|
Các em HS trong giờ ra chơi trong một không gian chật chội tại phố Hàng Bè (một điểm lẻ của Trường tiểu học Trưng Vương, Hà Nội)
|
Không thể tin được khi ngay tại trung tâm thủ đô Hà Nội vẫn có nhiều HS phải học ở điểm lẻ - điều tưởng như chỉ là chuyện bất cập ở những vùng sâu vùng xa, nơi có địa bàn phức tạp, điều kiện hạ tầng hạn chế. Càng ngạc nhiên hơn khi có những trường nhiều năm vật vã với điểm lẻ lại là những trường lá cờ đầu của thành phố về chất lượng giáo dục và thu hút nhiều HS xin học trái tuyến. Thiếu chỗ học, thiếu chỗ chơi, sinh hoạt tập thể đang là sự ngăn trở lớn cho việc giáo dục toàn diện.
Lớp học cho “gà công nghiệp”
Người dân ngõ 220 Hàng Bông, Hà Nội quen với việc có một lớp học nằm sâu trong ngõ. Đi qua đoạn ngõ sâu hút và tối đặc trưng của phố cổ, lớp học nằm chen với nhà dân. Diện tích chỉ chừng trên 20m2, hẹp và dài - một cấu trúc vốn không phải xây cho việc dạy học. Chúng tôi đến vào buổi trưa, giờ học kết thúc. Chiếc đèn tuýp vừa được tắt, cô giáo phụ trách phải thắp đèn bàn để đọc giáo án, phòng tối như hũ nút, thiếu khí.
Lớp học này dành riêng cho HS lớp 1 của Trường tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm, 100% thuộc diện đúng tuyến nhưng phải học cả hai buổi tại đây, cách biệt với không khí học đường ở trường chính.
Bà Phan Thị Thắng, hiệu trưởng, đưa chúng tôi thăm điểm trường giải thích: “Trường chính quá chật. Cách đây mười năm, diện tích trường không đến 1.000m2, nhưng có gần 2.000 HS, chia ra 40 lớp (trung bình 2m2/HS, trong khi điều lệ trường tiểu học quy định 6m2/HS). HS phải học ở nhiều điểm lẻ, trong đó có những lớp học “nhà dân” chật hẹp. Nỗ lực giảm HS trái tuyến trong mười năm qua của trường này cũng chỉ cho kết quả: còn 50% HS trái tuyến và ngoài trường chính, bốn điểm lẻ khác mới đủ chỗ học.
Hàng Bông là một điểm lẻ không ổn nhất. Trên 40 HS cả ngày chỉ học tập, sinh hoạt, ăn ngủ trong diện tích lớp học chật chội không khác gì kiểu nuôi “gà công nghiệp”. Theo bà Thắng, HS lớp 1 ở điểm Hàng Bông đều có nhà gần đó nên cha mẹ HS thuận gửi con ở điểm lẻ, trong khi lẽ ra các em trong diện được học tại điểm trường chính. Tuy nhiên trao đổi với một số phụ huynh đón con tại điểm này thì được biết: “Trường thiếu chỗ thì phải chấp nhận điểm lẻ, chứ ai muốn thế!”.
Những trường khó khăn về chỗ học lại là những trường nhiều phụ huynh nộp đơn xin học trái tuyến cho con. Trường tiểu học Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng vốn chỉ thiết kế đủ chỗ học cho HS phường Bách Khoa, nhưng nhiều năm nay đây là một trong những trường bị áp lực trái tuyến căng thẳng nhất. Học hai ca, tận dụng cả những phòng cơi nới thì đủ, nhưng do áp lực học hai buổi/ngày, nhiều khối lớp phải đi thuê nhà dân để học buổi hai. Ngày khai trường, các ngày lễ hội lớn, chỉ trừ HS lớp 1 mới vào trường, các lớp khác phải cử mỗi lớp vài đại diện HS dự vì không đủ chỗ. Có HS lớp 5 trường này kể: “Cháu chẳng bao giờ được dự lễ khai trường!”. |
Ngoài điểm lẻ trên, Trường Thăng Long còn ba điểm khác thuê của trường mầm non, Cung thiếu nhi TP. Do trường sắp xếp luân phiên HS phải học điểm lẻ, vào giờ nghỉ trưa HS phải đi bộ đổi ca giữa các điểm trường. Ở điểm xa nhất, HS phải đi xe buýt đổi giữa ca sáng và chiều. Trong các khoản đóng góp của HS đầu năm học có thêm tiền thuê xe buýt đưa đón. Điểm chính của trường này cũng không rộng rãi, chỉ 400m2 sân chơi, phải tận dụng cả khu vực cổng trường làm nơi học thể dục.
