Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 16,377
Trong một "rừng" trung tâm dạy tiếng Anh, Pháp, gần đây lại xuất hiện thêm nhiều điểm dạy tiếng Hàn, Hoa, Nhật... ở trung tâm các khu vực thị xã, thành phố. Có được môi trường thuận lợi, nhưng liệu tuổi trẻ nơi đây có nắm vững chìa khóa để mở rộng cửa tương lai...
Nghe - nói: "Tử huyệt" chung
Bàn về học ngoại ngữ - thầy Kh., một giáo viên tiếng Anh, nhận định: Phần lớn học sinh, sinh viên của ta học khá giỏi ngữ pháp, từ vựng. Nhưng mỗi khi gặp người nước ngoài thì lại... "ngọng". Nguyên nhân chính, theo thầy, là thiếu điều kiện rèn luyện kỹ năng nghe - nói.
Th.M - một sinh viên đang du học tại Đại học Brussel (Bỉ), kể: "Lúc còn ở Việt Nam, tôi hoàn toàn tự tin vào khả năng đọc hiểu và viết thạo của mình, kể cả sự tinh tế trong cách dùng từ bởi tôi học ngữ pháp và từ vựng rất nhanh, nắm rất vững. Thế nhưng, sang đây vẫn... "ngọng nghịu" hoặc "cà lăm" khi giao tiếp...".
Anh bạn tôi từng là "tấm gương" học ngoại ngữ cho cả lớp một thời khi còn học ở Trường ĐH Cần Thơ (ĐHCT), nhưng khi bước vào môi trường làm việc toàn người nước ngoài, anh thừa nhận: "Nhiều lúc, mình chỉ dám nói với họ bằng văn bản cho "chắc ăn". Bởi ngữ pháp, từ vựng,... rất ngon, nhưng khả năng diễn đạt cho lưu loát thì...".
Anh Khoa - đang làm luận án tiến sĩ tại Đức - cũng thố lộ: "Mấy tháng đầu mới sang, mình chỉ dám nói chuyện và học bằng... giấy, mặc dù lúc ở Việt mình đã học tiếng Đức rất kỹ".
Còn cháu của một đồng nghiệp ở cơ quan tôi, dù rất giỏi tiếng Anh ở quê nhà, nhưng khi sang Singapore du học, mấy tháng đầu hầu như bỏ "trắng" tất cả các môn bởi điểm chính là không hiểu thầy đang nói gì...
Rước "Tây" về dạy tiếng "Tây"
Mới vài tháng, gặp lại L.B.Đ - cựu học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm, tôi thực sự bất ngờ vì khả năng tiếng Anh thay đổi một cách "đột biến". Hỏi ra mới biết, Đ. lên TPHCM để theo học tiếng Anh tại Trường ĐH RMIT.
Theo Đ., để được xem là "đủ tiêu chuẩn" tiếng Anh cho đầu vào, học viên phải học đến hết lớp 5, hoặc ít nhất phải có chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên. Đ. cho biết: Thời gian đầu khó khăn lắm mới có thể bắt nhịp được. Bởi lẽ, tất cả giáo viên ở đây đều là người nước ngoài và môi trường ở đây bắt buộc học viên phải dùng tiếng Anh khi giao tiếp. Tuy nhiên, khi đã "vô nhịp" thì chuyện "tám" bằng tiếng Tây cũng trở nên bình thường.
Đ. kết luận: "Cái chính là phải vượt qua được tâm lý ngại miệng, sợ nói sai. Bên cạnh đó, tích cực bổ sung vốn từ vựng là có thể tự tin được khi giao tiếp". Nói vậy, nhưng từ vựng thì có thể tự học, còn cái "tâm lý"? Theo nhiều giảng viên dạy ngoại ngữ, điều này phụ thuộc rất nhiều vào môi trường và phương pháp dạy-học. Và đây cũng là một "lợi thế so sánh" khi học với giáo viên bản xứ.
