Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 10,085
Theo một thống kê của bệnh viện Tâm thần trung ương, năm 2004, 30% bệnh nhân đến khám là học sinh, sinh viên. Áp lực học hành quá lớn đã làm các em bị căng thẳng, gây bệnh tâm thần.
7 giờ 30 phút sáng, phòng khám bệnh Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện C tiếp nhận một bệnh nhân 13 tuổi, tên là Phan Đức D, học sinh lớp 8 của một trường chuyên tại TP Hồ Chí Minh. Theo lời mẹ D kể với bác sĩ, thì: “Tối qua cháu vẫn học bài rồi đi ngủ bình thường. Nhưng sáng nay, lúc gọi cháu dậy để chuẩn bị đến trường, thì đột nhiên cháu nói năng lảm nhảm, không còn nhận ra cha mẹ, anh chị em mình nữa...”.
Mất hơn một tiếng, sau khi tiến hành kiểm tra tim, phổi, làm địện não đồ, bác sĩ Dương, người trực tiếp khám cho D nhận thấy sóng não của em có những dấu hiệu bất thường, biểu hiện của hội chứng rối loạn tâm thần. Hỏi về sinh hoạt hàng ngày của D, mẹ D cho biết: "Cháu học bán trú từ 7 giờ 30 đến 16 giờ 30. Về tới nhà, ăn cơm xong cháu đi học thêm tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ từ 19 giờ đến 20 giờ 30. Sau đó, cháu ôn bài, làm bài đến khoảng 11 giờ khuya rồi đi ngủ”. Bác sĩ Dương hỏi tiếp: "Chủ nhật cháu có được nghỉ không?". Mẹ D ngập ngừng: "Dạ, chủ nhật buổi sáng có thầy đến nhà kèm thêm môn toán, buổi chiều kèm thêm môn hóa, lý”. Đột nhiên, ngay lúc đó, D bỗng hét lớn: "Có một vòi nước chảy vào hồ với tốc độ 10 lít một giờ. Dưới đáy hồ lại có một vòi nước chảy ra với tốc độ 5 lít...”. Mẹ D lo lắng: "Đấy, bác sĩ ạ. Từ sáng đến giờ cháu chỉ nói toàn những câu như thế này thôi".
D có một khuôn mặt có thể nói là thông minh, sáng sủa nhưng đôi mắt lại vô hồn. Suốt cả tiếng đồng hồ, D ngồi im, không nhúc nhích, chỉ thỉnh thoảng lảm nhảm những công thức toán học, lúc thì thầm nho nhỏ, lúc hét to.
Trong Khoa tâm thần học, người ta gọi đây là "hội chứng loạn nhớ”, thể "nhớ giả", nghĩa là đối với những sự việc có thật trong cuộc sống của người bệnh, xảy ra vào một thời gian, không gian nào đó, thì người bệnh lại nhớ vào một thời gian, không gian khác. Bác sĩ Dương giải thích: "Nguyên nhân của chứng loạn nhớ là do sức ép quá lớn của việc học hành, nhất là những môn học người bệnh chậm tiếp thu, nhưng bị ép phải tiếp thu như mọi học sinh khác. Bệnh này hoàn toàn có thể chữa lành nhưng nếu không thay đổi phương pháp học tập, cũng như không dành thời gian cho nghỉ ngơi, giải trí, thì bệnh sẽ tái phát. Mỗi lần tái phát, bệnh càng nặng hơn và đến một lúc nào đó, sẽ không hồi phục được".
Tuy nhiên, bác sĩ Dương nói: “Mặc dù đã chữa lành, đã thay đổi cách sinh hoạt, nhưng hội chứng rối loạn tâm thần khẩn cấp vẫn còn nằm đâu đó trong tiềm thức người bệnh. Sau này, ra đời, khi đi làm và gặp phải những áp lực căng thẳng của công việc, hoặc sinh kế và thậm chí ngay cả chuyện tình cảm gia đình, thì nó có khả năng tái phát”.
