Việc đào tạo này hiện đang rơi vào tình trạng "đèn nhà ai nấy rạng", không hề liên thông với nhau trong chương trình đào tạo.
Chính hệ thống đào tạo rời rạc và không liên thông này đã khiến không chỉ người học gặp khó khăn, mà ngay các trường cũng khó tuyển sinh.
Bài 1: Trường nghề thiếu học sinh vì không liên thông
Nhu cầu vừa được trang bị một tay nghề tốt, vừa có cơ hội học lên đang là xu hướng của một bộ phận không nhỏ trong thanh niên, học sinh hiện nay... Trong khi chỉ có chưa đến 15% số học sinh có thể tìm được một chỗ đứng trong các trường đại học, số còn lại phải "tìm lối rẽ" theo các hướng đào tạo khác. Thế nhưng, mùa tuyển sinh 2008, một lần nữa nhiều trường nghề lại thiếu hụt chỉ tiêu đào tạo chỉ vì không thể đào tạo liên thông theo nhu cầu thực tế của người học.
Nhu cầu học liên thông khá cao
Điểm lại lĩnh vực đào tạo nghề tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, cho thấy lĩnh vực đào tạo này đang tồn tại song song hai hình thức: Cao đẳng, trung cấp nghề do Bộ LĐTBXH quản lý và cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp do Bộ GDĐT quản lý. Thực tế đã chứng minh, cứ đơn vị đào tạo có gắn thêm chức năng "có đào tạo liên thông" thì mới có thể thu hút học sinh vào học.
Năm 2008, trong tổng số chỉ tiêu hơn 38.000 suất đào tạo nghề cho các đơn vị đào tạo CĐ và trung cấp nghề trên địa bàn TPHCM đã có rất nhiều trường bị thiếu hụt chỉ tiêu đào tạo vì không có chức năng "đào tạo liên thông".
Cụ thể như Trường Cao đẳng Nghề TPHCM hay Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương - dù đã mở thêm khá nhiều nghề mới như công nghệ thông tin... và mở rộng đối tượng dự thi (cả những lao động đã và đang đi làm, độ tuổi cũng mở rộng...), nhưng cũng không thể đạt đủ chỉ tiêu đào tạo chỉ vì với bằng cấp mà trường chứng nhận, HS không thể theo học liên thông lên ngay tại trường hay các trường khác.
Chờ quy chế
Đề cập đến vấn đề này, một phó phòng đào tạo của Trường CĐ Nghề TPHCM cho rằng: Đứng về mặt chuyên môn đào tạo mà xét, các ngành học của cả hai hệ thống đào tạo nghề và trung học chuyên nghiệp trực thuộc Bộ LĐTBXH hay Bộ GDĐT thì các ngành hầu như tương tự như nhau: Kế toán, điện - điện tử, marketing...
Có khác biệt chăng, đó là chương trình đào tạo tổng quát của trường nghề và trung học chuyên nghiệp của trường nghề (thuộc Bộ LĐTBXH) có tỉ lệ thực hành cao hơn với chương trình tổng quát bao gồm 50:50 giữa thực hành và lý thuyết. Trong khi đó, hệ thống các trường trung học chuyên nghiệp (thuộc Bộ GDĐT) thì lý thuyết sâu hơn, chiếm 70 và chỉ có 30 là thực hành. Vì vậy, xét về hiệu quả đào tạo mà nói, những trường thuộc Bộ LĐTBXH có thể cho ra những sản phẩm lao động có kỹ năng thành thục hơn những trường chuyên nghiệp.
Song, "trớ trêu" ở chỗ các trường thuộc Bộ GDĐT lại có cơ hội học lên CĐ - ĐH với nhiều chương trình đào tạo liên thông tốt hơn. Trong khi HS trường nghề thì coi như con đường học lên đã bị "khép lại". Trưởng phòng Đào tạo ĐH Marketing - thầy Minh Tuấn cho biết: Không chỉ trường của chúng tôi, mà thật ra hiện nay năng lực đào tạo của nhiều trường ĐH ngoài công lập cũng đã sẵn sàng cho việc đào tạo liên thông.
Nhưng trong thực tế vì chưa có chủ trương và quy chế nào của Bộ GDĐT cho phép liên thông giữa hai bên trung cấp và cao đẳng nghề với cao đẳng, đại học chuyên nghiệp nên các trường cũng đành "bó tay". Tôi nghĩ, một khi quy chế cho phép, trường chúng tôi sẵn sàng nhận học sinh có bằng cấp trường nghề để đào tạo, bởi theo tôi đây không chỉ là nhu cầu của học sinh, mà còn là chức năng đào tạo cũng như "nguồn thu" chính đáng cho những trường có đủ cơ sở và năng lực đào tạo.