Để khắc phục điểm này, một số trung tâm ngoại ngữ cũng đưa việc mời giáo viên bản ngữ tham gia giảng dạy như một "chiêu" kinh doanh. Tuy nhiên, theo một giảng viên ở Truờng ngoại ngữ Việt Mỹ (TP Cần Thơ), cho biết: Chi phí thuê người nước ngoài rất cao, do vậy, chỉ tổ chức một số buổi trong khóa nhằm cải thiện kỹ năng cho học viên. Học phí của những lớp chỉ toàn giáo viên nước ngoài giảng dạy sẽ vượt ngoài tầm của đa số người dân vùng này.
Còn ở Trung tâm ngoại ngữ ĐHCT, nơi được xem là trung tâm đào tạo ngoại ngữ uy tín nhất hiện nay, ngoài dựa vào lực lượng giảng viên tại chỗ, vẫn có những buổi ngoại khóa hoặc một số giờ lên lớp với giáo viên nước ngoài. Tuy nhiên, phần lớn là thông qua các chương trình hợp tác giữa ĐHCT với các trường ĐH quốc tế hoặc các tổ chức tình nguyện. Bởi lẽ, đối tượng phục vụ chính của trung tâm là giáo viên, sinh viên, học sinh,việc thuê giảng viên nước ngoài như các đơn vị kinh doanh là rất khó, đặc biệt là vấn đề học phí.
Đừng học kiểu "phong trào"
Đó là lời khuyên chung khi tiếp xúc với nhiều giáo viên ngoại ngữ và cả những học viên. Việc được học ngoại ngữ với giáo viên bản xứ là một lợi thế rất lớn. Tuy nhiên, học viên cũng không nên quá tin vào cái "mác". Hơn nữa, kỷ luật và phương pháp học tập của học viên cũng đóng một vai trò không nhỏ trong việc quyết định sự thành công.
Nếu như L.B.Đ tạm cho là thành công bước đầu thì một người bạn khác của em, cũng học cùng lớp tại RMIT, dù rất tích cực nhưng cũng "èo uột" suốt mấy tháng nay, mà mỗi lần thi lại đồng nghĩa với một khoảng đô-la không nhỏ lại đội nón ra đi...
Cách đây không lâu, tại Cần Thơ (và các thành phố lớn khác) từng nổi đình nổi đám với hàng loạt "chiêu" tiếp thị của Trung tâm anh ngữ quốc tế SITC. Để rồi không bao lâu sau, sự việc vở lỡ, đưa hàng ngàn học viên vào cảnh dở khóc dở cười.
Một giáo viên nhiều năm nhận xét: Xu hướng thương mại hoá đã làm một số trung tâm không quan tâm đến chất lượng mà chú trọng quảng cáo tiếp thị, với những chiêu quảng cáo rất kêu. Thậm chí, có trung tâm quảng cáo "độc quyền phương pháp phản xạ", nhưng theo những giảng viên ngoại ngữ thì phương pháp này đã có từ những năm 50 của thế kỷ trước!? Có nơi thuê cả "Tây ba lô" hay khách vãng lai để có cái mác "bản ngữ" mà có phải, hễ cứ "Tây" là có thể đứng lớp được đâu!
Trong khi đó, tại Trung tâm ngoại ngữ ĐHCT, việc tìm được 1 "vé" vào học tại đây trở nên khá vất vả. Đợt tuyển sinh vừa qua, hàng trăm bạn trẻ phải đứng ngồi, chen lấn suốt ngày chỉ để giành quyền dự thi xếp lớp.
Gần đây, phong trào học ngoại ngữ không chỉ dừng lại ở các môn phổ biến như Anh, Pháp mà cả tiếng Hoa, Nhật, Hàn,... cũng đang được ưa chuộng. M.Q, đang học lớp 5 tiếng Hoa, khẳng định: "Tôi chỉ học cái mình cần sử dụng, quyết không chạy theo phong trào". Cũng phải thôi, mục tiêu cuối cùng của việc học 1 loại ngôn ngữ là để sử dụng nó vào cuộc sống chứ nào phải chỉ vì mảnh bằng cho hợp "mốt". Tất cả còn tùy vào sự tỉnh táo của bạn!
Nguồn: (Theo Lao động)
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này