|
Nhảy việc không chỉ là tìm kiếm sự "thăng tiến", nhiều khi muốn yên thân cũng... khó!
|
Nghỉ việc ở cơ quan này, tìm cơ hội mới cho mình ở một cơ quan khác không phải lúc nào cũng vì sự "thăng tiến". SV mới ra trường hiếm khi tìm được một nơi làm việc ưng ý, họ luôn phải… xê dịch
Thiếu hiểu biết luật lao động, bị "bắt chẹt" hợp đồng
Vừa tốt nghiệp ĐH, khoa Báo chí, Q. xin được vào làm tại một công ty truyền thông danh tiếng ở TP.HCM. Gia đình và bạn bè ai cũng mừng vì cô được làm ở môt cơ quan lớn.
Sau 3 tháng làm việc cật lực mà cô chỉ được hưởng lương 2 tháng thử việc. Bản hợp đồng lao động vẫn chỉ nằm trong lời hứa của ban giám đốc nên... cô rút êm.
Trong khi đó, một nhóm bạn của Q thì đầu quân vào một tờ báo mới lập chi nhánh thường trú ở phía Nam. Sau 3 tháng không lương, làm đạt yêu cầu mà hợp đồng lao động (như đã hứa) vẫn là thứ xa vời. Họ đồng loạt rút lui.
Trường hợp trên minh chứng hiện tượng nhà
tuyển dụng nắm bắt nhu cầu cần việc (cộng với thiếu hiểu biết luật lao động) của những nhân lực trẻ mới ra trường để bắt chẹt lương bổng và hợp đồng lao động.
Lãnh đạo yêu cầu thử việc một tháng không lương, sau đó sẽ kí hợp đồng. Trong khi luật lao động quy định lương thử việc phải bằng 80% lương chính thức.
Mất việc ở chỗ này cũng đồng nghĩa với việc phải bôn ba tìm việc ở một nơi khác. Họ tìm việc để có việc làm, có thu nhập và để gia đình yên tâm chứ nhiều khi họ cũng chưa hoàn toàn tin tưởng vào nơi làm việc mới.
Không phát triển được chuyên môn
Không có điều kiện thuận lợi để phát triển chuyên môn ngay từ ngày đầu cũng là một trong những nguyên nhân khiến người trí thức trẻ đi làm trái nghề.
H- một SV tốt nghiệp ngành cơ khí của trường ĐH Công nghiệp. Ban đầu anh xin vào làm tại một xưởng chế tạo máy ở quận Tân Bình.
Lương thử việc chưa đầy 2 triệu mà anh em đồng nghiệp thường lôi kéo H đánh bài vào giờ nghỉ. Ai thua phải bao cả bọn nhậu nhẹt hoặc cà phê tối. Có ngày một người bị thua tới vài chầu như thế.
Không thể sống tách biệt với tập thể và cũng không thể thích ứng với "luật lệ" của... anh em. Sau gần 2 tháng, H xin nghỉ việc đi làm gia sư. Tuy làm trái nghề nhưng thu nhập của H được cải thiện nhiều.
H ngày càng nhận ra mình có khiếu Sư phạm nên anh dành thời gian tu bổ thêm kiến thức Anh ngữ. Giờ đây anh hoàn toàn hài lòng về thu nhập và công việc của một người dạy kèm Anh ngữ cho mọi đối tượng.
Ma cũ, ma mới và cạnh tranh không lành mạnh Một nguyên nhân lớn của việc nhảy việc là do tâm lý "ma cũ ăn hiếp ma mới" của rất nhiều đơn vị. Nhiều người trẻ bắt đầu đi làm gặp phải vấn đề này. Tâm lý "bây giờ ráng làm nàng dâu thì sau này được làm mẹ chồng" khiến chuyện ma cũ, ma mới không có hồi kết.
Có nhiều người nhân danh việc hướng dẫn công việc mà bắt buộc nhân viên mới làm quá nhiều việc đến nỗi họ cảm thấy bị bóc lột. Trường hợp của N. - một SV mới tốt nghiệp ngành Du lịch là một điển hình.
Ban đầu N. xin vào làm Bartender trong một nhà hàng lớn ở quận I. N. lanh lợi và ăn nói rất có duyên làm cho những nhân viên cũ cảm thấy vị thế của mình bị đe dọa. Họ quay sang trù dập, chèn ép N. bằng cách trút mọi việc lên vai N.
Đã vậy, đi trễ chừng 5 phút N. cũng bị những lời nhắc nhở và thái độ không thiện cảm của đồng nghiệp khiến anh không thể chịu đựng nổi. Và việc anh ra đi là tất yếu.
Áp lực cạnh tranh ở môi trường làm việc đôi khi cũng khiến nhiều người bất mãn. P. - kĩ thuật viên dựng phim của một kênh truyền hình dành cho tuổi teen đã từng từ chối lời mời gọi béo bở từ một công ty truyền thông danh tiếng.
Lý do vì sau mấy ngày làm thử việc anh nhận ra ở công ty này nhân viên cạnh tranh kèn cựa nhau một cách không lành mạnh. Mặc dù mức lương ở công ty này gấp đôi ở kênh truyền hình anh đang làm nhưng anh thích một môi trường làm việc thoải mái, thân thiện hơn .