Ông Đỗ Khá Em, trưởng thôn Vĩnh Phước (Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam) hồ hởi: “Làng có 10 thí sinh dự thi trong kỳ tuyển sinh đại học vừa rồi, thì có đến 9 em đậu. Trong đó, một em đỗ thủ khoa, một em đạt 27 điểm”.
Vượt gần 20 km đường liên thôn, chúng tôi tìm đến thôn Vĩnh Phước, nằm áp phía chân núi, tận cùng của huyện Đại Lộc. Có lẽ do địa thế thâm sơn, cùng cốc nên ngôi làng nhỏ hiện lên vẻ xơ xác dưới ánh chiều.
Thôn có chừng 190 hộ, số hộ nghèo, cận nghèo chiếm một số lượng lớn. Nhưng điều đặc biệt theo trưởng thôn Đỗ Khá Em là “khó khăn nhưng các em ở đây đều ham học, ý thức vươn lên để phát triển quê hương. Nhất là trường hợp gia đình của em Võ Thị Luyến, đậu thủ khoa và gia đình của em Võ Duy Linh, đạt đến 27 điểm”.
Bố mẹ phu củi, con đỗ thủ khoa
|
Võ Thị Tuyến.
|
Chúng tôi dừng ngang trước gia đình em Võ Thị Luyến. Căn nhà cấp 4, lợp mái tôn tuềnh toàng, trống trải với chiếc bàn gỗ cũ để giữa nhà, nhìn quanh chỉ độc cái ti vi là giá trị nhất.
Bóng mệ già cặm cụi nhặt lá ngô dưới bếp, ngước đôi mắt nhăn nheo vì tuổi tác về phía chúng tôi trả lời: “Tìm Luyến à? Nó theo bố mẹ lên núi kiếm củi rồi. Chú chờ chút để em nó lên gọi về”. Phải mất hơn tiếng sau, Luyến cùng gia đình mới về kịp để tiếp khách lạ.
12 năm liền là học sinh giỏi, cái tin Võ Thị Luyến đậu thủ khoa Đại học Luật TP HCM với 23 điểm hẳn không quá bất ngờ với gia đình thầy cô và bạn bè. Trên chiếc bàn nhỏ, Luyến đặt những tấm huy chương ở vị trí đẹp nhất, như nhắc nhở mình phải luôn cố gắng vươn lên nhiều hơn nữa.
9 năm được nhận danh hiệu học sinh giỏi toàn diện ở cấp I và cấp II, Luyến vinh dự là một trong số ít những đại biểu học sinh ưu tú của xã Đại Lộc nhận kỷ niệm chương trong Đại hội thi đua cấp tỉnh. Thầy cô, bạn bè động viên, Luyến mạnh dạn nộp đơn dự thi vào trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) để tiếp tục có cơ hội thăng tiến.
Xa gia đình, cuộc sống của cô học trò nghèo giữa thị thành càng thêm khắc khổ. Sau mỗi buổi đến trường, Luyến tranh thủ kiếm việc làm thêm để phụ giúp gia đình: hết rửa bát thuê lại phụ bán cà phê... Nhìn vóc người nhỏ bé, nhưng Luyến tỏ ra nhanh nhẹn tháo vát trong công việc.
Cũng may bà chủ nhà tốt bụng trên đường Ngũ Hành Sơn thấy Luyến khó khăn nên đã giảm tiền, rồi không lấy tiền thuê phòng trọ để em có điều kiện tập trung học tập. Với Luyến, phương châm chính vẫn là tự học, làm hết các bài tập trong sách giáo khoa và lân la học hỏi thêm ở bạn bè.
Ngay đến trước kỳ thi đại học vừa qua, Luyến cũng chỉ có được số tiền ít ỏi cho 2 tháng học ôn của mình... Vất vả, khó khăn nhưng cô học trò nhỏ vẫn không ngừng vươn lên và dành danh hiệu danh giá ở ngôi trường danh tiếng nhất thành phố Đà Nẵng. Lớp 10, 11 rồi đến lớp 12, Luyến đều đạt được danh hiệu học sinh giỏi.
Đặc biệt là 2 tấm huy chương vàng, bạc mà em đạt được trong kỳ thi Olympic khu vực phía Nam năm 2006, 2007 ở bộ môn Văn
Nói về gia cảnh, giọng Luyến trầm hẳn: “Nhiều lúc em muốn nghỉ học để phụ giúp gia đình, nhưng mẹ không cho, mẹ khóc mãi và động viên em cứ tiếp tục học hành”. Nhà thuần nông nhưng chỉ có 3 sào ruộng trong khi có tới 6 nhân khẩu và bà nội già mất sức lao động.
Bố mẹ em tranh thủ mượn đất trống, trồng thêm ngô sắn, nhưng vẫn không đủ cho 5 miệng ăn hàng ngày. Ngày Luyến lên lớp 11, cũng là lúc cậu em trai Võ Đức Thiết phải dừng ngang lớp 9 để gia đình tập trung điều kiện cho em ăn học.
