Phát biểu tại hội thảo xung quanh Đề án trên tổ chức tại Hà Nội ngày 29/5, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục
Việc làm – Bộ LĐ-TBXH đã khẳng định vai trò của Bảo hiểm thất nghiệp, cũng như phân tích rõ lý do cần có xây dựng Đề án.
Để việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Ông Vũ Trọng Bình phát biểu tại Hội thảo
Thành công lớn của 10 năm qua
Ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh, “10 năm qua chính sách của Đảng và Nhà nước về Bảo hiểm thất nghiệp là một thành công hết sức to lớn”. Hình thành từ 2009, sau 10 năm, Bảo hiểm thất nghiệp của Việt Nam từ chỗ chưa có gì đã hình thành một hệ thống toàn diện trên toàn quốc với 63 tỉnh thành.
Đặc biệt khi đại dịch Covid-19 xảy ra vừa qua, hệ thống Bảo hiểm thất nghiệp đã đóng vai trò nổi bật trong lúc rủi ro về thị trường lao động tăng đột biến, chưa từng có. Riêng trong tháng 4, tháng 5 ở nhiều tỉnh thành lớn số người đăng ký hưởng Bảo hiểm thất nghiệp đã tăng hơn 200%.
Dự kiến hết 2020, hơn 10 nghìn tỷ sẽ được chi trả Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và hỗ trợ hàng triệu người lao động được tư vấn giới thiệu việc làm quay trở lại thị trường lao động.
Theo ông Bình, vai trò của quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ở tất cả các nước cả về mặt lý luận và thực tiễn là đảm bảo không chỉ hỗ trợ chi trả cho người lao động, mà việc quan trọng nữa là hỗ trợ người lao động thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động. Trong 10 năm qua, chúng ta đã làm tương đối tốt việc “chi trả”, việc “quay trở lại thị trường lao động” tương đối thành công.
Đòi hỏi của thực tiễn
Cũng tại Hội thảo, ông Vũ Trọng Bình đã phân tích rõ các lý do Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong các nghị quyết đã chỉ đạo xây dựng Đề án.
Thứ nhất, 10 năm qua kinh tế Việt Nam đã phát triển hết sức mạnh mẽ. Từ 2009 – 2010 đến nay, quy mô kinh tế Việt Nam đã tăng từ 115,9 tỷ đô la lên hơn gấp đôi. Mặt khác, đây cũng là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, kết nối với toàn cầu, có vị thế như một nền kinh tế mới nổi trên thế giới.
Rõ ràng, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi và sự hội nhập cũng đã khác rất nhiều. “Điều đó đặt ra yêu cần đổi mới cơ chế chính sách quản lý quỹ Bảo hiểm thất nghiệp”, ông Bình phân tích.
Thứ 2, thị trường lao động phát triển, quá trình công nghiệp hóa mạnh, nhất là tại vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Thị trường lao động Việt Nam hiện nay so với 2010 là rất khác, có thể thấy rõ điều này qua số liệu về quản trị thị trường, về giao dịch thị trường, sự dịch chuyển lao động…
Có thể thấy địa bàn nào công nghiệp hóa càng mạnh và thị trường lao động càng phát triển thì vai trò của quỹ Bảo hiểm thất nghiệp càng lớn. Điều này càng khẳng định quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có quan hệ chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa trên các địa bàn.
Thử hình dung, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… thời gian qua, nếu không có quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, hàng triệu người lao động nếu thất nghiệp sẽ rất khó khăn quay trở lại thị trường lao động. Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có vai trò rất lớn đối với sự ổn định phát triển của quá trình công nghiệp hóa trên những địa bàn này, đặc biệt đảm bảo cả an ninh chính trị xã hội.
Mặt khác, vai trò của Nhà nước với thị trường cũng thay đổi. Trong Nghị quyết Trung ương V về hoàn thiện thể chế Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, thị trường lao động được xác định là một thành tố hết sức quan trọng.
Chúng ta không thể xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa nếu không có một thị trường lao động định hướng Xã hội Chủ nghĩa. “Và quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chính là công cụ chính, quan trọng nhất đối với Nhà nước trong việc quản trị thị trường lao động”, ông Bình phân tích.
Do đó việc cải cách, đổi mới quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chính là thực hiện chỉ đạo, chủ trương của Đảng về phát triển thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, trong đó quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là một công cụ của Đảng và Nhà nước để quản trị thị trường.
Bên cạnh đó, với độ mở của nền kinh tế Việt Nam, thì việc cải cách quỹ Bảo hiểm thất nghiệp thích ứng với thông lệ quốc tế là cần thiết.
Đó là những lý do phải xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”.
“Và điều quan trọng là Đề án ra đời, nó phải giúp Bộ LĐ-TBXH, các cơ quan liên quan xây dựng được hệ thống pháp luật đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn, để quỹ Bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ hữu hiệu trong việc quản trị một thị trường lao động đồng bộ, hiện đại những năm tới”, Cục trưởng Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.