Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,278
Ngày 10-8, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trong 17 ngày từ khi Bộ Y tế công bố ca nhiễm đầu tiên trong đợt dịch thứ 2 (bệnh nhân 416 công bố ngày 25-7), dịch bệnh ở TP Đà Nẵng đang dần được kiểm soát. Tuy nhiên, việc xuất hiện nhiều ca nhiễm tại cả 4 KCN trên địa bàn khiến việc làm của công nhân (CN) gặp nhiều xáo trộn. Bên cạnh đó, nhiều lao động phi chính thức bị mắc kẹt tại TP trong cảnh không có việc làm, gặp khó về lương thực, thực phẩm.
Vừa mất việc vừa mắc kẹt vì dịch bệnh
Vừa "vượt cạn" được 3 tháng, chị Trần Thị Tình (SN 1990; trú kiệt 62 Nguyễn Phan Vinh, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) lại lâm vào cảnh khó khăn khi chồng là thợ xây vừa bị mất việc vừa phải đi cách ly vì dịch Covid-19. Trước khi sinh, chị Tình là giáo viên tại một nhóm trẻ tư thục với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Nghỉ sinh rồi nghỉ vì dịch Covid-19, nhiều tháng liền gần như chị Tình không có thu nhập.
"Gia đình 5 người gồm mẹ già, vợ chồng tôi và 2 con nhỏ chỉ có một lao động chính nay lại bị cách ly vì dịch. Sản phụ như tôi giờ chỉ biết trông chờ vào hỗ trợ của các tổ chức từ thiện. Đói thì chưa sợ, tôi chỉ sợ không đủ sữa để nuôi con nhỏ. Hiện tôi đang nhận gia công các mặt hàng thủ công để kiếm thêm nhưng không mấy khả quan. Dịch bệnh thì ai cũng khó cả" - chị Tình chia sẻ
Chị Lê Thị Mận (SN 1993; quê xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cùng chồng vào TP Đà Nẵng làm CN xây dựng tại quận Ngũ Hành Sơn vào đầu năm 2020. Từ khi TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các công trình được yêu cầu đóng cửa, chị cùng chồng mất việc. Hai vợ chồng băn khoăn giữa về quê hay ở lại. "Về quê thì không có việc làm, còn ở lại thì tiền trọ, tiền ăn uống rất tốn kém. Trước dịch, thu nhập mỗi người gần 6 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, từ cuối tháng 7, tôi và 24 CN khác bị chủ cho nghỉ không lương. Cũng may được các đoàn thể, tình nguyện viên hỗ trợ mì tôm, gạo, thịt để tự nấu ăn, chờ ngày dịch qua để được đi làm lại" - chị Mận nói.
Mới đây, ngày 6-8, nhóm 19 lao động là người Cơ Tu (quê huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) kêu cứu vì còn mắc kẹt ở Đà Nẵng. Ông Z’râm Dũng - trưởng nhóm lao động - cho biết nhóm nhận trồng rừng tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vào giữa tháng 7. Đến ngày 29-7, nhóm ông Dũng làm xong việc nhưng không thể về quê, đành phải ngủ lại trong rẫy, lương thực gần hết. Nhận được tin, lực lượng chức năng huyện Hòa Vang, các mạnh thường quân đã nhanh chóng tiếp cận, tiếp ứng thực phẩm đồng thời hỗ trợ xe để đưa những người có nhu cầu về Quảng Nam.
Tìm biện pháp hỗ trợ người lao động
Chia sẻ về tình hình CN tại các KCN, ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, cho biết một số doanh nghiệp đã cho CN nghỉ luân phiên để chống dịch nhưng đa phần vẫn sản xuất bình thường. LĐLĐ TP đang tập trung chăm lo cho CN, nhất là CN tại các tổ tự quản. Mới đây, LĐLĐ TP đã quyết định chi 2 tỉ đồng, trong đó chi 1 tỉ đồng hỗ trợ 1.000 CN có hoàn cảnh khó khăn, mỗi phần quà 1 triệu đồng. 1 tỉ đồng còn lại dùng mua trang bị, nước rửa tay sát khẩu, khẩu trang y tế, gạo và các nhu yếu phẩm để tặng CN.
Đối với giáo viên ở khối các trường mầm non ngoài công lập, đợt dịch trước, LĐLĐ TP Đà Nẵng đã hỗ trợ 500 phần quà. Các cấp Công đoàn cũng đã có chính sách hỗ trợ phù hợp. Mới đây, các giáo viên này lại tiếp tục mất việc do ảnh hưởng của đợt dịch lần 2 và LĐLĐ đang rà soát danh sách để tiếp tục hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP Đà Nẵng, cho biết toàn TP có hơn 581.400 lao động. Trong đó, số lao động có hợp đồng lao động khoảng 320.000 người. Số lao động phi chính thức theo thống kê sơ bộ trên 250.000 người, phần lớn tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp, tự cung tự cấp và rải đều ở tất cả ngành nghề khác.
Theo ông An, vì lao động phi chính thức không có hợp đồng nên cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc nắm danh sách để lên phương án hỗ trợ. Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi các đơn vị, yêu cầu gửi danh sách lao động ngoại tỉnh về sở để nắm tình hình, từ đó phối hợp với các địa phương giải quyết khó khăn trước mắt cho nhóm đối tượng này.
Nguồn: Theo Báo Người Lao Động
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này