Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trong thời gian tới, để BHXH thực sự trở thành trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.
Ngành BHXH nỗ lực, quyết tâm phục vụ chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, hiện bao phủ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng được mở rộng. Tính đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH đạt gần 16 triệu người (chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động); số người tham gia BHYT đạt gần 86 triệu người (chiếm 90% dân số). Với tỷ lệ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020.
Số lượng người thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT không ngừng tăng, bình quân mỗi năm có hàng chục triệu lượt người hưởng chế độ BHXH, hàng trăm triệu lượt người hưởng chế độ BHYT. Theo đó, Quỹ BHXH, BHYT đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất; tỷ lệ chi từ nguồn Quỹ BHXH ngày càng tăng; tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho BHXH ngày càng giảm, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng trong việc khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh xã hội…
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT; các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW và nhiệm vụ công tác năm 2020 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chăm lo đời sống sức khỏe, sự thịnh vượng ấm no của người dân là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, mục tiêu xuyên suốt phải có hệ thống an sinh xã hội hướng tới toàn dân, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, tạo ra một mạng lưới an toàn, gồm nhiều tầng, nhiều lớp,
bảo vệ cho tất cả thành viên, cộng đồng xã hội.
“Để đạt được mục tiêu đó, thì độ bao phủ của BHXH phải rộng khắp hơn. Tất cả người lao động và người phụ thuộc phải có lưới an sinh. Hiện mới có 1/3 số người lao động tham gia BHXH thì cái đích còn xa. Do vậy, những nỗ lực cần phải cao hơn để đạt được chỉ tiêu phấn đấu theo Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương với tỷ lệ bao phủ 35% vào cuối năm 2021 và tỷ lệ bao phủ 45% vào năm 2025”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Để thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho ngành, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: BHXH Việt Nam đã đặt ra 9 giải pháp trọng tâm và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Cụ thể: Một là, tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW; Nghị quyết số 28-NQ/TW; Nghị quyết số 125/NQ-CP (theo các lộ trình đến năm 2020, 2021, 2025, 2030).
Hai là, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ở Trung ương; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; phát triển ngành BHXH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội.
Ba là, tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; tiếp tục đổi mới cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Bốn là, đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, trong đó tập trung vào các nhóm đối tượng là người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Năm là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; đặc biệt là công tác thanh tra chuyên ngành; kịp thời phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm chế độ, chính sách về BHXH, BHYT; các hành vi gian lận, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT.
Sáu là, tiếp tục tăng cường các biện pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết chế độ, chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ; thực hiện công khai các thủ tục hành chính với người dân, cơ quan, đơn vị; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia.
Bảy là, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; thường xuyên nâng cấp các phần mềm, cơ sở dữ liệu tập trung; thực hiện liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Tám là, tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ; hoàn thiện và triển khai Đề án "Nghiên cứu, xây dựng bảng lương theo vị trí
việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo đối với công chức, viên chức ngành BHXH gắn với kết quả hoạt động trên nguyên tắc tự chủ về tài chính, độc lập với ngân sách Nhà nước”.
Chín là, thường xuyên chú trọng nâng cao năng lực, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, thái độ, ý thức phục vụ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là những người trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc với tổ chức, doanh nghiệp, người lao động và nhân dân; đoàn kết xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân.
B.Duy