Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,733
Chiều 11-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Tại hội thảo, nhiều đại biểu thống nhất với phương án dự thảo luật không giao trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) thực hiện đưa NLĐ đi nước ngoài làm việc. Bên cạnh đó, cần tính toán kỹ các phương án bảo vệ quyền lợi NLĐ.
Tạo môi trường cạnh tranh minh bạch
Từ kinh nghiệm thực tiễn, luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng Chính phủ không nên giao đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn ở UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. "Ở Nhật Bản, cơ quan hành chính sự nghiệp chỉ chịu trách nhiệm quản lý tổ chức tư nhân hoạt động trong lĩnh vực này" - luật sư Hà Hải dẫn chứng.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM, cho rằng xuất khẩu lao động (XKLĐ) cũng là lĩnh vực kinh doanh có tính cạnh tranh. Vì vậy, DN luôn mong muốn thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường một cách công bằng, sòng phẳng. DN chắc chắn yếu thế hơn TTDVVL nếu cả hai cùng hoạt động trong một lĩnh vực. Bởi lẽ, cơ quan quản lý địa phương hoàn toàn có thể ưu ái "người nhà". "Không ít đơn vị tư nhân tham gia lĩnh vực XKLĐ hoạt động với quy mô lớn, chuyên nghiệp, uy tín. Nếu thực sự coi XKLĐ là thị trường kinh doanh thì nhà nước cần tạo lập môi trường cạnh tranh minh bạch" - ông Nghĩa góp ý.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo luật cân nhắc việc giao TTDVVL tham gia lĩnh vực XKLĐ. Theo đó, TTDVVL chỉ cần tập trung làm tốt 7 chức năng, nhiệm vụ được giao tại Luật Việc làm.
Bồi dưỡng kiến thức cho lao động Việt Nam trước khi ra nước ngoài làm việc.
Ảnh: GIANG NAM
Mạnh tay với doanh nghiệp sai phạm
Quyền và lợi ích NLĐ quy định trong dự thảo luật cũng là vấn đề được nhiều đại biểu lưu tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có chỉnh lý dự thảo luật theo hướng NLĐ có quyền khiếu nại đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện ra tòa án nếu DN không trả tiền ký quỹ như thỏa thuận ban đầu.
Liên quan đến quy định về mức trần ký quỹ trong XKLĐ, bà Bùi Thị Ninh, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết rất nhiều NLĐ phải vay nợ mới đủ tiền ký quỹ. Ở thị trường Hàn Quốc hay Nhật Bản, DN tiếp nhận lao động thường trả lương cho lao động Việt Nam thấp hơn mức lương bình quân ở thị trường lao động quốc gia đó. Điều này dẫn đến tình trạng không ít lao động người Việt Nam phải đi làm "chui" để kiếm tiền trả nợ. Do đó, cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ lưỡng khi áp dụng mức trần ký quỹ đối với NLĐ.
Luật gia Phan Thị Việt Thu (Hội Luật gia TP HCM) nhận định dự thảo luật cũng như luật hiện hành nêu rõ DN có quyền thỏa thuận với NLĐ về số tiền ký quỹ. Song, việc thỏa thuận trên thực tế tạo ra nhiều bất lợi hướng về phía NLĐ. Bởi DN thường "nắm đằng chuôi" khi đưa ra quy định mức tiền ký quỹ và nếu muốn đi nước ngoài làm việc, NLĐ không còn sự lựa chọn nào khác là chấp nhận yêu cầu của DN. "Nếu pháp luật đã có quy định mức trần tiền dịch vụ mà NLĐ phải nộp cho DN thì cũng nên nêu chi tiết, cụ thể mức trần tiền ký quỹ, sao cho phù hợp với từng thị trường, từng ngành nghề trong từng thời kỳ" - luật gia Phan Thị Việt Thu góp ý.
Theo luật sư Hà Hải, quy định về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong dự thảo luật còn quá sơ sài, khó bảo đảm nghĩa vụ, quyền lợi các bên. Dù nghiêm cấm nhiều hành vi nhưng dự thảo luật không hề đề cập biện pháp chế tài đối với cá nhân, tổ chức có sai phạm. Bên cạnh đó, dự thảo luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm cơ quan lãnh sự trong giải quyết tình huống, sự việc liên quan đến công dân Việt Nam làm việc tại nước sở tại. Rất nhiều trường hợp cơ quan lãnh sự ở nơi NLĐ gặp sự cố chậm trễ, thậm chí bất lực trong việc giải cứu, hỗ trợ NLĐ.
Đại diện TAND TP HCM cũng bày tỏ lo lắng trước tình trạng NLĐ Việt Nam ở nước ngoài chịu cảnh cưỡng bức lao động. Dù vậy, dự thảo luật chưa nhắc đến trách nhiệm DN đã đưa NLĐ đi XKLĐ trong những trường hợp như vậy.
Không nên duy trì Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước
Dự thảo luật tiếp tục duy trì Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước nhưng với tính chất quỹ do NLĐ và DN đóng góp, không sử dụng ngân sách nhà nước. Quỹ tập trung hỗ trợ, giải quyết những vấn đề rủi ro của NLĐ cũng như DN. Dự thảo luật cũng nêu rõ những nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận, hỗ trợ kịp thời NLĐ, DN, nhất là khi NLĐ gặp rủi ro ở nước ngoài.
Tuy nhiên, một số chuyên gia không tán thành phương án trên với lý do tất cả cơ quan lãnh sự đều có quỹ hỗ trợ công dân Việt Nam. Cơ quan lãnh sự hoàn toàn đủ điều kiện và khả năng tài chính giúp đỡ NLĐ làm việc ở nước sở tại. Việc thành lập thêm một quỹ với mục tiêu tương tự là không cần thiết, có thể gây phát sinh rắc rối trong quá trình điều hành, sử dụng...
Nguồn: Theo Báo Người Lao Động
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này