|
Thạc sĩ Nguyễn Văn Hà, quyền trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH và NV, ĐHQG TPHCM.
|
Ngày 12/9, Khoa Báo chí và Truyền thông, thuộc ĐH KHXH& NV TPHCM tổ chức buổi công bố quyết định thành lập khoa. Từ chỗ là một bộ môn báo chí trực thuộc Khoa Ngữ văn - Báo chí, rồi trực thuộc trường, ngày 23/8, Giám đốc ĐHQG TPHCM kí quyết định thành lập Khoa Báo chí và Truyền thông.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Hà, trước là trưởng bộ môn Báo chí, giờ là Quyền trưởng khoa Báo chí và Truyền thông.
Với tên gọi mới có thêm chữ “Truyền thông”, Thạc sĩ Nguyễn Văn Hà cho biết đến năm 2012, Khoa sẽ xây dựng hoàn chỉnh 4 bộ môn: Nghiên cứu truyền thông, Báo in - Xuất bản, Các phương tiện truyền thông điện tử, Quan hệ công chúng và Quảng cáo. Sẽ nâng quy mô đào tạo lên gấp 2 lần hiện nay (sẽ đạt khoảng 2000 sinh viên các hệ).
Vì thế, đội ngũ cán bộ giảng viên cũng phải tăng thêm gấp đôi (khoảng 30 người). Giảng viên phải đủ khả năng tham gia đào tạo bậc sau đại học. Mục tiêu là phát triển Khoa Báo chí và Truyền thông trở thành một trung tâm nghiên cứu và đào tạo về báo chí và truyền thông mạnh nhất khu vực phía Nam.
PGS-TS Võ Văn Sen, hiệu trưởng ĐHKHXH&NV TPHCM giao nhiệm vụ cho Khoa Báo chí và Truyền thông - đúng như tên gọi của mình, ngoài việc đào tạo phóng viên phải hướng đến đào tạo nhân viên giao tế cộng đồng (PR), nhân viên quảng cáo (Advertiser), nhân viên
tổ chức sự kiện, nhân viên điều phối (Dispatcher), người dẫn chương trình (MC).
Lịch sử đào tạo báo chí của trường KHXH&NV TPHCM bắt đầu từ năm 1992 với lớp báo chí hệ mở rộng đầu tiên và duy nhất. Sau 15 năm, số lượng cử nhân báo chí đã lên con số 1.300 người. 70% sinh viên tốt nghiệp đi làm báo. Hiện nay, trường có 1000 sinh viên báo chí (gồm chính quy, văn bằng 2, tại chức).