Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,087
Số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu giảm nhưng cách tính tỉ lệ hưởng hưu tại Luật BHXH sửa đổi cơ bản được kế thừa quy định hiện hành
Luật BHXH sửa đổi đã được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 6-2024, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2025, trong đó có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung. Vì là quy định mới nên có nhiều điểm khiến người lao động (NLĐ ) thắc mắc.
Tại buổi giao lưu trực tuyến về Luật BHXH sửa đổi do BHXH Việt Nam tổ chức mới đây, NLĐ thắc mắc: Một trong những sửa đổi quan trọng, liên quan mật thiết đến quyền lợi lâu dài của NLĐ là điều chỉnh giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm.
Quy định này đồng nghĩa với việc đóng BHXH đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu. Điều này có áp dụng với những người đang đóng BHXH không, hay chỉ áp dụng cho những trường hợp bắt đầu tham gia từ ngày 1-7-2025?
Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu sẽ giúp nhiều người lao động được tiếp cận chế độ hưu trí
Giải đáp vấn đề này, BHXH Việt Nam cho biết quy định trên được áp dụng với cả NLĐ đã tham gia BHXH trước ngày Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực. Việc giải quyết các chế độ BHXH được xác định theo quy định tại thời điểm hưởng, trừ trường hợp luật có quy định khác. Riêng trường hợp NLĐ nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động, thì thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu vẫn phải đáp ứng từ đủ 20 năm trở lên.
Với câu hỏi, hiện NLĐ đã đến tuổi nghỉ hưu và đóng BHXH đủ 15 năm thì nên chọn giải pháp nào có lợi, nghỉ chờ Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực để hưởng hưu hay tham gia tiếp BHXH? Ở tình huống này, BHXH Việt Nam trả lời nếu đã nghỉ việc và muốn hưởng lương hưu tại thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu, NLĐ có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho thời gian còn thiếu. Sau khi đóng xong, NLĐ sẽ được hưởng lương hưu tại tháng liền kề tháng đóng đủ.
Trường hợp NLĐ có nguyện vọng hưởng lương hưu theo quy định tại Luật BHXH sửa đổi thì chờ để hưởng lương hưu ngay từ thời điểm luật mới có hiệu lực thi hành. Trong thời gian chờ, nếu đủ điều kiện, NLĐ có thể làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu NLĐ còn đi làm thì có thể tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc để tăng tỉ lệ hưởng vì thời gian đóng BHXH càng dài tỉ lệ hưởng hưu sẽ càng cao.
Liên quan đến tỉ lệ hưởng hưu khi giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết tại Luật BHXH sửa đổi cơ bản được kế thừa quy định của Luật BHXH hiện hành. Nhưng có bổ sung thêm quy định về cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm để đồng bộ với việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu.
Cụ thể, lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, tương ứng 15 năm đóng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Theo quy định hiện hành và Luật BHXH sửa đổi, để được hưởng tỉ lệ hưu tối đa (75%) lao động nam phải có 35 năm đóng BHXH và lao động nữ có 30 năm đóng. Thực tế, NLĐ rất khó duy trì thời gian đóng BHXH lâu dài để được hưởng tỉ lệ hưu tối đa, nhất là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Do vậy, nhiều NLĐ đủ điều kiện để hưởng lương hưu nhưng chưa đạt tỉ lệ hưởng tối đa có nguyện vọng cải thiện mức hưởng.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết theo quy định, trường hợp đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu mà thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 6 tháng (so với thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu) thì NLĐ được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu.
Cả Luật BHXH hiện hành và Luật BHXH sửa đổi không có quy định đối với trường hợp NLĐ đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên (hay 15 năm trở lên - Luật BHXH sửa đổi) thì được đóng BHXH bắt buộc một lần cho đủ 30 năm đối với nữ, 35 năm đối với nam để hưởng tỉ lệ hưu tối đa.
Tuy nhiên, quy định về việc đóng BHXH cho thời gian còn thiếu để đủ điều kiện hưởng hưu tại Luật BHXH sửa đổi được hướng dẫn chi tiết hơn. Cụ thể, tại khoản 7 Điều 33 Luật BHXH sửa đổi quy định trường hợp có thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tuất hằng tháng thì NLĐ hoặc thân nhân được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu.
Trường hợp NLĐ chấm dứt đóng BHXH bắt buộc mà thời gian đóng BHXH còn thiếu trên 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì có quyền đóng tiếp BHXH tự nguyện. "Luật BHXH không có quy định bắt buộc NLĐ đủ điều kiện thì phải hưởng lương hưu và không được tiếp tục tham gia BHXH. Do đó, để được hưởng tỉ lệ hưu tối đa (75%) khi đã đủ tuổi nghỉ hưu, NLĐ có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện hoặc đóng BHXH bắt buộc (nếu còn đi làm và giao kết hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên)" - ông Phúc nói.
Nguồn: Người lao động