Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 11,824
"Dù đã có điểm EILTS 6.5 từ trước khi sang học, mình vẫn gần như tê liệt trong 3 tháng đầu tiên ở Úc. Tiếng Anh được nói khác nhau với những người có xuất xứ khác nhau", Võ Bằng (Đại học Queensland) tâm sự. Nếu không nỗ lực bằng mọi cách, thời gian 15 tháng còn lại của khóa học 18 tháng không phải là nhiều để Bằng có thể làm chủ ngôn ngữ này và đạt những mục tiêu đã đặt ra từ trước. Câu chuyện của Bằng nói lên một phần những khó khăn và yếu điểm của du học sinh Việt Nam hiện nay ở Úc.
Tiếng Anh, chuyện không bao giờ cũ
So với các thế hệ trước, thế hệ sinh viên Việt Nam gần đây qua Úc có trình độ tiếng Anh khá hơn. Cùng với việc phải nỗ lực để đáp ứng những đòi hỏi về điểm chuẩn EILTS, người đi học hiện nay cũng có nhiều điều kiện thuận lợi về việc học tiếng Anh ở trong nước. Nhiều người được học tiếng Anh từ sớm, hoặc học tại các trung tâm đào tạo tiếng Anh, thậm chí là sang cả Úc học tiếng Anh một thời gian trước khi vào học chính thức. Có những du học sinh cho rằng tiếng Anh thế là xong, và chỉ tập trung vào việc học chuyên môn. Trong ngành tự nhiên, vấn đề chủ yếu là thuật ngữ, nhưng với ngành xã hội và nhân văn, tiếng Anh có nghĩa là tất cả. Thực tế, càng ra nước ngoài, càng thấy tiếng Anh đa dạng, mênh mông và đòi hỏi sự nhạy cảm và tinh tế đến mức nào.
"Tiếng Anh được học ở trong nước khá khác biệt so với tiếng Anh được nói bởi dân địa phương Úc, bởi thầy cô giáo đến từ những khu vực nói tiếng Anh khác nhau và bạn bè quốc tế trong trường sử dụng ngôn ngữ này ở các trình độ khác nhau", Nguyễn Xuân Huy (Đại học South Australia) cho biết. Phạm Thu Hảo (Đại học Adelaide) chỉ ra rằng tiếng Anh do sinh viên các nước châu Á nói khó nghe hơn nhiều so với sinh viên đến từ các nước châu Âu hoặc châu Mỹ. Từ Quốc Hội (Đại học Adelaide) cho biết: "Sinh viên Úc nói rất nhanh và dùng nhiều tiếng lóng. Nếu không dành thời gian tiếp xúc, trao đổi và hỏi han, không bao giờ mình có thể hiểu được chính xác họ muốn diễn đạt điều gì". Ấy là chưa nói đến chuyện khi tiếng Anh chưa đủ tinh thông, người đi du học còn khó có thể đọc hiểu các văn bản do nhà trường, giáo viên, hoặc các cơ quan có liên quan gửi đến.
Không nên ngại dấn thân, hòa nhập vào cuộc sống mới
Anh Nguyễn Trường, cựu sinh viên và nay là cán bộ của Trường đại học Macquarie (Sydney) nhận xét rằng thực tế hiện nay sinh viên Việt Nam khi sang Úc du học đều được trang bị khá chu đáo những kiến thức về nước Úc nói chung, qua các văn phòng tư vấn du học, qua các hội thảo,... thành thử họ đã "xao nhãng, không tập trung cao độ vào việc hòa nhập và trở thành một người dân Úc để tìm hiểu tâm tư tình cảm, suy nghĩ, những cái hay, cái xấu của họ". Thực tế, trong các bài thi, đặc biệt về lĩnh vực kinh tế, sinh viên Việt Nam gặp khó khăn lớn khi hiểu về các công ty của Úc và các hình thức kinh doanh, cạnh tranh của họ. Lỗi của họ một phần đã không thường xuyên đọc báo, nghe đài, tìm hiểu cuộc sống thực tế.
Nhiều sinh viên vì lý do như tiết kiệm tiền, ngại giao tiếp vì thiếu tự tin vào tiếng Anh, thậm chí mang tâm lý tự ti dân tộc, sợ bị coi thường hoặc quá lo ngại vấn đề an toàn cá nhân nên ngại dấn thân. Thay vì trở thành một phần của cuộc sống mới, họ tìm cho mình lối sống tách rời với thế giới xung quanh. Sinh viên Việt Nam có xu hướng nhiều "cùng" như thuê nhà, mua sắm, ăn uống, giải trí, đi học... Hiện nay hầu hết các bang của Úc đều có nhiều khu người Việt, hoặc có những khu chợ người châu Á bán đủ thứ như ở Việt Nam. Nhiều bạn vui mừng về điều này, vì được ăn uống như ở Việt Nam, nhưng thực tế nó cũng khiến họ bỏ qua việc tìm hiểu cách chế biến và thưởng thức các "món ăn Tây" như là một đặc trưng văn hóa. Càng ngại thâm nhập để làm chủ hoàn cảnh, các sinh viên như thế càng có xu hướng co cụm và Việt Nam hóa mọi mặt của cuộc sống.
Thay đổi tư duy lòng vòng và thói đạo văn
Anh Trường khẳng định rằng thói quen diễn đạt, tiếp cận lòng vòng bên ngoài cần phải từ bỏ ngay. "Người ta hỏi cái gì, các bạn trả lời ngay cái đó. Nên cắm thẳng mũi tên vào tim của vấn đề, rồi từ đó xẻ ra mà nói", anh nhấn mạnh.
Các trường đại học Úc đặc biệt khắt khe với vấn đề đạo văn hay ăn cắp ý tưởng (plagiarism). Sinh viên Việt Nam được giáo dục rất khác về khái niệm này. Khi sang học ở Úc, nhiều người vẫn mang theo thói quen lười hay bỏ qua việc trích dẫn, hoặc không chịu học kỹ về nguyên tắc trích dẫn. Các thầy cô sẽ quy tội đạo văn, không chỉ cho việc sao chép nguyên văn, mà còn là việc ăn cắp ý tưởng của người đi trước. Anh Trường nói: "Bất cứ tư tưởng của ai đều phải trích dẫn ở đoạn nào, trang nào, tài liệu nào; phải công nhận mình đã mượn tư tưởng đó. Mình từng xem những luận án dài 50-70 trang mà không thấy trích nguồn tài liệu nào. Đã là đạo văn thì không có thầy cô giáo nào muốn chấm bài".
Kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin
Cái yếu của du học sinh ta vẫn là kỹ năng truyền thông, là nắm những cách thức hữu hiệu để xử lý và tiếp nhận thông tin. Do thiếu thông tin, người đi học sẽ có thể bị tổn hại không chỉ về tiền bạc, danh dự mà còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học tập và sinh sống ở Úc.
Còn có những sinh viên coi "du" quan trọng hơn "học". Họ đi học như đi chơi, và tiêu tiền của bố mẹ. Kiên quyết vượt qua những nhược điểm của mình, các du học sinh mới tận dụng hết những cơ hội khi du học, và thu lại "lãi lời" từ một hình thức đầu tư cho giáo dục vốn vẫn là rất xa xỉ hiện nay với người Việt Nam.
Nguồn: (Theo Thanh Niên)
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này