Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 22,884
Sắp tới học sinh tiểu học sẽ bắt buộc phải học hai buổi/ngày tại trường. Đây là dự kiến của Bộ GD-ĐT “nhằm giãn thời gian học và tăng cường những môn học, những hoạt động giáo dục (GD) làm giảm bớt sự nặng nề của chương trình học”.
Tuy nhiên, dư luận lo ngại điều này sẽ chỉ là một cách khác để tăng thêm thời lượng cần có nhăm “nhồi nhét thêm kiến thức” cho trẻ em, chưa kể sẽ có thêm đòi hỏi về những điều kiện đi kèm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, nhà nghiên cứu GD độc lập Phạm Toàn - người đã từng tham gia viết sách giáo khoa, huấn luyện giáo viên tiểu học triển khai thực nghiệm công nghệ GD trong 25 năm qua và GS Hoàng Tụy, người có nhiều trăn trở trong việc “đổi mới tư duy GD”, đã có sự tương đồng quan điểm về vấn đề này:
- Ông Phạm Toàn: Tôi cho rằng điều quan trọng không phải là học một buổi hay hai buổi. Thời đi học của nhiều người có tài của đất nước ta hiện nay, như nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhà giáo Đặng Thị Hạnh và Lê Hồng Sâm... chỉ học một buổi, có khi chỉ học ban đêm không đèn đóm gì!
- GS Hoàng Tụy: Thực tế ở nhiều nước mà tôi biết trẻ con cũng ở trường cả ngày, nhưng không phải để học chữ hay nhồi nhét kiến thức. Việc tổ chức cho HS học hai buổi/ngày tại trường đối với hoàn cảnh VN sẽ gặp những khó khăn về trường sở, về người dạy, về kinh phí... nhưng điều đó cũng dễ khắc phục. Điều quan trọng là giãn thời gian học của trẻ liệu có đạt được mục đích “giảm tải” không hay chỉ là một hình thức “dạy thêm, học thêm”?
* Như vậy, cốt lõi của vấn đề nhằm mang lại hiệu quả GD tốt hơn cho trẻ hiện nay không nằm ở chuyện tăng số tiết học lên gấp đôi bằng cách giữ chân HS ở trường cả ngày?
- Ông Phạm Toàn: Theo quan điểm của tôi, trước hết cần phải hiểu thế nào là đúng tải. Và đã hiểu đúng rồi thì phải tìm cho ra cách làm thế nào để đúng tải. Không phải chuyện giảm bớt lượng kiến thức, tăng thời gian thì sẽ khiến HS bớt nặng nề. Giảm bao nhiêu là đủ và tăng bao nhiêu là đủ? Nhà sư phạm đích thực nên nghĩ đến việc tổ chức cách học của HS. Không giải quyết được điều mấu chốt đó, có thánh cũng không giảm được tải, đừng nói là tăng thêm buổi.
- GS Hoàng Tụy: Trẻ con cần được “chơi là chính”, cần được “học thông qua trò chơi, chơi mà học”. Nếu đảm bảo được điều này thì khỏi lo quá tải. Nhưng trường học bây giờ ít nghĩ đến việc GD bằng những hình thức nhẹ nhàng như thế. Nên vừa đến trường, trẻ đã sợ phải học. Càng bị nhồi nhét càng sợ, càng phải chịu áp lực. Các thầy cô giáo hiện nay cũng thường có cách dạy theo kiểu áp đặt. HS chỉ là người tiếp thu kiến thức thụ động. Trong khi càng ở những bậc học thấp, càng cần điều chỉnh cách dạy học, làm sao để trẻ làm nhiều, hoạt động nhiều, từng bước tự khám phá và hình thành tư duy. Đó là “cách học trong vui vẻ”. Tôi nghĩ mấu chốt của việc “chống quá tải” là ở chỗ đó.
GS Hoàng Tụy |
* Vậy theo các ông, chương trình sách giáo khoa hiện nay chưa thể hiện được rõ quan điểm về sự đúng tải cũng như những vấn đề cốt lõi để GD hiệu quả?
- Ông Phạm Toàn: Chúng ta sẽ không thể bàn quá chi tiết. Nhưng ta vẫn cần hiểu rõ ba cách học của trẻ em để đến với ba kiểu tri thức nhà trường, đó là kiểu khoa học, kiểu nghệ thuật và kiểu đạo đức.
Học khoa học thì nhất thiết phải tiến hành thao tác phân tích mới có được tư duy logic. Học nghệ thuật thì nhất thiết phải tiến hành thao tác tưởng tượng mới có được xúc cảm thẩm mỹ. Học đạo đức thì nhất thiết phải tiến hành tổ chức lối sống mới thì trẻ em mới dần dần có được nền nếp, thói quen, hành vi đạo đức. Ba cách học đó loại trừ lối giảng giải nhồi nhét của giáo viên. Tiếc rằng sách giáo khoa Bộ GD-ĐT soạn chỉ có đất cho lối giảng giải nhồi nhét, vì không nghiên cứu cách học của trẻ em. Như vậy, không chữa cái gốc mà cứ nháo nhào “giảm tải” thì chỉ tốn tiền vô ích.
* Có ý kiến cho rằng để có cách dạy, cách học phù hợp với tâm sinh lý và tiến trình phát triển tư duy của trẻ, đảm bảo công bằng với mọi đối tượng HS tiểu học, cần phải nghiên cứu và thực nghiệm một cách thận trọng. Ý kiến của các ông về điều này?
