Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,384
Thiếu việc làm và mất cảnh giác nên nhiều người đã sập bẫy những đối tượng lừa đảo
Báo đài liên tục đưa tin các cơ quan chức năng giải cứu thành công công dân bị lừa sang nước ngoài làm việc về nước an toàn; bắt nhóm lừa đảo "việc nhẹ lương cao" bằng những thủ đoạn tinh vi và cảnh báo người dân cảnh giác. Thế nhưng, hoạt động lừa đảo người tìm việc với nhiều chiêu thức vẫn tiếp diễn ngày một táo bạo.
Theo Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, trên mạng xã hội (MXH) đang rộ lên chiêu thức lừa đảo "đọc sách mỗi ngày để nhận lương". Đây là hình thức lừa đảo online mới, biến tướng từ hình thức "việc nhẹ, lương cao".
Liên quan đến thông tin trên, mới đây, Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông 1980Books (1980Books) đã phát đi cảnh báo gần đây xuất hiện nhiều đối tượng giả mạo sử dụng tên, hình ảnh, văn bản, công văn của công ty nhằm mục đích lừa đảo. Theo ghi nhận và phản hồi của các độc giả, nhóm đối tượng lừa đảo dùng tên và thông tin của 1980Books để đăng tải những thông tin tuyển dụng người đọc sách tại nhà qua các trang MXH Facebook, website, landing page giả mạo.
Ông Nguyễn Văn Tuân, CEO 1980Books, cho biết đây là hình thức lừa đảo tinh vi khi các đối tượng giả những hợp đồng có chữ ký và con dấu của 1980Books để gửi cho "con mồi". Sau đó, những người này bị đối tượng lừa đảo thêm vào các nhóm trên ứng dụng Telegram làm nhiệm vụ đọc sách mỗi ngày để nhận lương. Nhận công việc, người dùng phải nạp tiền, sau mỗi lần kết thúc công việc thì được hoàn tiền về tài khoản. Khi số tiền lớn, hệ thống sẽ báo lỗi, yêu cầu người bị hại đóng thêm tiền để sửa lỗi và hoàn tiền về ví điện tử, sau đó chúng sẽ xóa toàn bộ tài khoản liên hệ.
Nguy hiểm hơn, những kẻ lừa đảo "việc nhẹ lương cao" dùng thủ đoạn táo bạo để đưa người lao động (NLĐ) vượt biên trái phép. Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết mới đây anh N.T.T (huyện Nghĩa Hành) thấy thông tin tuyển dụng trên MXH với công việc và thu nhập phù hợp nên đi xe đò vào Tây Ninh ứng tuyển.
Tại đây, anh T. được một nhóm người đón và ép lên xe đưa đi. Khi đến nơi, người phiên dịch nói anh được bán sang Campuchia và bị ép phải làm việc trên MXH để lừa những người khác. Chịu không được sự hành hung, anh T. phải gọi cho gia đình gửi 100 triệu đồng để chuộc anh về Việt Nam.
Cuối tháng 2 vừa qua, tổ công tác của Công an tỉnh Kon Tum đã đưa được 1 lao động tên T. (người địa phương) về nước an toàn sau 3 tháng bị lừa bán sang Campuchia. Theo lời kể của T., cuối tháng 11-2023, anh từ Kon Tum đến Bến xe An Sương (quận 12, TP HCM) để tìm việc làm. Tới nơi, anh được một nhóm người tiếp cận, mời uống chai nước ngọt và đưa lên xe. Sau đó anh ngủ mê man đến khi thức dậy thì đã ở trên đất Campuchia.
Khi có nhu cầu tìm việc, người lao động nên tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín để tránh bị lừa đảo
Mới đây, anh Hoàng Đức Hùng ngụ TP HCM kể câu chuyện mình suýt bị lừa bán sang Campuchia khi đi tìm việc làm. Đối tượng hẹn anh Hùng đến quán cà phê ở quận 3, TP HCM. Tại đây, đối tượng mời anh uống nước và ép lên xe để đi xem nơi làm việc. Cảnh giác trước thủ đoạn này, anh Hùng đã trốn thoát và quyết định chia sẻ câu chuyện của mình để cảnh tỉnh mọi người.
Các chuyên gia của Cục An toàn thông tin cho biết trước đây những kẻ lừa đảo thường đăng bài giới thiệu việc làm tại Campuchia. Sau thời gian bị các cơ quan chức năng xử lý, cảnh báo, nhóm lừa đảo chuyển qua "tuyển lao động làm những công việc như mơ tại Tây Ninh". Đây là địa phương giáp với Campuchia nên các đối tượng dụ NLĐ đến đây để tiện đưa qua biên giới. Đáng chú ý, nhóm lừa đảo ứng trước tiền để "con mồi" đi đến điểm hẹn.
Chưa dừng lại ở đó, những kẻ lừa đảo còn đăng tuyển các vị trí làm việc "béo bở" tại TP HCM rồi hẹn ứng viên đến quán cà phê, sảnh cao ốc văn phòng để phỏng vấn. Sau đó chúng mời uống nước, đưa lên xe đi nhận việc nhưng thực chất là để cưỡng ép người tìm việc sang Campuchia thực hiện các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng.
Bà Trương Thiên Kim, Phó Giám đốc Dịch vụ Tư vấn tuyển dụng Adecco Việt Nam, khuyến cáo NLĐ khi có nhu cầu tìm việc trực tuyến, cần cảnh giác và tự bảo vệ bản thân trước các công việc có dấu hiệu đáng ngờ. Tuyệt đối không chuyển tiền đóng cọc, phí; không click vào các đường dẫn hoặc tệp tin lạ; không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, mật khẩu...; không làm nhiệm vụ nhận tiền, nhận phỏng vấn tại địa chỉ không phải trụ sở công ty...
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, NLĐ cần lưu ý khi tiếp cận thông tin tuyển dụng. Các trang đăng thông tin phải đưa địa chỉ công ty rõ ràng, có hình ảnh của đội ngũ công ty. Đồng thời người đăng tin tức bộ phận nhân sự phải dùng Facebook "sống", nghĩa là Facebook của họ phải có thêm nhiều thông tin, hoạt động của công ty hoặc của cá nhân, chứ không chỉ đăng những bài rao giống nhau.
"Ngoài nhắn tin qua lại với bên tuyển dụng, NLĐ phải gọi điện thoại trực tiếp, nhất là bằng video. Những đối tượng lừa đảo thường không dám xuất hiện khi gọi video, còn nếu xuất hiện lại đeo khẩu trang hoặc thường gọi dưới 2 phút vì sợ nói lâu sẽ lộ" - ông Thắng nói.
Cục An toàn thông tin cũng đưa ra cảnh báo liên quan đến các chiêu trò lừa đảo trực tuyến nở rộ thời gian vừa qua như: lừa đảo qua mã độc gửi vào email; đăng ký học kỳ công an miễn phí cho trẻ; chiếm đoạt mã giảm giá trên sàn thương mại điện tử; giả danh thanh tra sở y tế để lừa đảo; mạo danh VTV tổ chức cuộc thi ảnh; hack kênh YouTube của người nổi tiếng; việc nhẹ lương cao trên WhatsApp.
Nguồn: Người lao động
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này