Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,177
Điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng cho các nhóm đối tượng là thể hiện sự quan tâm sâu sát đến người thụ hưởng.
Từ ngày 1-1-2022, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của nhiều nhóm đối tượng sẽ được tăng 7,4% so với mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 12-2021. Đây là nội dung tại Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) ban hành hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng, thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15-3-2022.
Tăng 7,4% cho nhiều nhóm đối tượng
Theo đó, các đối tượng quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 điều 1 Nghị định số 108/2021/NĐ-CP hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1-1-2022 gồm: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và NLĐ (kể cả người có thời gian tham gia BHXH tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ BHXH nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16-3-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển BHXH nông dân Nghệ An sang BHXH tự nguyện); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP; Nghị định số 34/2019/NĐ-CP; Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4-8-2000 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 6-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ...
Các đối tượng quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 điều 1 Nghị định số 108/2021/NĐ-CP nghỉ việc hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1-1-1995, sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 điều 2 Thông tư 37 mà có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng dưới 2,5 triệu đồng/tháng; NLĐ không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1-1-1995 theo quy định tại điểm b khoản 3 điều 2 Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 4-8-2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Theo Thông tư 37, mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ ngày 1-1-2022 của các đối tượng quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 điều 1 Nghị định số 108/2021/NĐ-CP được tăng thêm 7,4% so với mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 12-2021. Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng. Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
Thầy Lê Văn Sán - giáo viên về hưu tại quận 3, TP HCM - là đối tượng được tăng 7,4% lương hưu từ ngày 1-1-2022. Ảnh: AN CHI
Điều chỉnh lương hưu là việc rất đáng hoan nghênh
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân, việc tăng lương hưu trong bối cảnh đất nước còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh rất đáng hoan nghênh dù ông Huân đánh giá mức điều chỉnh tăng 7,4% còn khiêm tốn so với nhu cầu cuộc sống của người về hưu. Đặc biệt, những người về hưu trước năm 1995 có lương hưu rất thấp.
"Dù mức tăng 7,4% chưa thể tương xứng với tốc độ trượt giá, cũng như chưa đáp ứng được hết mong muốn của người nghỉ hưu là muốn tăng cao hơn. Tuy nhiên, xét trong điều kiện hiện nay còn khó khăn, nhưng nhà nước vẫn dành nguồn ngân sách để điều chỉnh lương hưu là việc rất đáng quý" - ông Huân nói.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội), cho biết đây là chủ trương đúng đắn đã được Quốc hội ra nghị quyết. Lẽ ra việc tăng lương hưu đã được thực hiện năm trước, song do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngân sách nhà nước khó khăn nên Đảng và Nhà nước quyết định lùi lại. Điều này cần sự chia sẻ của những người về hưu. "Đến nay, Đảng, Nhà nước thấy rằng đây là vấn đề cấp thiết, đặc biệt người về hưu trước năm 1995 với mức lương hưu rất thấp, không đủ sống, không đủ chi tiêu trong gia đình. Đặc biệt do tác động của dịch Covid-19, Chính phủ với quyết tâm chính trị rất cao, nâng 7,4% bắt đầu từ ngày 1-1-2022 với nhiều nhóm đối tượng" - ông Lợi cho hay.
Bảo đảm đời sống người có mức lương hưu thấp
Theo bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam - hiện nay đời sống của NLĐ còn khó khăn, đặc biệt là đối tượng nghỉ hưu nên việc điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng là hợp lý, thể hiện sự quan tâm đến NLĐ. Tuy nhiên, bà Ngân cũng cho rằng cần có lộ trình tăng bảo đảm hơn cho những trường hợp hưởng mức lương hưu thấp. "Hiện nay, ảnh hưởng, tác động của dịch Covid-19 đến đời sống NLĐ còn rất dài. Để đáp ứng với nguyện vọng, bảo đảm đời sống của NLĐ ngày càng được tốt hơn thì nên nghiên cứu phương án về việc điều chỉnh lương hưu làm sao tập trung cho đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp dưới mức lương tối thiểu vùng" - bà Ngân bày tỏ.
Nguồn: Báo Người lao động
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này