Trường tiểu học Trưng Vương và Nguyễn Du cũng là những trường luôn bị thiếu chỗ học trong nhiều năm qua. Theo bà Nguyễn Thị Liên - hiệu trưởng Trường Trưng Vương, trường mới giải tán được một điểm lẻ ở phố Hàng Dầu - điểm nằm giữa nơi buôn bán ồn ào, bụi bặm. Nhưng hiện vẫn phải đi thuê địa điểm ở vài nơi khác.
Tại 44 Hàng Bè, cả hai trường Nguyễn Du và Trưng Vương chia nhau sử dụng một số phòng của khu biệt thự từ thời Pháp đã cũ và xuống cấp. Điểm lẻ này nằm chen với nhà dân phố cổ, bước ra cửa là gặp cảnh hàng quán, buôn bán, giao thông thường xuyên ách tắc. Giờ giải lao, HS chỉ được nghỉ tại chỗ do không có sân chơi, bước ra là nhà dân, đường phố. Học ở điểm lẻ đã thiệt thòi, cha mẹ HS còn phải “chia lửa” với trường để có tiền thuê địa điểm. Thế nhưng theo bà Liên, hiện mới chỉ 50% HS được học hai buổi/ngày tại các địa điểm của trường. Số còn lại nếu cha mẹ HS có nhu cầu thì phải tổ chức “bán trú nhà dân”.
Với chỉ dẫn của một bà mẹ có con học tại Trường tiểu học Quang Trung, chúng tôi đến lớp học điểm lẻ của trường này tại ngõ Hạ Hồi. Tương tự các điểm lẻ khác, lớp học thuê của một nhà dân ở tầng 1 một khu tập thể được cải tạo làm lớp học.
Áp lực trái tuyến và áp lực học hai buổi/ngày Các trường tiểu học trên địa bàn thủ đô như Trưng Vương, Nguyễn Du, Lê Ngọc Hân, Bế Văn Đàn... là những trường luôn bị căng thẳng trước làn sóng chạy trường đầu năm học để rốt cuộc tình trạng quá tải, tình trạng HS không có chỗ học hai buổi/ngày như yêu cầu của Bộ GD-ĐT trở nên phổ biến.
Với mục tiêu 100% HS tiểu học được học hai buổi/ngày, rất nhiều trường học ở Hà Nội đang phải giật gấu vá vai để có đủ chỗ học. Chủ trương của Bộ GD-ĐT là giãn thời gian học hai buổi để chống quá tải, buổi hai dành cho việc học tự chọn, hoạt động ngoại khóa... Nhưng ở những lớp học cho “gà công nghiệp”, HS lấy đâu chỗ thực hiện yêu cầu trên. Quá tải chỗ học, quá tải lượng kiến thức học... đang là những mối lo khó có thể giải quyết.
Ông Lê Ngọc Quang - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội - khi trao đổi về việc này đã nói: “Chúng tôi biết những bất cập. Thời gian qua đã có những nỗ lực nhằm giải quyết như một số trường có diện tích hẹp được sáp nhập với trường khác, giảm sĩ số HS/lớp để gom điểm lẻ về một mối... Nhưng hiện tại vẫn còn những trường chưa thể giải quyết được, nhất là các trường nằm trong nội thành cũ không thể tăng quỹ đất do kẹt giữa khu trung tâm, trường không được phép nâng tầng nhưng sĩ số HS quá đông.