Đồng bào Khmer Sóc Trăng khôi phục làng nghề đan nhờ nguồn vốn chính sách xã hội.
Được trợ lực từ tín dụng chính sách xã hội
Cuối tháng 5, trên cánh đồng Khoan Tang, ấp có đến 99% số dân là đồng bào dân tộc Khmer của thị trấn Long Phú (huyện Long Phú) nông dân đã nhộn nhịp ra đồng, chuẩn bị xuống giống lúa vụ hè thu 2020. Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Long Phú, Trần Văn Lâm kể, thời điểm này của nhiều năm trước là mùa làm ăn của bọn cho vay nặng lãi. Vì lúc này, chuẩn bị vụ mùa mới cho nên ai cũng cần vốn. Nhưng từ nguồn vốn chính sách xã hội của Nhà nước, nhất là khi thực hiện Chỉ thị 40, các ấp thành lập các tổ vay vốn và tiết kiệm, hoạt động cho vay nặng lãi đã không còn đất sống.
Anh Thạch Sơn cùng vợ là chị Sơn Thị Hồng Phúc đang vận chuyển các bao lúa giống cấp xác nhận để gieo trồng trên 4,9 ha đất vụ mùa hè thu. Thấy khách đến thăm, vợ chồng anh Sơn dừng tay, đon đả đón khách. Chúng tôi ngồi uống nước, chuyện trò trong căn phòng khách mát rượi của ngôi nhà khang trang gần 80 m2 mà vợ chồng anh vừa mới xây hơn 200 triệu đồng. Chị Hồng Phúc khoe: “Vừa qua, gia đình tôi được đón Tết Chôl Chnăm Thmây trong ngôi nhà mới, rất vui! Có được nhà mới, thật lòng chúng tôi mang ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm!”. Lời bộc bạch đơn sơ nhưng ẩn chứa câu chuyện thoát nghèo của gia đình anh Sơn, chị Phúc. Khi lập gia đình, vợ chồng anh chỉ có 2 công đất trên mãi gò cao cằn cỗi, khó canh tác. Mặc dù cả hai vợ chồng lam lũ, một nắng hai sương quanh năm nhưng vẫn không có đồng ra, đồng vào. Rồi hai đứa con ra đời, cuộc sống càng thêm khó khăn, lúc nào cũng rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Sau nhiều đêm bàn bạc, suy tính, vợ chồng anh Sơn quyết định vay vốn chính sách để chăn nuôi, phát triển sản xuất theo mô hình tổng hợp. Chỉ vài năm, nhờ cố gắng chắt chiu, mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi bò và lợn thịt, đến nay gia đình anh đã thoát nghèo và được bình chọn là gia đình văn hóa và hộ thoát nghèo tiêu biểu năm 2020, được tín nhiệm bầu là Tổ trưởng Tổ vay vốn và tiết kiệm. Đồng chí Sơn Hoàng Sang, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Khoan Tang kể, anh Sơn là cựu chiến binh, đảng viên gương mẫu, trước đây gia cảnh khó khăn nhưng anh luôn quyết tâm vượt khó và nuôi dạy con rất tốt. Con trai đầu, noi gương cha đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và cô con gái út cũng hoàn thành khóa đào tạo cử nhân điều dưỡng. Đến nay các con đã có
việc làm ổn định, anh có thêm trại nuôi bò, lợn thịt thu nhập hằng năm hơn 150 triệu đồng.
Thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều mô hình, dự án ở Sóc Trăng đã phát huy hiệu quả cao như: nuôi heo, mua bán nhỏ, trồng rẫy ở huyện Thạnh Trị; nuôi bò sinh sản, trồng lúa ở huyện Long Phú; nuôi ba ba, bò lai Sind ở huyện Mỹ Tú; nuôi bò sữa ở huyện Trần Đề; nuôi gà thả vườn, đan đát ở Châu Thành; dự án bò sinh sản ở TP Sóc Trăng; trồng bưởi, cam sành, nuôi dê ở huyện Kế Sách; mô hình trồng môn, mía ở huyện Cù Lao Dung… Theo đánh giá, nguồn tín dụng chính sách do Ngân hàng CSXH thực hiện là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam, Nguyễn Văn Lý đánh giá, Sóc Trăng là một trong những tỉnh thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư rất hiệu quả, tạo được sự lan tỏa sâu rộng từ tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn đến các hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn và đến tận các hộ vay vốn. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chỉ thị đã góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng CSXH, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Nâng cao chất lượng tín dụng
Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH Việt Nam tại Sóc Trăng Trần Duy Đông cho biết, từ khi có Chỉ thị số 40, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển qua Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Sau thời gian thực hiện chỉ thị, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh đã góp phần thay đổi đáng kể đời sống nhân dân trong tỉnh. Cuối năm 2019, dư nợ ủy thác qua bốn hội, đoàn thể gồm Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên đạt hơn 3.555 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ, với 3.260 tổ tiết kiệm và vay vốn; 100% tổ đã có số dư tiền gửi hơn 150 tỷ đồng,… Từ đầu năm đến nay, chi nhánh đã cho vay tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác hơn 275 tỷ đồng với hơn 10 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, tổng dư nợ đến ngày 20-5 đạt gần 3.600 tỷ đồng, với gần 152.700 khách hàng còn dư nợ, tăng hơn 35 tỷ đồng so với đầu năm. Ngoài ra, giải ngân cho hơn 10 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần giúp hơn 4.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm mới cho hơn 500 lao động, cấp vốn gần 2.000 công trình nước sạch và hơn 1.400 công trình vệ sinh được xây dựng, trợ vốn xây 20 căn nhà cho hộ nghèo và hơn 1.400 lượt hộ ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh...
Nhằm giảm khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, Ngân hàng CSXH đã phối hợp các ngành tỉnh Sóc Trăng thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người dân, tập huấn nghiệp vụ cho người sử dụng lao động,... Do biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất của người dân, khiến việc thu hồi nợ của Ngân hàng CSXH cũng gặp khó khăn. Tổng dư nợ bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn hiện đã lên tới gần 17 nghìn tỷ đồng với 1.020 hộ. Trong đó chi nhánh đã xử lý bằng các biện pháp gia hạn nợ 376 triệu đồng (22 hộ), cho vay bổ sung 333 triệu đồng (22 hộ), cho vay mới hơn 10,3 tỷ đồng với 364 hộ.
Đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng khẳng định, Chỉ thị số 40 đã tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh. Từ đó, các cấp ủy đảng xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng CSXH là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong chương trình, kế hoạch của cơ quan, đơn vị. Nguồn vốn CSXH là tín dụng vi mô, nhằm cung cấp các khoản vay nhỏ đối với người nghèo, không chỉ giúp xóa đói nghèo mà còn góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Sóc Trăng đã cung ứng hơn 90% lượng vốn này cho người nghèo trên địa bàn tỉnh. Việc quản lý vốn qua các tổ vay vốn và tiết kiệm đã giúp các hộ nghèo dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng sử dụng đúng mục đích, hiệu quả đã giúp các hộ vay thoát nghèo, giảm từ 24,31% xuống còn 8,88%.
Để vốn tín dụng chính sách được phát huy trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 40, nhất là quan tâm cân đối nguồn vốn ngân sách chuyển sang Ngân hàng CSXH để thực hiện cho vay theo đối tượng chỉ định, dự án của địa phương. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động ủy thác; kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ và ban quản lý tiết kiệm và vay vốn để đưa hoạt động tín dụng chính sách ngày càng ổn định và bền vững, nhằm đạt vượt chỉ tiêu định hướng, giảm nợ quá hạn dưới 1%.