Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,933
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, cải cách tiền lương nên xác định mục tiêu. Theo đó trong quá trình xây dựng lộ trình cải cách tiền lương, phải xác định mức tiền lương tối thiểu, đảm bảo mức sống tối thiểu, nếu không sau đó, công chức sẽ rất khó khăn, mà đặc biệt là người lao động.
Lương hưu của nhiều người không đủ sống.
Ngày 25.5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ đồng tình với việc Chính phủ xây dựng lộ trình cải cách tiền lương.
Dù vậy, ông Nhân trăn trở khi thực tế hiện nay, nhiều người lao động làm việc đủ thời gian, đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội nhưng về hưu lương không đủ sống.
“Bài học cải cách tiền lương trên cơ sở mục tiêu gì? Vừa qua TP Hồ Chí Minh đã phỏng vấn nhiều công nhân, người lao động đã phản ánh rất nhiều. Đó là, nhiều người lao động có thể đi làm đủ 30 năm ở doanh nghiệp, đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội, nhưng đến khi về hưu, nhận lương hưu 2,5 triệu - 3 triệu/tháng, không đủ sống, lại phải đi làm thêm kiếm đủ tiền trang trải”, đại biểu nói.
Từ đó ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, cải cách tiền lương nên xác định mục tiêu gì? Theo đó trong quá trình xây dựng lộ trình cải cách tiền lương, phải xác định mức tiền lương tối thiểu, đảm bảo mức sống tối thiểu, nếu không sau đó, công chức sẽ rất khó khăn, mà đặc biệt là người lao động.
“Chúng tôi gặp cử tri ở quận Bình Tân, xót xa lắm, có những người lao động mấy chục năm, thậm chí Phó Chủ tịch Công đoàn quận mà khi nghỉ hưu nhận lương hưu 2,5- 3 triệu đồng lại phải đi làm thêm vì không đủ sống. Chúng ta cần phải xem lại”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Ông Nhân cũng bày tỏ, kinh tế hiện này phát triển hơn, GDP bình quân đầu người đã trên 4.000 USD/người, phải xác định lại nguyên tắc trả lương cho người lao động.
Quan trọng nhất, phải xác định mức tiền lương tối thiểu làm sao đảm bảo mức sống tối thiểu. Nguyên tắc trả lương phải đảm bảo người đi làm ngoài nuôi mình, cần nuôi được gần thêm một người để họ còn nuôi con, cha mẹ mình lúc về già.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận, việc tăng lương không chỉ phụ thuộc vào cơ quan bảo hiểm cân đối, mà thực tế mức đóng bảo hiểm ở Việt Nam còn thấp, nhưng muốn tăng lên không dễ.
Theo bà Lan, với mức đóng khá thấp như hiện nay và đã chia ra nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động. Nhưng đôi khi người phải đóng bảo hiểm còn “xù” không đóng, cơ quan bảo hiểm không làm được gì.
Bà Lan chia sẻ, không chỉ những người về hưu, ngay cả người đang lao động như bác sĩ, dược sĩ mới ra trường, lương cũng không đủ sống.
Chúng ta cứ cải cách tiền lương bằng cách nâng mức lương cơ bản, mỗi lần tăng thêm vài trăm ngàn cho 1 hệ số. Những người mới đi làm hệ số thấp nên số tiền tăng lên cũng không nhiều, không có tích lũy. Trong khi đây là những người cần tích lũy vốn để lấy vợ, lấy chồng, sinh con.
“Những người đột phá cống hiến nhiều, nhưng còn trẻ thì hệ số lương vẫn thấp, không bằng người lao động lão làng” nhưng không có gì xuất sắc, làm việc bình thường. Như vậy, chúng ta vẫn bị “chủ nghĩa bình quân” - bà Lan nêu.
Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ sẽ sớm trình cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách tiền lương và xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu thực hiện hiệu quả chính sách người có công, trợ giúp xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Chính phủ sẽ theo dõi sát tình hình người lao động bị mất việc, giảm giờ làm để có phương án hỗ trợ phù hợp.
Nguồn: Lao động
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này