Không chỉ cử nhân tốt nghiệp loại giỏi mà các chuyên gia, giám đốc cũng ... thất nghiệp. Từng là giám đốc một công ty bất động sản, nay anh Hưng chuyển sang bán trà chanh buổi tối ở vỉa hè.
Hiện nay, nhiều nhân viên cấp cao làm các chức vụ như trưởng phòng, chuyên gia, thậm chí giám đốc doanh nghiệp cũng chịu cảnh thất nghiệp, bởi doanh nghiệp lâm cảnh khó khăn.
Tốt nghiệp loại giỏi Học viện Báo chí Tuyên truyền năm 2008 nhưng cũng phải sau nửa năm Thu Nga (Thái Thụy, Thái Bình) mới xin được việc tại một nhà xuất bản. Với mức lương khởi điểm 2,5 triệu đồng/tháng, sau 4 năm làm việc, chị Nga lên chức trưởng nhóm biên tập và được tăng lương lên 7 triệu đồng/tháng.
Đầu tháng 5/2012, chị Nga đột nhiên nhận được thông báo phải nghỉ việc, vì nhà xuất bản gặp khó khăn. Ngay cả khoản tiền trợ cấp thôi việc cơ quan cũng không còn tiền để trả.
“Mặc dù còn độc thân nhưng ở Hà Nội có bao nhiêu khoản phải tiêu như tiền nhà, điện, xăng xe... Với mức lương như vậy tôi phải tiết kiệm lắm mới đủ. Nay còn thất nghiệp, tôi không biết phải sống thế nào”, chị Nga tâm sự.
Nghỉ việc hai tháng nhưng chị Nga không dám về quê, vẫn tiếp tục sống lay lắt ở Hà Nội chờ xin việc.
“Dù có kinh nghiệm vài năm làm biên tập nhưng hiện tôi không thể xin được vào vị trí biên tập tại nhà xuất bản nào. Đi nhiều nhà xuất bản, họ chỉ cần người đứng canh máy, phát hành... trái ngược hẳn với chuyên môn của tôi” - chị Nga nói.
Mới đây, một hãng điện thoại di động lớn buộc phải sa thải hơn 100 nhân viên, sau khi đối tác nước ngoài rút vốn, nên hãng phải cắt giảm và cơ cấu lại nhân sự.
Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao ở diễn ra ở bất kỳ đối tượng nào, dù là cử nhân bằng giỏi. Ảnh minh họa
Quyết định của hãng khiến nhiều lao động (trong đó có cả những người học tập ở nước ngoài, chuyên gia có kinh nghiệm) rơi vào cảnh khóc dở, mếu dở vì đằng sau họ là hàng trăm gia đình sống dựa vào mức lương của người đi làm.
Anh M.Đ đương kim trưởng phòng của hãng này, đang nhận lương tháng 1.500 USD, đã trừ thuế, thì bất ngờ bị cho thôi việc. Hãng chỉ đền bù một tháng lương. Là trụ cột của gia đình, nay bỗng dưng thất nghiệp khiến cuộc sống của cả gia đình anh Đ. đảo lộn.
Hiện, anh Đ. nộp hồ sơ vào nhiều công ty săn đầu người trên mạng, tuy nhiên do không có lợi thế về tuổi (đã ngoài 40 tuổi) nên anh Đ. chỉ nhận được mức lương chào từ: 700–800 USD/tháng, bằng nửa mức lương cũ, anh Đ. chưa đồng ý, vì vẫn kỳ vọng ở mức lương cao hơn.
Còn anh Quốc Hưng, cách đây vài tháng còn là giám đốc của một công ty bất động sản bậc trung ở Hà Nội, thì nay phải đóng cửa công ty chuyển sang bán trà chanh buổi tối ở vỉa hè đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài.
Anh Hưng cho biết: “Ngày xưa đếm tiền tỷ, bây giờ thu từng đồng ở vỉa hè, dù khác nhau một trời một vực nhưng vẫn là kinh doanh chứ tôi không bao giờ chịu đi làm thuê cho người khác”.
Cứ chiều chiều anh Hưng rải dăm chiếc chiếu, bán trà chanh, trà đá phục vụ thanh niên và sinh viên. Theo anh Hưng, mỗi tối anh cũng kiếm được 300.000 đồng, đủ chi tiêu tằn tiện, chờ thời.
Gặp thời khó khăn, nhiều ông chủ, người giỏi chuyển hướng đi bán trà chanh, làm việc vặt. Ảnh minh họa
Bất động sản, viễn thông, chứng khoán thất nghiệp nhiều
Anh Thanh Hiếu - Phó Giám đốc Công ty cung cấp nhân sự HR2B chi nhánh Hà Nội phân tích, như một quy luật của thị trường, khi các doanh nghiệp gặp khó khăn vì phải cắt giảm nhân sự thì bản thân doanh nghiệp chuyên cung cấp nhân sự cũng chịu sự ảnh hưởng từ sự khó khăn này.
Theo anh Hiếu, gần đây lĩnh vực bị cắt giảm và thay đổi nhân sự nhiều nhất là bất động sản, viễn thông và ngân hàng. Với bất động sản, khi thị trường đóng băng, có doanh nghiệp cắt giảm đến 80% số nhân sự đang có, thay giám đốc kinh doanh và giữ lại những nhân viên có mối quan hệ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Với thị trường viễn thông giảm sút không hẳn vì khó khăn kinh tế mà do chiến lược kinh doanh, năm trước họ đầu tư nhiều thì năm nay không đầu tư nữa, đợi 2-3 năm sau mới nâng cấp,
tuyển dụng.
Còn lĩnh vực tài chính, ngân hàng, 2 năm trước các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư... mở rộng và sẵn sàng nhận nhân sự ngoài khối đó nhưng năm nay giảm hẳn. Có doanh nghiệp năm trước lên kế hoạch tăng lượng nhân sự lên 50-70% thì nay dự án đình trệ nên phải cắt giảm nhân sự.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), có một thực tế là, số người thất nghiệp tăng mạnh, trong đó có cả nhóm đối tượng thu nhập cao, làm việc tại những vị trí quản lý.
Tuy nhiên, vẫn xảy ra thực trạng có doanh nghiệp không tuyển được lao động.
“Tình trạng chuyên gia phải đi đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp có nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp nước ngoài hoặc các văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài đặt tại Việt Nam bị thu hẹp hoạt động, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc hợp đồng lao động hết hạn”- bà Hương nói.
Đăng ký thất nghiệp tăng mạnh
Ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cũng cho biết, dù chưa có một cuộc điều tra hoặc nghiên cứu cụ thể về các đối tượng thất nghiệp.
Tuy nhiên, vì kinh tế khó khăn, không chỉ đời sống công nhân, người lao động bị ảnh hưởng mà chính những người giữ chức vụ quan trọng trong các công ty cũng phải chịu cảnh thất nghiệp.
Theo ông Trung, trong năm 2011, có hơn 190.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong quý I-2012, đã có 116.000 người đăng ký thất nghiệp (tăng 70% so với quý I-2011); trong đó, đã có 61.155 người có quyết định hưởng trợ cấp (tăng 65%).
|