Chuyện áp lực trong học hành với học sinh, sinh viên không phải là chuyện mới, và báo chí đã rất nhiều lần báo động về sức ép đang ngày đêm đè nặng lên vai các cô, các cậu, ngay cả các cô cậu bậc tiểu học. Một học sinh lớp 3, ngoài các môn căn bản, còn phải học tiếng Anh, hoặc tiếng Pháp, và 70% phụ huynh đều cho con mình học thêm ở nhà, hoặc tại nhà riêng của thầy, cô giáo. Cũng tại phòng khám bệnh Khoa Nội thần kinh của Bệnh viện C sáng hôm ấy, tôi còn chứng kiến một nữ sinh học lớp 12, bị hai ông anh kèm chặt hai tay, ấn ngồi xuống ghế. Nhưng khi vừa buông ra, cô nữ sinh đã bất ngờ nhảy lên, tát tới tấp vào mặt một nam y tá khi người anh trai của cô đang đọc họ, tên, ngày tháng năm sinh của cô cho anh y tá ghi vào bệnh án. Vừa tát cô vừa tuôn ra một tràng tiếng Anh là... bài học về động từ bất quy tắc! Anh trai cô kể: "Nó mới phát đến mấy ngày nay thôi, hễ thấy trong nhà nói chuyện với người hàng xóm nào, nó cũng đánh. Gia đình tui từ trước đến giờ đâu ai bị bệnh này”. Hỏi ra mới biết, nhà cô có ba anh em, cô là con út. Hai anh cô đều thi đậu đại học nên yêu cầu của gia đình là cô cũng phải... đậu đại học. Thế là, cô học ngày học đêm, không đêm nào cô đi ngủ trước 1 giờ sáng. Học ở trường sợ chưa đủ, ba má cô mời thầy về nhà dạy kèm và chẳng ngày nào mà cô lại không nghe câu nói, khi thì của ba cô lúc thì má cô: "Nuôi mày ăn học như vậy, mà mày không đậu thì đừng trách tao". Chính những lời “hăm dọa" ấy là áp lực đã đẩy cô nữ sinh rơi vào tình trạng tâm thần, thể "hoang tưởng liên hệ". Trong suy nghĩ của cô, khi thấy anh trai cô nói chuyện với y tá, cô cho rằng họ đang nói về mình, nói về việc thi đại học của mình!.
Theo một thống kê của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, trong năm 2004 và 2005, số người đến khám ở đây vì các triệu chứng "không bình thường" là gần 8.000 người, trong đó 30% là học sinh, sinh viên. Cũng bác sĩ Dương cho biết thêm: "Tại Khoa Nội thần kinh của chúng tôi, thời điểm bệnh nhân được người nhà đưa đến khám nhiều nhất là trước và sau mỗi kỳ thi đại học. Trước ngày thi, bệnh nhân rối loạn tâm thần khẩn cấp vì bài vở quá nhiều, vì tâm lý sợ không đậu, vì sức ép của gia đình. Còn sau ngày thi thì mặc cảm với bạn bè vì thi rớt, vì sự khinh rẻ của cha mẹ, vì bi quan, tuyệt vọng khi cho rằng cánh cửa tương lai đã khép kín".
Cho đến nay, đã có nhiều biện pháp "giảm tải" cho học sinh được các ngành chức năng đưa ra bàn luận và áp dụng. Nhưng đối với từng gia đình, thì việc "giảm tải" cho con em mình trong học tập là việc mà nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa thực sự quan tâm. Hầu hết đều thúc ép con em mình "ráng học” để khỏi thua sút người khác. Xin nhớ rằng, bệnh tâm thần là bệnh do hoạt động của não bộ bị rối loạn gây nên, tạo thành những biến đổi bất thường trong ý nghĩ, cảm xúc, hành vi và tác phong của người bệnh. Mà một trong những nguyên nhân gây ra rối loạn hoạt động của não bộ, chính là áp lực học hành nhưng lại không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí thích hợp.
Nguồn: (Theo ANTG)
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này