|
Các phụ huynh ở Trung Quốc đang cho con đi xét nghiệm sỏi thận
|
Cuộc khủng hoảng sữa nhiễm hóa chất gây sỏi thận tại Trung Quốc mang đến cơ hội làm ăn cho một trong những nghề từng thịnh hành dưới thời phong kiến: bán sữa cho con của người khác. Hàng nghìn mục quảng cáo từ những sản phụ muốn kiếm thêm tiền bằng cách cung cấp sữa cho trẻ sơ sinh xuất hiện nhan nhản trên các trang web. Những trung tâm cung cấp dịch vụ gia đình tại nhiều thành phố cho biết, các bà mẹ mới sinh đổ xô đi tìm người cho bú thuê do lo ngại về sữa bột chứa melamine.
Vài thập kỷ sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập (năm 1949), hầu như mọi phụ nữ Trung Quốc đều nuôi con bằng sữa mẹ bởi họ không đủ tiền mua sữa bột.
Nhưng khi nền kinh tế phát triển từng ngày, nhiều phụ nữ thành thị tránh xa việc cho con bú do lo ngại nó sẽ làm hỏng vóc dáng của họ hoặc do bị mê hoặc bởi những lời quảng cáo về sữa bột.
Hai tuần sau khi vụ bê bối sữa độc bùng nổ, hàng trăm nghìn trẻ em đã được đưa tới bệnh viện để xét nghiệm sỏi thận. Gần 13.000 trẻ phải điều trị trong bệnh viện, trong đó 4 em tử vong.
Zhan Liying, một sản phụ mới sinh hồi đầu tháng 8, ngồi trong một trung tâm cung cấp dịch vụ gia đình vào ngày 24/9 để chờ người tới thuê cô cho con bú.
"Khi bê bối sữa bột nổ ra, nhu cầu thuê người cho con bú tăng vọt. Đó là một cách để những bà mẹ trẻ như tôi kiếm tiền", Zhan nói.
Một phụ nữ tại thành phố Thành Đô, Tứ Xuyên cho biết, cô chỉ cho con của người khác bú nếu được trả 40 USD/ngày. Tuần trước cô nhận được hơn 30 cú điện thoại. Các luật sư khẳng định dịch vụ bán sữa của cô hoàn toàn hợp pháp.
Chỉ có những gia đình giàu có mới đủ khả năng đáp ứng được mức giá mà người phụ nữ trên đưa ra. Ở Thành Đô, vú em thường ở với chủ và được trả từ 1.100 tới 2.700 USD mỗi tháng.
Luật pháp Trung Quốc cho phép phụ nữ nghỉ sinh 4-6 tháng, nhưng nhiều phụ nữ không muốn nghỉ sinh vì đặc thù công việc.
"Họ đang ở trong thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, hoặc có thể mất việc nếu nghỉ sinh. Vì thế, họ không muốn mất vài tháng để cho con bú", Lin Zhimin, giám đốc một công ty chuyên cung cấp dịch vụ gia đình tại Bắc Kinh, giải thích.
Theo nhiều thống kê, khoảng 40-65% bà mẹ ở thành thị phải dùng sữa bột để nuôi con. Nhiều người cho rằng con số thực cao hơn rất nhiều.
Bộ trưởng Y tế Trung Quốc, ông Chen Zhu, cho rằng sự thay đổi trong lối sống đã gây nên tác động tiêu cực tới thói quen nuôi con bằng sữa mẹ.
"Các bà mẹ trẻ đang phải đối mặt với áp lực lớn từ xã hội. Chúng ta thường thấy sản phụ thường không thể cho con bú đầy đủ do họ phải đi làm. Vì thế, chẳng có gì lạ khi nhu cầu đối với sữa bột ở Trung Quốc là rất lớn", ông Chen nói.
Các hãng sản xuất sữa luôn tung ra những mục quảng cáo với những lời lẽ hết sức ấn tượng. Họ thường thuê bác sĩ,
dược sĩ và nhiều đối tượng trong ngành y tế để quảng bá sữa bột. Tình trạng này tác động mạnh tới nhận thức của người dân.
"Ở Trung Quốc, người ta tin rằng sữa bột giàu dưỡng chất hơn sữa mẹ. Đó là một lời nói dối. Chẳng có điều kỳ diệu nào có thể khiến sữa bột vượt trội hơn sữa mẹ", Yanhong Wheeler, tác giả của nhiều cuốn sách về nuôi dạy trẻ em, phát biểu.
Một bộ phận phụ nữ Trung Quốc tin rằng họ không thể sản xuất đủ sữa để nuôi con. Một số khác lại lo ngại rằng việc cho con bú sẽ khiến vòng một của họ xấu hơn.
Vú em là một nghề quan trọng ở thời phong kiến. Phổ Nghi, vị hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa, được cho là bú sữa của vú em tới tận khi ông bước vào tuổi thiếu niên.
Ngày nay, quan điểm của người dân về nuôi con bằng sữa mẹ vẫn chưa thống nhất. Một nữ cảnh sát ở Trung Quốc từng được ca ngợi như anh hùng khi cô cho vài chục trẻ em mồ côi trong trận động đất ngày 12/5 tại Tứ Xuyên bú. Nhưng nhiều gia đình vẫn cho rằng các bà vợ không nên cung cấp sữa cho những đứa trẻ không phải là con của họ. Tình trạng này khiến nhiều vú em phải giấu kín việc làm của mình.
Trên một diễn đàn dành cho vú em ở Trung Quốc, một người đàn ông có nickname "Blue forever" khẳng định anh ta sẽ trừng phạt vợ đích đáng nếu cô làm nghề cho bú thuê.
"Ai mà thích cái cảnh con của người khác bú sữa của vợ mình chứ?", anh viết.