân trên cả nước đã nhận được sự hỗ trợ trực tiếp với tổng kinh phí gần 14 nghìn tỷ đồng, theo 7 nhóm đối tượng cụ thể.
Bên cạnh đó, trợ cấp cho hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, giải quyết tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho 192.503 người lao động, tạo điều kiện giúp nhiều doanh nghiệp được vay để trả lương ngừng việc đối với 11.276 người lao động. Như vậy, các chính sách hỗ trợ được ban hành đầu tiên đã hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho hơn 14,4 triệu lượt người dân.
Vào năm 2021, trước những tác động nặng nề của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư khởi phát từ ngày 27/4 vừa qua, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Quyết định số 23/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Gói hỗ trợ này trị giá 26 nghìn tỷ đồng, gồm 12 chính sách hỗ trợ. Trong đó, có nguồn từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp.
Tới giữa tháng 10 vừa qua, kết quả triển khai Nghị quyết số 68, Quyết định số 23 tại 63 tỉnh, thành phố cho thấy, tổng kinh phí thực hiện gói hỗ trợ này là gần 21,89 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 24,26 triệu lượt đối tượng.
Đặc biệt, tại 23 tỉnh, thành phố khu vực phía nam phải thực hiện giãn cách xã hội trong một thời gian dài do dịch Covid-19, kinh phí của các chính sách hỗ trợ lên tới 17,75 nghìn tỷ đồng (chiếm 80% toàn quốc), hỗ trợ 16,8 triệu đối tượng (chiếm 69,5% toàn quốc).
Riêng kinh phí hỗ trợ ba chính sách về bảo hiểm đạt hơn 5,26 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 379.650 đơn vị sử dụng lao động và 11,64 triệu người lao động. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho 378.900 đơn vị sử dụng 11,5 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỷ đồng.
Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được thực hiện tại 56/63 tỉnh, thành phố với tổng số 735 đơn vị sử dụng lao động và 135.555 người lao động, tổng kinh phí 938,4 tỷ đồng. Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, duy trì việc làm cho người lao động, có 20 đơn vị sử dụng lao động đã đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 1.792 người lao động.
Mới nhất, ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Gói hỗ trợ này có ngân sách khoảng 38 nghìn tỷ dồng, hỗ trợ khoảng hơn 13 triệu lao động và khoảng 386 nghìn đơn vị sử dụng lao động, với kinh phí lấy từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Việc tổ chức thực hiện các chính sách kịp thời, giảm tối thiểu các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp các gói hỗ trợ nêu trên kịp thời đến với người dân, người lao động và doanh nghiệp. Qua đó, giúp họ có thể tạm thời vượt qua những khó khăn trước mắt do tác động nặng nề của đại dịch.
Hoàn thiện hơn nữa các chính sách
Kết quả triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội trong gần hai năm kéo dài của đại dịch đã tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của các quỹ: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trong bảo đảm an sinh xã hội. Từ đó, góp phần giúp người dân và người lao động vượt qua khó khăn, tạo động lực hỗ trợ sản xuất - kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động.
TS Bùi Sỹ Tuấn (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ, để tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong các chính sách an sinh xã hội, trong thời gian tới, chính sách bảo hiểm xã hội cần tiếp tục tập trung vào một số giải pháp quan trọng. Trong đó, nên chú trọng tới một số nội dung sau.
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền về tính ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về chính sách bảo hiểm, đặc biệt là vai trò của chính sách bảo hiểm xã hội trong việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Điều này sẽ củng cố hơn nữa niềm tin của mọi người dân, doanh nghiệp vào mục tiêu an sinh xã hội rất quan trọng của bảo hiểm xã hội.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, kể cả bắt buộc và tự nguyện. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần quan tâm đến việc hỗ trợ về đào tạo nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp, kết nối cung - cầu để sớm đưa người lao động trở lại thị trường lao động.
Với giải pháp thứ hai này, cần thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội, gồm cả bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện một cách linh hoạt đối với các điều kiện tham gia, thụ hưởng chính sách.
Điều này góp phần hấp dẫn hơn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Chính sách an sinh xã hội bảo đảm tính chủ động và bền vững nhất, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân, để mọi người lao động và người có thu nhập đều tham gia bảo hiểm xã hội.
Cùng với đó, tăng cường chế tài xử lý nghiêm các hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội để khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội hiện nay.
Xem các hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội và chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động là tội hình sự để nâng cao hiệu lực xử lý vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội; Có phương án giải quyết cụ thể về quyền lợi cho người lao động khi doanh nghiệp nợ, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội và không còn tài sản để giải quyết quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động.
Tiếp nữa, bảo đảm việc cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần tính toán tiền lương đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng nên thực hiện theo mức tiền ghi trong hợp đồng lao động nhằm bảo đảm việc đóng và hưởng sau này của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Đồng thời, xem xét việc điều chỉnh mức tiền lương hưu hưởng hằng tháng theo một lộ trình phù hợp để khắc phục tình trạng mất cân đối trong đóng - hưởng bảo hiểm xã hội, bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội lâu dài.
Bên cạnh đó, về chính sách đầu tư của Quỹ Bảo hiểm xã hội, cũng cần được xem xét kỹ lưỡng về hình thức đầu tư và nên được linh hoạt hơn, song vẫn phải bảo đảm Quỹ Bảo hiểm xã hội là quỹ an sinh xã hội lớn nhất của quốc gia, liên quan đến nhiều người lao động. Vì thế, hoạt động đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội phải bảo đảm mục tiêu an toàn khi tiến hành các hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ.
Cuối cùng, nghiên cứu tăng mức hỗ trợ hiện nay cao hơn, hấp dẫn người lao động, người dân tham gia. Bởi theo ý kiến của một số chuyên gia, khi người dân mới tham gia bảo hiểm xã hội, Nhà nước có mức hỗ trợ tối đa (khoảng 70%) nhằm tạo thói quen, đẩy nhanh độ bao phủ bảo hiểm xã hội. Đến khi người dân có điều kiện kinh tế khá giả hơn và đã nhận thức được tính ưu việt của chính sách, có thói quen tham gia bảo hiểm xã hội, có thể xem xét thực hiện lộ trình hỗ trợ theo hướng giảm dần một cách phù hợp.
Thêm nữa, cần nghiên cứu phát triển hơn nữa đội ngũ công tác viên, khai thác viên trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Nguồn: Báo Nhân dân
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này