Kết quả nghiên cứu về “phong cách học của SV” do PGS-TS Nguyễn Công Khanh - ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện, đã phản ánh một thực tế: hơn 50% SV cảm thấy việc học là nhàm chán và khô khan. Vậy đâu là nguyên nhân?
Người dạy máy móc
Một “SV khát học” đã viết trong bức tâm thư gửi thầy cô của mình ở giảng đường ĐH thế này: "Điều khiến em lo sợ hơn cả là em sẽ biến thành một cái máy chỉ biết học thuộc lòng những chân lý đã được định sẵn, những kiến thức lạc hậu từ những cuốn giáo trình ra đời cách đây 40 năm, để đạt được một tấm bằng đại học khá giỏi... Và rồi, sự ổn định, nhàm chán, kiểu sống cam chịu và vâng lời mà em đã hấp thu suốt những năm tháng SV sẽ dần dần bào mòn và giết chết cái tôi, giết chết những ước mơ, những khát vọng...".
Có gần 80% SV mong muốn các môn học có nhiều giờ tự chọn (có hướng dẫn và giải đáp thắc mắc nhiều hơn so với hiện nay). |
PGS-TS Nguyễn Công Khanh - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển giáo dục - Trung tâm đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu phát triển giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã “lượng hóa” được tâm tư, nguyện vọng của “SV khát học” nói trên trong kết quả nghiên cứu phong cách học của SV hiện nay.
Theo đó, có tới 88,8% SV được hỏi muốn các bài giảng của giảng viên gồm cả những tri thức mới không có trong giáo trình; 73,3% SV thích được giảng viên giao làm những bài tiểu luận để giúp họ phát triển khả năng suy nghĩ độc lập, tư duy phê phán, hơn 80% SV thích giảng viên hỏi, khuyến khích SV đặt câu hỏi, hướng dẫn SV đào sâu suy nghĩ để hiểu bản chất hơn là thuyết trình suốt cả tiết học.
PGS-TS Nguyễn Công Khanh cho rằng: kết quả này cho thấy hầu hết SV đều mong muốn giảng viên áp dụng các phương pháp dạy và học tích cực, đa dạng hóa cách dạy, yêu cầu học theo kiểu nghiên cứu để tích cực hóa người học. Tuy nhiên, “giảng viên của các ngành học này chưa đáp ứng được những mong muốn của SV” - ông khẳng định. Chỉ có 45,6% SV được hỏi cho rằng mình thực sự hứng thú học tập. “Đây là điều đáng phải suy nghĩ. Phải chăng cách dạy, cách đánh giá hiện nay đang làm giảm đi đáng kể hứng thú học tập của SV?” - ông Khanh nêu vấn đề.
Người học cũng thụ động Tuy nhiên, không thể đổ lỗi tất tật cho người dạy. Kết quả nghiên cứu của PGS-TS Nguyễn Công Khanh cũng cho thấy: có một bộ phận đáng kể SV không thích các phương pháp tích cực hóa người học. Cụ thể, 22,9% SV chỉ thích giảng viên giảng cho mình nghe hơn là chủ động hỏi, nêu thắc mắc; 27,4% SV ngại hỏi giảng viên và thích nghe giảng hơn là thảo luận nhóm...
Ông Khanh cho rằng: điều này dự báo những đổi mới về phương pháp dạy và học theo hướng tích cực hóa người học có thể sẽ gặp phải những khó khăn đáng kể do nếp nghĩ và các thói quen học thụ động đã định hình ở một bộ phận lớn SV hiện nay. Ông Khanh kết luận: SV của chúng ta hiện nay yếu nhất ở các nhóm kỹ năng: thuyết trình, làm việc theo dự án, sử dụng máy vi tính, báo cáo tham luận, vận dụng vào thực tế. SV cũng yếu nhất ở các nhóm năng lực: tư duy sáng tạo, sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ học tập, năng lực ngoại ngữ...
Tại sao số SV thụ động lại cao như vậy? Tại sao số SV thực sự hứng thú học lại khiêm tốn như vậy? Làm thế nào để SV có phong cách học tập tích cực? Đây vẫn là những câu hỏi cần được tiếp tục nghiên cứu - ông Khanh nhấn mạnh.