- Ông Phạm Toàn: Theo quan sát của tôi, ở VN trong mấy chục năm qua ngoài hệ thống công nghệ GD ra, hệ thống GD đại trà chưa bao giờ nghiên cứu cách học của HS cả. Hệ thống GD đại trà mới chỉ nghiên cứu cách dạy của giáo viên. Cách dạy đó lại thường thoát ly khỏi cách học của HS. Lúng túng kéo dài từ đó. Dĩ nhiên khi cho con em đến trường, cả phụ huynh cũng như giáo viên ai ai cũng muốn HS thông minh, học một biết mười. Nhưng làm cách gì cho trẻ em ngay từ lớp 1 đã có cách học để học một biết mười? Chương trình cứ thay đổi, sách giáo khoa cứ viết lại, nhưng trẻ em học như thế nào thì không nghiên cứu. Lẽ ra phải sửa từ đó chứ không phải chương trình có rồi mới lo giảm tải.
- GS Hoàng Tụy: Tôi muốn nói đến khái niệm về “công bằng trong GD”. Lâu nay người ta nhắc đến sự công bằng với người học chỉ ở chỗ phấn đấu để “mọi trẻ em có cơ hội được đi học”. Nhưng tôi nhấn mạnh đến việc “tạo cơ hội để mọi trẻ em đều được đáp ứng bởi một cách dạy học như nhau”. Việc này chúng ta chưa làm được. Cụ thể là HS được học hai buổi sẽ “biết” hơn HS chỉ được học một buổi. HS ở các lớp “dạy thêm, học thêm” sẽ “biết” hơn HS chỉ học chương trình chính khóa ở trường.
Kiểu dạy học nhồi nhét kiến thức và phương pháp đánh giá tương ứng vô hình trung đã tạo nên một sự thiếu công bằng như thế. Để khắc phục hoặc đi tìm một hệ thống GD khác, đương nhiên cần phải nghiên cứu kỹ để xây dựng một cách dạy, cách học phù hợp trước khi quyết định việc xây dựng nội dung chương trình, nội dung sách giáo khoa.
Theo chương trình Đảm bảo chất lượng GD trường học của Bộ GD-ĐT, để chất lượng GD ở bậc tiểu học tốt hơn, HS cần một thời lượng học tập tối thiểu là 700 giờ/năm, thay vì 450 giờ/năm như hiện nay. Theo đó, thay vì việc học 22-23 tiết/tuần sẽ tăng lên 30-35 tiết/tuần. Bộ GD-ĐT sẽ thiết kế một chương trình thống nhất cho HS học hai buổi/ngày tại trường để đảm bảo số tiết trên. HS vùng khó khăn, dân tộc thiểu số sẽ học 30 tiết/tuần, tăng cường học các môn toán, tiếng Việt, tiếng dân tộc. HS các vùng thuận lợi sẽ hướng tới học 35 tiết/tuần. Lộ trình thực hiện dự án trên từ năm 2009-2025, tùy theo điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên. Nhưng trước mắt sẽ triển khai tại 1.600 trường tiểu học tại 150 huyện khó khăn trên cả nước. Tới đây, khi dự án được Chính phủ phê duyệt, mỗi địa phương sẽ giới thiệu về Bộ GD-ĐT khoảng 40-60 trường để xem xét, lựa chọn trường thực hiện ngay từ năm nay. (Nguồn: Bộ GD-ĐT) |
* Theo các ông, lối thoát cho GD tiểu học hiện nay nằm ở đâu?
- Ông Phạm Toàn: Khi bà Nguyễn Thị Bình làm bộ trưởng, bà đã từng triển khai công nghệ GD ra các địa phương từ năm 1985, trong đó có những địa phương vùng sâu vùng xa. Đến năm 2002 công nghệ GD chính thức bị ngưng, để chỉ còn thực hiện một chương trình của Bộ GD-ĐT - chính cái chương trình đang định giảm tải ấy, và chính cái bộ sách sau mười năm thực hiện thì vừa rồi 20 triệu HS phải ngồi chữa 99 triệu bản sách giáo khoa theo ba cuốn sách đính chính. Hiện tại do yêu cầu của một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ, công nghệ GD lại triển khai vào vùng khó khăn.
- GS Hoàng Tụy: Tôi cũng cho rằng cách làm của hệ thống công nghệ GD là những kinh nghiệm quý báu cho việc thay đổi về chất GD từ bậc học thấp.
* Các ông nghĩ sao về quan điểm một chương trình, một bộ sách duy nhất như hiện nay?
- Ông Phạm Toàn: Tôi cho rằng Quốc hội nên rút lại cái nghị quyết cả nước chung một bộ chương trình và một bộ sách. Nên có vài bộ sách trình xã hội cách dạy học - nhất là ở bậc tiểu học - nương theo cách học của HS. Không nên có độc quyền soạn sách ở đây. Càng không nên có độc quyền quá tải để rồi giảm tải, rồi lại tăng tải... Còn gì nữa có giời mới biết nếu cứ để tồn tại tình trạng độc quyền!
- GS Hoàng Tụy: Hoạch định con đường đi cho GD cần có điểm chung thống nhất ở tư duy GD, triết lý GD. Trên cơ sở đó có nhiều con đường khác nhau để đạt được mục tiêu GD. Vì dạy học là dạy phương pháp học, dạy cách tư duy, không phải dạy HS học thuộc nội dung mà sách viết.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Việc làm Part Time cho sinh viên TPHCM
Top những từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất:
tuyển lái xe tải chạy bắc nam | tuyển dụng part time tphcm | tuyển phục vụ | tuyển tài xế riêng gia đình
Nguồn: Theo TTO
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này