“Đất ở đây cằn cỗi không như nhiều vùng quê khác nên mong đủ ăn là tốt lắm rồi. Nhiều lúc hai vợ chồng bấm bụng, tằn tiện mới có tiền gửi cho con ăn học. Nay mai nó chuẩn bị vào đại học, chúng tôi mừng mà cũng lo nhiều lắm. Không dám nói với con vì nó lại lo nghĩ rồi đòi bỏ học.
Trước mắt, chúng tôi chỉ biết vay mượn, rồi trả dần. Tuy nhiên vừa rồi chúng tôi làm sổ hộ nghèo thì xã chưa cho vì họ bảo có nhà cửa rồi nên khó quá. Họ có biết đâu, ngôi nhà vay mượn xây từ năm 2001, đến nay vẫn chưa trả hết công nợ” - Bà Bùi Thị Dân, mẹ Luyến bùi ngùi tâm sự, nét mặt hằn khắc khổ.
Cứ thế, mỗi ngày dì Dân lại cùng chồng tần tảo, rảo bước về phía núi từ lúc tờ mờ sáng, tranh thủ đốn củi. Vất vả, cơ cực nhưng trong lời trần tình tâm sự của chú Võ Ý (ba của Luyến) ẩn hiện niềm lạc quan và sự hi sinh lớn lao: “Những lúc củi hiếm, tôi lại vào rừng để dò sắt phế liệu, ngày nào kiếm được thì dăm ba chục, không thì qua loa xong bữa chứ không đáng kể gì. Nhưng cứ nghĩ các con được ăn học là tôi lại ấm lòng”.
Bán bún, đạt 27 điểm thi
|
Võ Duy Linh giúp mẹ bán bún
|
Mấy hôm nay, người đến ăn bún ở quán ông Võ Tiến (thôn Vĩnh Phước, Đại Đồng, Quản Nam) không ngớt lời chúc mừng cậu con trai đạt điểm cao nhất làng với 27 điểm trong kỳ thi tuyển sinh vào khoa Khoa học máy tính, trường ĐH Công nghệ Thông tin (TPHCM).
Là cậu học trò ham học, ham làm, Võ Duy Linh ngày ngày phụ giúp mẹ bán bún để kiếm thêm thu nhập. Gia cảnh của em cũng chẳng khá là bao so với trường hợp của em Võ Thị Luyến ở thôn nghèo dưới chân núi này.
Quán bún đã trở thành gia tài và nguồn thu nhập chính của gia đình nhưng nhiều khi vẫn không đủ ăn, vì theo Linh “ở quê thì làm gì có lắm người ăn, chủ yếu là cho khách lỡ đường, nên em được giao nhiệm vụ đảm nhận công việc bán bún để bố mẹ có thời gian tranh thủ lên rừng, nương rẫy kiếm củi và trồng ngô sắn”.
Ý thức gia cảnh khó khăn, Linh luôn nỗ lực học tập. Sau mỗi buổi đến trường em lại miệt mài với công việc bán bún. Tối đến tranh thủ học bài. Hàng đêm, ngọn đèn điện trong phòng học của em là sáng muộn nhất nơi làng nhỏ.
Thế nhưng những thành tích của cậu học trò bán bún “chuyên nghiệp” này cũng thật đáng nể. 12 năm học, Linh 11 năm liền đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và 1 năm lớp 9 đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt trong kỳ thi đại học vừa qua, dù chỉ đến lớp luyện thi cấp tốc được 1 tháng nhưng Linh đạt 9,5 điểm môn Lý, 9,25 điểm Hoá và 8 điểm môn Toán.
Gia đình thuần nông, nhưng nhà Linh cũng chỉ được hơn ba sào ruộng. Nghĩ đến ngày em nhập học, bà Từ Thị Lệ, mẹ Linh lại bần thần: “Được tin cháu đỗ đại học, gia đình vừa mừng vừa lo, vì không biết lấy tiền đâu ra để cho cháu nhập học. Nhiều đêm chúng tôi trằn trọc đến thức trắng, ráng làm thêm nhưng ruộng đất ít quá, lại khó canh tác. Năm qua, chỉ lo cho chị nó, đang học năm nhất trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành trong TPHCM đã thấy hụt hơi rồi”.
Chỉ tay về phía sân ngô, bà Lệ cho biết: “May mà có ruộng ngô vừa mới thu hoạch, bán đi cũng được ít tiền phụ giúp trang trải cho cháu nhập học trước mắt. Còn lại phải vay mượn thôi”.
Võ Duy Linh rắn rỏi: “Em biết gia đình khó khăn nhưng em sẽ cố gắng học và làm thêm để bố mẹ em đỡ vất vả”.